Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng để chết vì… “thú cưng”

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhân đang tiêm phòng bệnh dại do bị chó cắn. Ảnh: T.H

Bệnh dại thường gặp nhất là chó cắn, gây viêm não cấp tính do virus dại từ tuyến nước bọt của chó lây sang cho người. Đây là một trong 4 bệnh dịch mà Chính phủ, ngành y tế quan tâm nhất vì nó đang có nguy cơ bùng phát. Tuy nhiên, bệnh này có thể phòng ngừa được.
“Thú cưng” gây họa
Theo BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu – BV Nhiệt đới TP.HCM thì thời gian qua, số người bị chó cắn đang ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 25-30 trường hợp bị chó cắn đã đến bệnh viện kiểm tra và tiêm phòng dịch.
Cách đây không lâu, vào giờ giải lao buổi sáng, con chó khoảng 30kg của một chủ ở cạnh Trường Tiểu học An Xuyên 2, xã An Xuyên, TP.Cà Mau đã xông vào trường cắn vào mặt, mũi, miệng của em Nguyễn Văn Sửu (học sinh lớp 4C), và em Nguyễn Đăng Khôi (lớp 1C) bị cắn tay, mông. Hai học sinh này nhanh chóng được đưa đi tiêm ngừa, theo dõi chặt chẽ để báo cho Trung tâm Y tế dự phòng TP.Cà Mau. Riêng con chó cắn học sinh đã chết sau đó hai ngày. Một trường hợp khác là bệnh nhi Nguyễn Văn C., nhà ở Đồng Tháp, được chuyển đến BV Nhi đồng 1 trong tình trạng mặt sưng phù to, 2 mắt sưng húp, đau nhức với vùng da đầu bị rách bởi các vết cào và dấu răng chó. Sau khi được khâu 35 mũi, nhưng do vết thương bị nhiễm trùng nên C. bị sốt li bì và phải điều trị gần nửa tháng thì sức khỏe mới tạm ổn định. Cũng có không ít trường hợp chết oan vì chó. Đa số những ca này, khi bị súc vật cắn, thay vì phải đi tiêm phòng thì nhiều người chủ quan không thực hiện, cũng có người đi tiêm nhưng chỉ tiêm cho có chứ không đủ số lần theo hướng dẫn nên khi phát bệnh và đi cấp cứu thì đã quá muộn. Trường hợp gần đây tử vong do chó dại cắn là anh L.M, 43 tuổi trú tại Bến Tre. Anh M. bị chó cắn và đã đi tiêm phòng dịch tại cơ sở y tế địa phương. Chích được 2 mũi thì anh M. phải đi biển (anh là ngư dân) nên bỏ qua mũi thứ ba. Chính vì chủ quan nên gần nửa tháng trên biển, anh đã lên cơn dại co giật, tụt huyết áp, sùi bọt mép… Khi được đưa vào đất liền và chuyển đến cấp cứu tại BV Bệnh Nhiệt đới thì bệnh quá nặng hết cách cứu chữa… Trường hợp khác, trong lúc chơi đá bóng ở trước sân, cháu N.M.N,  7 tuổi ở quận 8 – TP.HCM bất ngờ bị chú chó nhà mình cắn vào tay. Thấy vết cắn không nguy hiểm nên gia đình chỉ đưa N. đến phòng khám tư rửa vết thương mà không đưa cháu đi tiêm ngừa dại. Tuy nhiên, 20 ngày sau, N. lên cơn dại, cùng lúc “thú cưng” của nhà bỏ ăn rồi chết, gia đình mới hốt hoảng đưa N. đi tiêm ngừa nhưng đã quá muộn.
Phòng ngừa bệnh dại do chó cắn
ThS.BS Lê Hồng Nga (Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM) cho biết, virus dại có trong nước bọt của động vật bị bệnh dại xâm nhập vào cơ thể người và động vật qua vết cắn hoặc do liếm trên vùng da bị trầy xước. Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn tùy thuộc vào số lượng virus đi vào cơ thể, mức độ vết cắn, số lượng vết cắn và vị trí của vết cắn trên cơ thể. Giai đoạn ủ bệnh trung bình khoảng 20-60 ngày, nhưng cũng có trường hợp chỉ từ 4-7 ngày sau khi cơ thể bị nhiễm virus dại, nếu vết cắn ở gần thần kinh trung ương thì thời kỳ ủ bệnh còn nhanh hơn các vị trí khác. Trước khi xuất hiện viêm não cấp có thể bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như lo lắng, thay đổi tính tình, đau ở vết cắn.
Khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn. Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại phát tán càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để tiêm vaccine. Cho đến nay, y học đã khẳng định bệnh dại khi đã lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%. Biện pháp duy nhất để cứu chữa những người bị súc vật dại cắn hoặc tiếp xúc với virus dại là phải tiêm vaccine dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả. Ngoài tiêm ngừa cho vật nuôi, không thả rông chó, khi dắt chó ra đường phải rọ mõm; khi bị súc vật cắn, phải đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc vết thương và tư vấn cách xử lý; không nên xử lý bằng thuốc nam khi bị chó cắn. Ngoài ra, cần phải lưu ý khi tiêm vaccine phòng dại. Việc tiêm phòng phải thực hiện càng sớm càng tốt sau khi bị súc vật cắn, luôn tuân thủ đúng lịch hẹn tiêm vaccine để đạt hiệu quả tốt nhất.
Phụng Diễm
Theo BS. Lê Hồng Nga thì bệnh dại những năm gần đây báo động cả về số ca mắc và số ca tử vong, đặc biệt là trẻ em từ 5-14 tuổi, bởi trẻ hay đùa nghịch với chó, trong khi chiều cao của các em còn thấp nên thường bị chó cắn vào đầu, cổ. Chính vì thế, các bậc phụ huynh phải hết sức cẩn thận.
 

Bình luận (0)