Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng đặt áp lực cho con trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi xin chia sẻ 3 câu chuyện về áp lực nặng nề từ thầy cô và cha mẹ trong thi cử làm ảnh hưởng tới tinh thần của con trẻ.

Câu chuyện 1: Anh bạn đồng niên của tôi kể, cháu của anh đạt giải nhì môn tiếng Anh cấp tỉnh tưởng người mẹ phấn khởi ai ngờ lại buồn ra mặt, còn trách móc con thêm. Mọi người khuyên không nên mắng con nhưng chị vẫn chưa nguôi… giận. Chị cho rằng, không thể chấp nhận con mình đạt giải nhì mà phải là giải nhất mới xứng bởi vì nó là niềm hy vọng của cả gia đình. Anh bạn biết thế liền thuyết phục chị gái bởi vì ngày xưa chị học hành cũng đâu phải là nhất nhì lớp mà giờ cứ đòi hỏi con cái phải thế này thế nọ.

Qua câu chuyện này cho thấy thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh vì bệnh thành tích mà ép con không chỉ đạt học sinh giỏi trong năm học mà còn phải đạt giải này giải nọ trong các kì thi khác. Chỉ cần con rớt giải một chút như trường hợp cô bé trên là cha mẹ nói nặng nói nhẹ mà không hiểu rằng các cháu tham gia cuộc thi này đến cuộc thi khác với tâm lí rất nặng nề, đôi khi không còn sự hứng thú như ban đầu nữa.

Câu chuyện 2: Tôi đã từng tham gia ôn luyện học sinh giỏi của trường dự thi cấp thành phố. Năm thứ nhất có ba học sinh thi. Lần đầu tiên dự thi, biết các em có tâm lý lo lắng vì thế trong quá trình ôn tập, tôi không hề ôn “tủ” và tìm cách động viên: “Các em đừng nặng nề vấn đề đạt giải hay không đạt giải. Các em dự thi sẽ được nhiều thứ: mở rộng tầm nhìn, kết nối bạn bè, coi như đây là sự cọ xát. Hãy tự tin và ôn tập một cách thoải mái, nhẹ nhàng. Không thành công thì cũng thành nhân, các em mạnh dạn dự thi, đó cũng là giải thưởng của sự tự tin rồi”. Kết quả một em đạt giải nhì – giải cao nhất mà trường đạt được. Năm thứ hai có một học sinh dự thi, tôi cũng ôn tập nhẹ nhàng, không tạo áp lực giải thưởng nhưng có vẻ em buồn và rất lo. Áp lực đè lên em bởi những lần “nhắc nhở” của một giáo viên bằng mọi cách phải có giải. Tôi nói với em cứ nỗ lực hết mình, giải thưởng quan trọng nhất là sự tự tin của bản thân. Tôi động viên rất nhiều nhưng tâm lí em cũng không thoải mái. Kết quả sau đó em không có giải gì, tôi lại tiếp tục động viên em về mặt tinh thần.

Câu chuyện 3: Một cô học trò học giỏi toàn diện nhưng gia đình khó khăn không thể tiếp tục học ở thành phố nên em đã chuyển về quê. Một lần dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh, em vui mừng báo tin cho tôi. Em hỏi: “Thầy ơi, trước lúc đi thi, em muốn thầy cho một lời khuyên để em làm bài một cách tốt nhất”. Tôi vui vẻ nói: “Em hãy làm bài văn như văn bản Bức tranh của em gái tôi (của tác giả Tạ Duy Anh) đã được học ở chương trình ngữ văn lớp 6 đấy”. Đó là câu chuyện, trước lúc cô bé Kiều Phương đi thi vẽ đã được họa sĩ Tiến Lê khuyên: “Cháu hãy vẽ cái gì thân thuộc nhất với cháu”. Từng học bài văn này nên cô học trò hiểu về lời khuyên của tôi để phải làm gì trước ngày đi thi.

Rõ ràng khi con trẻ tham gia các cuộc thi, nhà trường và gia đình đừng tạo áp lực bởi các “chỉ tiêu” của bệnh thành tích. Các em cần lời động viên, khích lệ hơn là nặng nề về giải thưởng. Hãy tạo tâm lí thoải mái để các em đến với các cuộc thi một cách nhẹ nhàng và hào hứng. Có như vậy thì các em và cả chúng ta sẽ được nhiều hơn mất.

Thái Hoàng

Bình luận (0)