Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dùng dấu ngoặc đơn tùy tiện

Tạp Chí Giáo Dục

Sách giáo khoa ngữ văn 7 (tập 1) còn tồn tại việc dùng dấu ngoặc đơn tùy tiện làm cho việc dạy học chưa được mạch lạc lắm, xin được nêu lên để mong được khắc phục.

Dùng thừa dấu ngoặc đơn

Tại ghi nhớ chấm thứ 3 trang 73 của bài học Tìm hiểu chung về văn biểu cảm, có viết: “Tình cảm trong văn biểu cảm là những tình cảm đẹp, thấm nhuần tư tưởng nhân văn (như yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc, ghét những thói tầm thường, độc ác…). Ở trường hợp này nếu bỏ dấu ngoặc đơn thì hợp lý hơn vì đã có từ “như” làm dẫn chứng rồi nên có thể viết lại như sau: “Tình cảm trong văn biểu cảm là những tình cảm đẹp, thấm nhuần tư tưởng nhân văn như yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc, ghét những thói tầm thường, độc ác…”. Có thế đoạn văn mới không cảm thấy bị tức mà mạch lạc hơn và thầy cô mới có cơ sở định hướng học sinh khi viết câu văn dùng dẫn chứng để minh hoạ đúng hơn.

Đặt dấu ngoặc đơn chưa đúng chỗ

Ở mục 1a trang 81, 82 bài Từ Hán Việt (tiếp theo), có câu hỏi như sau: Tại sao các câu văn dưới đây dùng các từ Hán Việt (in nghiên) mà không dùng các từ thuần Việt có nghĩa tương tự (ghi trong ngoặc đơn)?

Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. (đàn bà); Cụ là nhà cách mạng lão thành. Sau khi cụ từ trần, nhân dân địa phương đã mai táng cụ trên một ngọn đồi. (chết, chôn); Bác sĩ đang khám tử thi. (xác chết).      

Việc đặt từ thuần Việt có dấu ngoặc đơn ở cuối câu được cho là không logic, và ở góc độ cá nhân là giáo viên mấy chục năm, tôi chưa thấy ai, hoặc văn bản nào dùng dấu ngoặc đơn theo kiểu trên, nên nếu có nói dùng dấu ngoặc đơn như trên là sai thì cũng không quá lời. Bởi lẽ, theo Ghi nhớ về dấu ngoặc đơn trang 134 ở sách ngữ văn lớp 8 tập 1 là: “Dấu ngoặc đơn dùng để đánh dấu phần chú thích (giải thích, thuyết minh, bổ sung)” và trong nguyên tắc sử dụng dấu ngoặc đơn từ xưa đến nay thì dấu ngoặc đơn luôn luôn đặt ở sau từ cần làm rõ nghĩa, nghĩa là từ trong dấu ngoặc đơn trên là ngầm ý giải thích nghĩa từ đã cho nên phải đặt ngay sau từ đã cho thì hợp lý hơn, khoa học hơn, giúp học sinh dễ hiểu từ Hán Việt đã cho nhanh hơn. Đặc biệt mới đúng cách dùng dấu ngoặc đơn để sau đó học sinh sử dụng dấu ngoặc đơn khi tạo lập văn bản chính xác hơn. Vì thế nên viết lại như sau: Phụ nữ (đàn bà) Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang; Cụ là nhà cách mạng lão thành. Sau khi cụ từ trần (chết), nhân dân địa phương đã mai táng (chôn) cụ trên một ngọn đồi; Bác sĩ đang khám tử thi (xác chết).

Vấn đề sử dụng dấu ngoặc đơn nói riêng và sử dụng dấu câu nói chung cho đúng với nguyên tắc sử dụng không chỉ góp phần giúp học sinh sử dụng đúng từ ngữ tiếng Việt mà còn hành văn chuẩn và tốt hơn, tạo lập văn bản chính xác và mạch lạc hơn; để từ đó dần hình thành trong các em tình yêu tiếng Việt cũng như có ý thức giữ gìn, phát huy sự trong sáng của tiếng nói dân tộc. Vì vậy rất mong các nhà viết sách sớm chỉnh lại lỗi này và cần cẩn trọng khi làm sách cho học sinh học.

Nguyn Văn Tú
(Trưng THCS Phm Văn Đng,
Hòa Vang, Đà  N
ng)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)