Du học, một trong những lý do vô duyên nhất, nhưng cũng rất phổ biến khiến nhiều du học sinh Việt Nam bị ghét, thậm chí bị đuổi ra khỏi nhà lại liên quan đến… chuyện tế nhị.
Học sinh THPT tìm hiểu chương trình học quốc tế chuyển tiếp ra nước ngoài do Kent Việt Nam tổ chức (ảnh minh họa) |
Rắc rối đến từ… toilet
Theo Hồ Trúc Vy (sinh viên năm 4 ĐH UTS – Úc), toilet là vấn đề rắc rối muôn thuở mà nhiều bạn trẻ khi du học ở các nước phát triển hay gặp phải, nguyên nhân là do ý thức sử dụng nhà vệ sinh kém, không được ba mẹ nhắc nhở về cách sử dụng toilet khi còn ở nhà. Một số khác tuy đã được nhắc nhở, chỉ bảo nhưng lại không để ý, cho đó là điều phiền phức để rồi khi bước chân ra khỏi phạm vi nhỏ hẹp của mình mới thấm thía được giá trị của những lời chỉ bảo đó. Rất nhiều bạn trẻ đã bị bạn bè (nếu ở ký túc xá), chủ nhà (nếu ở theo hình thứ homestay) nhắc nhở, tỏ vẻ khó chịu vì ý thức giữ gìn nhà vệ sinh kém. “Nếu ở chung nhà với những người lớn tuổi, mức độ khó chịu của họ sẽ tăng hơn nhiều”, Trúc Vy nói.
Trúc Vy cho biết: “Bạn tôi học tại Canada, từng ở homestay mà chủ nhà là người lớn tuổi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vì nhà chỉ có một toilet nên mọi người đều dùng chung. Một lần, bạn được ông chủ nhà gọi đến nhắc nhở vì khi đi vệ sinh xong không nhấc nắp ngồi lên. Ông giải thích, nắp ngồi là được sử dụng cho phụ nữ và khi nam giới đi toilet thì phải nhấc lên để nước tiểu không bị văng lên. Và như vậy, khi phụ nữ ngồi sẽ không dính phải nước tiểu. Bạn lắng nghe, nhưng tâm trạng không hài lòng vì cảm thấy quá phiền phức, vì ở nhà bạn chẳng làm như thế mỗi khi đi toilet. Rồi những lần tiếp theo lại tái diễn như lần đầu, ông chủ nhà bắt đầu tỏ vẻ khó chịu nhưng vẫn im lặng. Cho đến một lần, ông gọi bạn đến, chỉ cho thấy “tàn tích” bạn để lại trên nắp ngồi và mắng bạn là người không tôn trọng phụ nữ. Sau đó ông đề nghị bạn hôm sau phải chuyển ra khỏi nhà. Lần đó, bạn thực sự bị sốc bởi lý do bị đuổi ra khỏi nhà… chỉ vì cái toilet. Phải đến sau này, trải qua những lần nhắc nhở khi sống chung nhà với người khác, bạn mới vỡ lẽ và thầm cám ơn người chủ nhà đầu tiên đã dạy bạn nguyên tắc ứng xử đúng khi đi… toilet”.
Ngoài lý do trên, còn rất nhiều lý do khác khiến cho du học sinh Việt Nam bị ghét khi sử dụng nhà vệ sinh như quên không giật nước, không bật quạt thông gió, không lau chùi… “Có trường hợp bồn cầu bị nghẹt, người sử dụng lại đóng nắp mà không có thông báo để bạn cùng phòng biết, giống như kiểu “gài bẫy” khiến người sử dụng sau đó vô cùng khó chịu. Trên thực tế đã có rất nhiều vụ cãi cọ, xích mích giữa sinh viên Việt Nam với bạn cùng phòng về vấn đề tưởng như rất nhỏ này”, Trúc Vy cho hay.
Phân loại rác: Bài học phải thuộc lòng
Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, việc phân loại rác trước khi bỏ vào thùng là điều bắt buộc. “Rác trước khi đem đi đổ sẽ được phân loại thành các loại: rác thải sinh hoạt, rác tái chế, rác y tế. Hà khắc hơn, một số quốc gia như Đức ngoài các loại nói trên còn có thêm rác sinh học, rác plastic, rác giấy, rác có thành phần kim loại nặng. Ở Đức, đối với những loại rác có thể tái chế, một số gia đình còn bắt phải rửa sơ qua trước khi cho vào thùng để khỏi bốc mùi. Người Đức vốn rất kỹ tính trong vấn đề bảo vệ môi trường nên rất khó chịu nếu rác không được phân loại đúng cách. Nếu bỏ rác không theo một trật tự nào, bạn sẽ bị nhìn như thể một sinh vật lạ”, Phan Thu Hà (sinh viên ĐH Free Berlin, Đức) phân tích.
Trong khi đó, người Việt lại không có thói quen phân loại rác, thường bỏ hết tất cả vào chung một thùng, bất kể là đồ ăn còn thừa, cái chai còn nước hay các vật dụng sắc nhọn như dao lam, mảnh chai bị vỡ… Do đó, sinh viên Việt Nam thường bị nhắc nhở việc phân loại rác khi mới sang để thể hiện trách nhiệm với môi trường, với tài nguyên và sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, không ít bạn cũng bị chỉ trích nặng nề do đã được nhắc nhở, chỉ bảo nhưng vẫn tiếp tục tái diễn tình trạng này. “Một người bạn của tôi từng bị chủ nhà gọi xuống, yêu cầu bưng thùng rác ra đổ ngoài góc sân rồi ngồi phân thành từng nhóm chỉ vì thùng rác của phòng bạn chưa được phân loại nhưng lại đổ chung vào thùng rác sinh hoạt của gia đình. Ở các nước phát triển, chi phí để trả cho việc phân loại rác rất tốn kém nên Chính phủ thường yêu cầu người dân tự phân loại trước khi thu gom. Thậm chí một số nước còn yêu cầu hình phạt thật nặng đối với các gia đình, công ty, tổ chức nào không thực hiện việc này. Thế nên, rất nhiều bạn đã bị chủ nhà hoặc người quản lý ký túc xá xử phạt để ghi nhớ trong những lần sau”, Thu Hà cho biết.
Ngọc Anh
Bình luận (0)