Các phụ huynh không nên dạy cho con thói quen “chịu đựng” khi bị lép vế, yếu thế… Mà điều quan trọng là các bậc phụ huynh hãy lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng con, giúp con tháo gỡ những khúc mắc cần thiết…
Nếu trẻ thường xuyên bị các bạn đồng trang lứa cố ý làm tổn thương sẽ cảm thấy bất lực, không còn tự tin để giải quyết các mối quan hệ của mình
Sai lầm của phụ huynh
Không ít bậc cha mẹ cho rằng bạo lực học đường phải là những hành vi xâm lấn đến thể xác, như: đấm, đá, đánh và xô đẩy thô bạo, nhưng chuyện thực tế xảy ra còn đa dạng và tệ hại hơn nhiều. Nếu con trẻ thường xuyên bị quấy rầy, xúc phạm thì có nghĩa là con bạn bị các bạn đồng trang lứa cố ý làm tổn thương nó. Kết quả là con bạn cảm thấy bất lực, không còn tự tin để tự lo giải quyết các mối quan hệ của mình. Những đứa trẻ chuyên gây sự có thể tấn công trẻ yếu đuối bằng cách loan tin đồn nhảm, dùng lời lăng mạ, tẩy chay, làm nhục.
Cứ sau ngày nghỉ là Hải An (8 tuổi) ngụ Biên Hòa, Đồng Nai khóc lóc vật vã không chịu đến trường. Nhiều lần lặp đi lặp lại như thế, anh Phú – bố của Hải An tìm hiểu mới hay rằng con trai đi học luôn bị nhóm bạn trong khối hù dọa, quấy rầy. Những lần trước, mỗi khi Hải An mếu máo, kể lể, kêu ca các bạn xúc phạm chế nhạo con trước nhiều người là gia đình anh Phú thường không để ý tới. Thậm chí, có lúc bực bội nghĩ rằng con trai mè nheo, nũng nịu để đòi hỏi nên anh đã bảo con “không có gì phải sợ” hay “phải chịu đựng cho quen”… Nhưng giờ nhìn con co rúm người vì sợ nhóm bạn “gấu” kia mỗi khi đến trường khiến anh cảm thấy chạnh lòng và nghĩ cách kéo con ra khỏi nạn bạo lực học đường. Song, để ngăn chặn sự leo thang của nạn quấy rầy, ăn hiếp, các bậc cha mẹ cần bình tĩnh, kiên nhẫn đồng hành với con.
Những điều phụ huynh nên làm
Hãy quan tâm đến tâm tư của con một cách nghiêm túc: Chuyện bị quấy rầy, chế nhạo ở trường tạo nên tâm lý hoang mang ở bất cứ lứa tuổi nào. Vì vậy, hãy lắng nghe và thấu hiểu con từ những dấu hiệu mầm mống của bạo lực. Khẳng định với trẻ rằng cha mẹ rất tin tưởng và cùng trẻ tìm cách tự bảo vệ để được an toàn. Có không ít trẻ không dám nói cho người lớn biết chúng đang bị quấy rầy, ăn hiếp. Do đó, cha mẹ phải lên tiếng trước cho con thấy mình đang được quan tâm. Quấy rầy ở trường học luôn là một hành động cố tình và có ý ác nhằm xúc phạm đối tượng và rất ít khi xảy ra thuần túy một lần. Khi con bạn càng bị lép vế, yếu thế thì chuyện ăn hiếp, chế nhạo càng lặp lại nhiều lần.
Cầm tay chỉ việc cho trẻ tránh những tình huống có thể dẫn tới trẻ bị quấy rối: “Đừng ra phía sau sân nơi ít người. Hãy chơi chỗ có đông người hơn!”, hay “Cố gắng đừng ở lại một mình, hãy nhanh chân hơn nhé!”… Chuyện quấy rầy là mầm mống gây nên các hành vi bạo lực học đường, quấy rối tình dục… thường xảy ra ở nơi không có mặt của người giám sát, bảo mẫu. Vì thế, nếu thấy con có dấu hiệu bị gây sự hãy bảo con luôn đi với nhiều trẻ khác bất cứ ở đâu, khi nào như giờ giải lao, đi vệ sinh, công viên, hoặc nơi trống trải khác.
Dạy trẻ kỹ năng tìm kiếm người giúp đỡ: Luôn nhắc nhở trẻ sẽ an toàn hơn khi ở cùng một số bạn khác. Do đó, tốt nhất con nên kết bạn với những đứa có đồng cảnh ngộ để thông cảm, chia sẻ. Ngay cả khi con chỉ chơi thân với một đứa trẻ yếu thế thì cũng có thể đối phó được nạn quấy rầy hơn là trẻ đối phó một mình.
Nhắc trẻ không nên động thủ nhưng phải có động tác tự vệ: Đánh nhau để trả đũa là kế sách cuối cùng bởi nó càng làm tăng sự hiềm khích và nguy cơ con sẽ trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành tiếp theo mà thôi. Tuy nhiên, trẻ cũng không nên chịu đựng một cách thụ động. Trẻ cần được dạy một số kỹ năng để thoát thân hoặc tự vệ như: học các thế võ phòng ngự, la lên “Cháy”! nếu đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Chỉ nên đánh lại khi con nhận thấy không còn chọn lựa nào khác, nhất là khi con bị quấy nhiễu, xúc phạm nặng nề.
Các phụ huynh không nên dạy cho con thói quen “chịu đựng” khi bị lép vế, yếu thế…
Khích lệ trẻ nói ra vướng mắc với người tin cậy: Tìm người có thể giúp đỡ con và nói ra để nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Người đó phải nhận thức vấn đề bạo lực học đường như quấy nhiễu, chế nhạo, ăn hiếp, xúc phạm… một cách nghiêm túc, biết bảo vệ trẻ và biết giữ kín chuyện. Đó là giáo viên, bác bảo vệ, tài xế xe đưa rước đi học, người chăm sóc trẻ ban ngày, huấn luyện viên… bất cứ ai mà bạn và con thấy tin tưởng.
Chỉ dẫn cho con các bước cụ thể để né tránh, rút lui: “Đôi khi điều tốt nhất khi bị quấy nhiễu, gây sự là con nên tìm cách rút khỏi tình cảnh ấy càng nhanh càng tốt”. Một số nhóm chuyên gây rối, ăn hiếp thường tỏ ra ngán ngẩm khi đối tượng không phản ứng gì sau một vài lần gây sự. Còn “Nếu khi con cảm thấy tủi thân hoặc cần chia sẻ, giúp đỡ, hãy đi về phía có người lớn, một đám đông và đưa ra tín hiệu cầu cứu…”.
Mục đích quan trọng nhất trong chuyện này là giúp con ngăn chặn được nạn bị quấy rầy và để con được an toàn trong thế chủ động. Việc bị quấy rầy sẽ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ rất nhiều. Do đó, hãy làm tăng tính tự tin bao gồm học các môn võ thuật, tham gia các lớp năng khiếu hay thể thao mà con bạn thích thú và vượt trội về môn ấy. Đồng thời, khuyến khích trẻ tham gia sinh hoạt ở trường hoặc ở câu lạc bộ có tiếng để giúp trẻ thiết lập các mối quan hệ tích cực nhằm hậu thuẫn trẻ an toàn trong bất cứ tình huống nào.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)