Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng để chốc lở gây biến chứng

Tạp Chí Giáo Dục

BS Võ Thị Bạch Sương – giảng viên Bộ môn da liễu Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết: “Chốc là căn bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn với biểu hiện có nhiều mụn đỏ trên da sau một thời gian bị vỡ, rỉ nước vài ngày rồi đóng vỏ khô cứng”.

Bệnh ngoài da dai dẳng

Cách đây 1 tuần, bé Trần Xuân V. SN 2012 (ngụ đường Đoàn Văn Bơ, Q.4) có vài nốt mụn đỏ nổi trên mặt. Lúc đầu mẹ bé cứ tưởng rôm sảy bình thường nhưng 2 ngày sau những vết đỏ đó lan ra quanh miệng và mũi. Những vết cũ vỡ ra thì có chất dịch bên trong gây ngứa ngáy cho bé. Đến ngày thứ 3 thì mẹ đưa bé V. vào Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây, sau khi khám kỹ, các BS chẩn đoán cháu V. bị bệnh chốc lở. Sau khi vệ sinh các vết nhiễm trùng, bé V. được các BS cho điều trị ngoại trú với liều thuốc kháng sinh đặc trị.

Theo BS Sương, đối với trẻ dưới 2 tuổi thể bệnh thường gặp là chốc lở dạng phỏng. Mụn nước xuất hiện ở thân mình, cánh tay và cẳng chân. Tuy không gây loét nhưng chốc lở dạng phỏng lại lâu lành hơn chốc lở truyền nhiễm. Mụn mủ là thể nặng nhất của bệnh chốc đầu vì nhiễm trùng thâm nhập sâu vào lớp da làm cho vết loét sâu. Bệnh thường xuất hiện ở cẳng chân và bàn chân. Không như 2 thể bệnh trên, mụn mủ thường để lại sẹo sau khi vảy nâu bị bong tróc trên da.

Phụ huynh đưa trẻ đi khám da liễu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM

Điều trị bệnh chốc lở tùy thuộc vào thể bệnh và độ tuổi của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo BS Bạch Sương, trước hết phải vệ sinh để giữ cho da sạch sẽ nhiều khi bệnh tự lành. Kịp thời cắt móng tay và rửa tay thường xuyên cho trẻ để trẻ khỏi tự gãi vào vết thương. Nhẹ nhàng rửa vết chốc bằng xà phòng hay dung dịch kháng khuẩn dưới vòi nước. Dặn trẻ tuyệt đối không được cọ xát mạnh làm vỡ các mụn nước dễ bị “nhảy” ra những chỗ khác. Có thể rửa bằng dung dịch thuốc tím pha loãng hoặc nước chè xanh, sài đất, khổ qua… nhằm làm dịu da. BS Sương căn dặn, nước lá phải nấu chín, tuyệt đối không giã đắp trực tiếp lên vết lở. Nếu kéo dài thì sát khuẩn bằng cách bôi các loại thuốc mỡ theo yêu cầu của BS. Khi bôi thuốc nhớ mang găng tay vô trùng và bôi bằng dụng cụ sạch vào vết chốc. Đưa trẻ đến bệnh viện nếu tình hình không được cải thiện, ở đây trẻ sẽ được uống kháng sinh phù hợp tùy thuộc vào từng thể bệnh. Đây cũng là cách để phòng tránh bệnh tay chân miệng khi có dịch.

Vệ sinh sạch sẽ để ngăn bệnh

Sau vài ngày điều trị ngoại trú ở Bệnh viện Nhi đồng 2 về căn bệnh chốc lở, cháu Võ Trà Giang (con gái anh Võ Thanh Huy) ngụ tại đường Nguyễn Đình Chính, Q.Phú Nhuận được mẹ cho sang nhà bà ngoại. Tại đây, do không được chăm sóc kỹ nên các mụn đỏ lại tiếp tục mọc trên mặt của cháu Giang. Đứa anh họ 4 tuổi ở chung nhà ông bà ngoại cũng bị lây căn bệnh ngoài da này. Vì sợ nguy hiểm anh Huy lại phải sang đón hai cháu đi khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Tại đây, các BS đã yêu cầu gia đình cho hai cháu điều trị nội trú. Sau gần 1 tuần dùng thuốc, cách ly và vệ sinh sạch sẽ bệnh của hai bé mới khỏi hẳn.

BS Phạm Đăng Trọng Tường – Phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) khuyên, khi bé bị bệnh chốc lở cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ra ngoài tiếp xúc với bạn bè và môi trường bẩn xung quanh. Có thể chờ khi hết bệnh mới đưa trẻ đến trường đi học. Đồ dùng, quần áo, khăn mặt không xài chung mà phải để và giặt riêng nhằm tránh lây nhiễm. Cũng nên lưu ý là mặc dù chốc lở không xảy ra trực tiếp trong mắt người nhưng nó có thể gây tổn hại cho nhãn cầu. Vì thế vệ sinh sạch sẽ tay chân và cơ thể là không thừa.

Trên thực tế, bệnh chốc lở thường được phụ huynh chẩn đoán sai do nhìn bề ngoài nên cứ nghĩ là rôm sảy, mụn nhọt. Được đắp bằng một số loại lá theo thói quen nên nhiều trẻ nhiễm trùng nặng do chốc lở bị bội nhiễm. Biểu hiện của trẻ là sốt cao, mặt phù chân tay sưng tấy, mụn có mủ bên trong. Tuy không gây nguy hiểm nhưng chốc lở có thể gây ra biến chứng như chàm hóa, chốc loét, nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận cấp và nặng thì viêm phổi, viêm xương.

Bài, ảnh: Quang Phan

Để phòng bệnh chốc lở nên nuôi trẻ ở môi trường thoáng mát, có máy điều hòa, quạt phun sương nhưng không phun trực tiếp mà phun đối lưu để tránh gió quá mạnh. Tắm rửa thường xuyên nhưng không quá lạm dụng chỉ 2 lần trong một ngày là đủ” – BS Bạch Sương dặn dò. 

 

Bình luận (0)