Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Đừng để “bỏ thầy đi học thợ”

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là lời khuyên của các chuyên gia tuyển dụng cùng đại diện tuyển sinh của các trường TC nghề và CĐ nghề tại Ngày hội hướng nghiệp – dạy nghề lần 5 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức cuối tuần qua tại Nhà Văn hóa Thanh niên (Q.1) khi không ít người phải bỏ học ĐH hoặc bỏ việc giữa chừng để đi học nghề.

Các bạn trẻ được chuyên gia giáo dục nghề nghiệp định hướng về ngành nghề phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình. Ảnh: Trọng Tri

Có rất nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất là người học không có đam mê, sở thích và năng lực không phù hợp dẫn đến thực tế này, gây lãng phí lớn về nguồn lực xã hội.

Cân nhắc năng lực, tài chính và sở thích

Ông Nguyễn Kiều Hưng (Trưởng ban Thanh niên trường học, Thành đoàn TP.HCM) cho biết ngày hội mong muốn được đồng hành, hỗ trợ và định hướng cho các em học sinh THCS-THPT trong quá trình học tập, chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, hướng tới sẽ có một công việc ổn định.

Nguyễn Thanh Toàn (ở xã Long Thới, huyện Nhà Bè) cho biết em đến với ngày hội lần này để được tư vấn chọn ngành nghề phù hợp. Gia đình khó khăn nên em chấp nhận học TC nghề để tiết kiệm thời gian cũng như chi phí. Toàn cho biết không phải chịu áp lực từ gia đình, bạn bè về quyết định của mình bởi “bản thân biết rõ mình đang đứng ở đâu”.

Gia đình không khó khăn về điều kiện tài chính nhưng Ngô Thị Minh Hà (học sinh Trường THPT Tân Túc, huyện Bình Chánh) vẫn nuôi ý định đi học nghề ngay từ những ngày chưa tốt nghiệp THCS. “Lúc bấy giờ em muốn đi học nghề thiết kế thời trang nhưng vì gia đình và bạn bè ngăn cản. Giờ thì em có đủ tỉnh táo để quyết định một ngành nghề cho mình trong tương lai. Tuy nhiên, trước hết mình phải có đam mê với nghề, phải phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế của gia đình”, Hà cho biết.

Bà Huỳnh Thị Phương Trang (Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Q.12) chia sẻ, cơ hội học nghề luôn rộng mở đón các em học sinh. Với sự quan tâm của Nhà nước đối với đào tạo nghề, các trường đã được đầu tư cơ sở vật chất xứng tầm, đáp ứng yêu cầu hội nhập và nhu cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, bản thân người học phải thật sự quyết tâm, theo đuổi đến cùng ngành nghề mình đam mê mới thành công.

“Cần đánh giá thật chính xác về năng lực, điều kiện kinh tế và ngành nghề yêu thích của mình. Bởi đó là những yếu tố quyết định đến con đường học vấn cũng như nghề nghiệp ổn định cho tương lai”, bà Trang khuyên.

Cùng quan điểm này, ông Đặng Văn Sáng (Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa) cho rằng nếu thiếu một trong 3 yếu tố tài chính, sở thích và năng lực thì nên chọn học nghề. “Tâm lý chuộng ĐH hơn TC là một rào cản lớn cần mạnh dạn xóa bỏ. Thực tế, tại các doanh nghiệp, không ít người có bằng TC trở thành lãnh đạo, quản lý đơn vị. Bản thân tôi cũng xuất thân từ trường nghề, sau đó học lên cao học và trở thành cán bộ quản lý”, ông Sáng dẫn chứng.

Ông Võ Phước Nguyện (Phó phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) nhìn nhận, hiện nay không ít học sinh và cả gia đình có cái nhìn chưa đúng về đào tạo nghề dẫn đến thực tế thừa thầy thiếu thợ, gây lãng phí lớn về nguồn lực xã hội. Thấy rõ nhất là sau một thời gian học ĐH, do môi trường, học lực không đáp ứng yêu cầu, nhiều người đã bắt đầu lại từ đầu với việc đi học TC nghề. Như vậy, vai trò của nhà trường, gia đình trong công tác hướng nghiệp là cực kỳ quan trọng.

Rộng cửa liên thông

Cần đánh giá thật chính xác về năng lực, điều kiện kinh tế và ngành nghề yêu thích của mình. Bởi đó là những yếu tố quyết định đến con đường học vấn cũng như nghề nghiệp ổn định cho tương lai”, bà Huỳnh Thị Phương Trang (Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Q.12) khuyên.

Trả lời thắc mắc của các em học sinh về điều kiện liên thông lên ĐH, đại diện Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex khẳng định, hiện nay hầu hết các trường TCCN và CĐ đều có chương trình đào tạo liên kết, tạo điều kiện cho học sinh – sinh viên có nhu cầu liên thông lên ĐH. Nếu điểm số cao, lĩnh hội các kỹ năng và được doanh nghiệp tuyển dụng khi còn trong giai đoạn học kỳ doanh nghiệp thì cơ hội được học bổng đi học nước ngoài là rất cao.

Bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) cho biết chương trình đào tạo liên thông tại trường bậc CĐ như sau: Tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp TC xếp loại khá; học sinh tốt nghiệp xếp loại trung bình phải có một năm làm việc theo chương trình đào tạo, thời gian học 1 năm. Riêng bậc ĐH, tuyển sinh viên đã tốt nghiệp CĐ với thời gian học 2 năm. Ngoài các chính sách miễn, giảm học phí theo quy định thì học sinh THPT học nghề trọng điểm ASEAN cắt gọt kim loại sẽ được giảm đến 70% học phí. Trong khi đó, Trường TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn có chương trình hợp tác với Hàn Quốc. Theo đó, tốt nghiệp tại trường này sẽ học tiếp 2 năm tại ĐH JoongBu (Hàn Quốc) để lấy bằng cử nhân.

Ghi nhận tại ngày hội cho thấy, 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do dịch chuyển trong Cộng đồng kinh tế ASEAN gồm nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, khảo sát và du lịch được các bạn trẻ quan tâm, tìm hiểu. Theo ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM), đây là những nhóm ngành nghề hiện đang khát lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, trình độ ngoại ngữ phục vụ xuất khẩu.

Trần Anh

Bình luận (0)