Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng để chết vì “Bác sĩ Google”

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù đã được cảnh báo nhưng không ít người bệnh vẫn tin vào bài thuốc “dân gian” hoặc “gia truyền” được chia sẻ trên mạng, để rồi bệnh ngày một nặng hơn. 

Bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý kê toa hoặc sử dụng bài thuốc dân gian trên mạng (ảnh mang tính chất minh họa)

Hầu hết các bệnh nhân tự điều trị bệnh từ các bài thuốc được cho là “gia truyền” này nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy kiệt, ranh giới sinh – tử rất gần. Trong số đó, không ít bệnh nhân bất chấp cảnh báo của bác sĩ, điều trị đông, tây y kết hợp nên phần nào đã vô hiệu hóa tác dụng chữa bệnh, nguy cơ tử vong cao.

Suy gan, thận vì thuốc gia truyền

Đang khỏe mạnh, ông Nguyễn Văn M. (ngụ P.4, TP.Tân An, tỉnh Long An) đột nhiên bị đau đầu, chóng mặt khi về chiều. Ông kể về bệnh tình của mình với những người bạn trà. Ngay lập tức, ông M. được định triệu chứng: “Dấu hiệu của tuổi già” và chia sẻ nhiều bài thuốc dân gian trị dứt điểm chứng bệnh mà ông đang gặp phải. “Nghe cũng có lý nhưng để chắc ăn, tui nhờ đứa cháu ngoại lên mạng tìm bài thuốc như lời chỉ dẫn. Có rất nhiều nhưng tui chọn bài thuốc đơn giản, dễ mua và dễ làm nhất. Sau gần một tuần sử dụng, bệnh tình của tui không những không giảm mà còn nặng hơn, đi đứng khó khăn hơn. Thấy mặt và tay chân bị phù nề, da sạm lại, người nhà hoảng quá đưa tui vào bệnh viện cấp cứu”.

Ông M. vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe bác sĩ kết luận: “Do không được khám mà tự ý bốc thuốc điều trị nên gan và thận vốn đã giảm chức năng nay lại suy nhanh chóng, cần phải điều trị tích cực trong thời gian dài”. Ông M. còn cho biết, bác sĩ nói bệnh của tui không chỉ dừng lại ở suy gan, thận mà còn biến chứng qua tim mạch, viêm khớp nặng nếu không tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Lương y Nguyễn Công Đức (Hội Đông y Q.2, TP.HCM) cho biết, dù là bệnh gì, nhẹ hay nặng cũng cần được thăm khám, theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân cần thận trọng với nguồn chia sẻ bài thuốc có đáng tin cậy hay không. Để hiệu quả hơn trong chữa bệnh, bệnh nhân nên được đến bác sĩ để được thăm khám, tư vấn kỹ, không tùy tiện sử dụng thuốc khi không có ý kiến bác sĩ. Quan trọng nhất là dù điều trị theo đông hay tây y gì cũng phải được kiểm tra thường xuyên để theo dõi các phản ứng phụ, để thay đổi, điều chỉnh liều lượng cho hợp với tình trạng bệnh. 

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà (Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Triều An) cho biết gần đây nhiều bệnh nhân đột quỵ cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do người nhà sơ cứu bằng phương pháp dân gian cực kỳ nguy hiểm. Bác sĩ Hà cảnh báo: “Phương pháp dùng kim chích vào đầu ngón tay, nặn máu ra… được chia sẻ nhiều trên mạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội facebook. Tuy nhiên, đây là một cách làm hết sức nguy hiểm, không có cơ sở khoa học. Thời gian sơ cứu như trên vô tình “cướp” giờ vàng trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ”.

Sau gần một tuần người uể oải, luôn thèm ngủ nhưng không ngủ được, chẳng buồn ăn, ông Võ Trọng H. (ngụ Q.7) đến bệnh viện khám. Kết quả xét nghiệm theo yêu cầu bác sĩ cho biết gan nhiễm mỡ, men gan cao. Biết bệnh nhưng ông H. không uống thuốc tây theo chỉ định của bác sĩ mà tự ý sử dụng thuốc “gia truyền” theo mách nước của bạn bè. Ông H. cho biết sau vài ngày sử dụng, ông thấy người khỏe ra, đặc biệt là ăn được, ngủ ngon giấc. Tuy nhiên, chỉ sau bốn thang thuốc trị giá gần 2.000.000 đồng, ông H. phải vào viện cấp cứu vì huyết áp tăng cao, tê ở mấy đầu ngón tay. Trở lại nơi thăm khám ban đầu, bệnh viện phải làm thủ tục chuyển bệnh nhân H. lên bệnh viện tuyến trên “vì bệnh nhân tự ý điều trị dẫn đến suy gan cấp”.

Chớ lạm dụng khi “thấy khỏe ra”

Gần đây, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi trong tình trạng suy hô hấp cấp, ngưng thở. Theo bác sĩ Đinh Thạc (Bệnh viện Nhi đồng 1), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng trong đó có trường hợp trẻ được người nhà cho uống các bài thuốc dân gian truyền miệng trị cảm, hen suyễn, trào ngược…

Bác sĩ Hà cho rằng, dù bệnh gì, nặng hay nhẹ cũng cần được thăm khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Thực tế, bệnh nhân sử dụng bài thuốc “gia truyền” để điều trị bệnh và khẳng định “có kết quả khả quan” là có thật vì “đúng bệnh, đúng thuốc”, cơ địa hợp. Hơn nữa, bệnh nhân “thấy khỏe ra” một phần là do tâm lý nên cứ ở nhà tự uống thuốc mà không được theo dõi diễn tiến bệnh, từ đó lạm dụng dẫn đến hậu quả khó lường. Đa số bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, dù chỉ mới điều trị bằng bài thuốc “dân gian” hoặc “gia truyền” trong thời gian ngắn.

Bài, ảnh: Trần Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)