Vừa đi học về, An (10 tuổi, em họ cô bạn tôi) chạy tọt xuống bếp: “Hello bà. Có gì ăn không? Cháu đói quá!”. Câu nói cộc lốc của cậu cháu đích tôn khiến bà nội sững người. Bà lắc đầu khẽ nói: “Cháu đừng nói tiếng Tây, bà không hiểu đâu”. “Yes madam!”, An đáp lớn rồi chạy lên lầu.
Một hôm, ngồi quán cà phê với bạn, tôi nghe được câu chuyện của một nhóm “nam thanh nữ tú”. Câu chuyện tóm gọn lại như sau: “Ê mày, con nhỏ Trinh thay boy rồi đó”. “Trời, có gì ngạc nhiên đâu, nó cute muốn chết vậy mà”. “Hotgirl đó con”. “Nghe nói thằng này rich lắm, mới sắm cho nhỏ Trinh con lap HP, cái phone E71. Mới lớp 11 đã đi PS, không phải dùng bus như tụi mình đâu”. “Thằng đó có mad không? Con Trinh nghèo thấy mồ love làm gì?”. “Nhưng nó đẹp, lại sexy, thằng nào thấy chả like”. “Ừm, nó attractive thiệt nhưng poor quá nên không nice couple”. “Hope tụi nó có một happy ending. Đừng love vài bữa rồi divide thì mất công lắm”.
Thế mới thấy, ngôn ngữ của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay quá phong phú và đa dạng. Họ trộn lẫn tiếng Anh vào ngôn ngữ mẹ đẻ một cách vô cùng tự nhiên, cứ như chúng là hai phần của một thể thống nhất vậy. Họ không cần biết người nghe có hiểu hay không bởi theo nhiều bạn trẻ, cách nói chuyện như thế thể hiện họ là người sành điệu, năng động. Ban đầu, các bạn chỉ sử dụng những câu nói “lai căng” này với bạn bè đồng trang lứa. Nhưng nói nhiều thành quen, dần dần họ không còn kiểm soát được cách sử dụng từ ngữ của mình.
Không chỉ sử dụng tiếng nước ngoài xen kẽ vào ngôn ngữ mẹ đẻ khiến người nghe cảm thấy khó chịu, giới trẻ hiện nay còn có những cách dùng từ rất ngộ nghĩnh, dạng ngôn ngữ này chủ yếu được sử dụng khi chat hoặc nhắn tin điện thoại. Loạt tin nhắn sau đây nếu không được chú thích, chắc hẳn sẽ có nhiều người đọc hoài chẳng hiểu: “2, fe hem? (Hi, khỏe không?)” . “Tèm tẹm. U seo? (Tàm tạm. You sao?)”. “Chán như con zán! (Chán như con dán!)”. “Seo dzị? (Sao vậy?)”. “Hẻm bít. (Hổng biết.)”. “Dzị thì go out w tui cho dzui! (Vậy thì đi chơi với tui cho vui!)”. “When?” (Khi nào?)”. “Cúi từng nha (Cuối tuần nha)”. “Ok”.
Cách sử dụng từ như trên tuy khá sáng tạo nhưng có phần đánh đố người tiếp nhận ngôn ngữ. Nếu không quen với kiểu nói chuyện rút gọn và chuyển hóa này, nhiều người sẽ tỏ ra ngỡ ngàng vì gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình giải mã thông tin, thậm chí đôi khi còn dẫn đến những hiểu lầm không đáng có. Vấn đề cần đặt ra ở đây là tại sao người Việt chúng ta lại không sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để giao tiếp với nhau? Nói và viết tiếng Việt thường xuyên sẽ giúp mỗi người làm giàu vốn từ hạn hữu của mình. Đừng vội theo trào lưu mà đánh mất đi “sự trong sáng của tiếng Việt”. Tôi tin rằng, ngôn từ của tiếng Việt đủ để mỗi người diễn đạt những gì mình muốn nói, có chăng thiếu từ là do chúng ta lười động não để rồi tự ý thay vào những từ của nước ngoài làm câu nói “nửa Tây nửa ta” rất khó nghe.n
Thiên Kim (TP.HCM)
Bình luận (0)