Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tai nạn thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 900.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tương đương với gần 2.500 trẻ tử vong/ngày và hơn 100 trẻ tử vong/giờ. Còn tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 8.000 trẻ tử vong vì tai nạn thương tích, trong đó phần lớn là các tai nạn trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Điều đáng nói là tai nạn phần lớn xảy ra trong thời gian trẻ nghỉ hè…
Người lớn hãy tạo ra những sân chơi hè bổ ích cho trẻ. Ảnh: T.Nguyên
“Điểm mặt” những tai nạn mùa hè
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mùa hè trẻ thường gặp một số tai nạn thương tích như ngã, tai nạn gây ra bởi các vật sắc nhọn, bỏng, tai nạn giao thông, đuối nước…
Trong đó, tai nạn do ngã để lại nhiều hậu quả, nhẹ thì trầy xước, gãy tay, gãy chân, trật khớp; nặng hơn thì chấn thương sọ não, cột sống, thậm chí tử vong. Để phòng tránh tai nạn này, cha mẹ nên giáo dục con trẻ tránh các trò chơi có nguy cơ cao như nhảy từ trên cao, đuổi nhau chơi đùa ở những chỗ nguy hiểm; tuyệt đối không leo trèo ở những nơi không an toàn như cây, cột điện, mái nhà. Phụ huynh cũng không để đồ dùng, đồ vật của trẻ ở những nơi quá cao trẻ không với tới được.
Tai nạn bỏng là tổn thương của cơ thể ở mức độ khác nhau do tác dụng trực tiếp với các nguồn năng lượng: sức nóng, điện, hóa chất, bức xạ… Bỏng thường để lại di chứng sẹo, tàn tật, thậm chí dẫn đến tử vong. Trẻ em, nhất là trẻ nhỏ rất dễ bị bỏng vì bản tính hiếu động, tò mò và nhiều khi do sự bất cẩn của người lớn. Các loại bỏng thường gặp ở trẻ như bỏng nhiệt ướt (nước sôi, đồ ăn nóng), bỏng nhiệt khô (bàn là, ống bô xe máy, lửa, hơi nóng của lò nung…), bỏng hóa chất (bỏng do vôi tôi, bỏng axít, kiềm…), bỏng điện.
Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ tai nạn giao thông rất cao, trong số đó có không ít nạn nhân là trẻ em. Mùa hè, do thiếu sân chơi nên nhiều trẻ ra đường đá bóng; chạy xe đạp hàng 3, hàng 4 lạng lách trên đường; chạy xe máy chở 3-4, không đội mũ bảo hiểm… Do vậy, nguy cơ bị tai nạn giao thông cũng cao hơn nhiều trong thời gian các em đi học. Để phòng tránh, cha mẹ cần nói cho trẻ biết những tình huống dẫn tới tai nạn giao thông, những nguy cơ và hiểm họa của tai nạn giao thông đối với sức khỏe. Đồng thời hướng dẫn trẻ cách tham gia giao thông an toàn; nhắc nhở con tuyệt đối không chơi đùa dưới lòng đường…
Thời gian nghỉ hè, trẻ cũng có thể gặp những tai nạn gây ra bởi các vật sắc nhọn. Thương tích do vật sắc nhọn gây ra nhiều hậu quả với các mức độ khác nhau, từ nhẹ (xây xát ngoài da, phần mềm…) đến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng (nhiễm trùng, hoại tử chi…), thậm chí rất nặng gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Động vật cắn, côn trùng đốt là những tai nạn trẻ thường gặp khi được cha mẹ cho về quê chơi như ong đốt, rắn cắn, chó cắn… Cách phòng tránh, cha mẹ, người lớn nên nói cho trẻ biết sự nguy hiểm khi bị động vật cắn và các loại động vật cắn thường gặp. Hướng dẫn trẻ không nghịch tổ ong, không trêu chọc chó, mèo và các vật nuôi; không chơi gần các bụi rậm để tránh bị rắn cắn, nếu phải đi qua thì dùng gậy khua vào bụi rậm phía trước, đợi một lúc rồi mới đi qua.
Hãy cho trẻ đi học bơi để phòng chống đuối nước. Ảnh: T.Nguyên
Năm nào cũng vậy, cứ hè đến là số trẻ em tử vong do đuối nước, điện giật lại tăng. Do đó, để phòng tránh điện giật, quan trọng nhất vẫn là đảm bảo trẻ không tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây điện giật như để nguồn điện ở chỗ trẻ nhỏ không với được; giáo dục trẻ không sờ tay vào ổ cắm; nhắc nhở trẻ tránh xa nơi dây điện đứt rơi xuống. Để phòng tránh đuối nước, phụ huynh nên cho con đi học bơi; dạy trẻ không chơi gần ao hồ, sông suối, không tắm sông…
Những tai nạn đau lòng
Số liệu từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho thấy, so với những tháng trong năm thì thời gian trẻ được nghỉ ở nhà như Tết, hè, riêng năm 2020 còn nghỉ do dịch bệnh Covid-19, số trẻ nhập viện vì bị tai nạn luôn cao hơn.
Cụ thể, hồi cuối tháng 2-2020, trong thời gian bé T.T.T (4 tuổi) nghỉ học ở trường mầm non do dịch bệnh Covid-19, bà N.T.K (huyện Hóc Môn, TP.HCM) dùng ấm siêu tốc để nấu nước tắm cho cháu ngoại. Khi nước sôi, bà K. đi vào phòng lấy quần áo, khăn tắm thì nghe tiếng thét đau đớn của bé T. Bé bị cả ấm điện siêu tốc đổ vào người. Bé T. được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Sau khi bù dịch, giảm đau cho bé, bệnh viện chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Tuy bé T. qua được phẫu thuật cắt lọc da hoại tử, xử lý vết thương tránh nhiễm trùng, nhưng sau khi lành bệnh, bé phải chịu những vết sẹo chằng chịt, sẹo co rút ảnh hưởng đến tâm lý, cũng như chất lượng sống sau này.
Một học sinh khác cũng phải nhập viện trong thời gian nghỉ ở nhà. Đó là em T.D.K (13 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TP.HCM) do bị lưỡi kéo đâm xuyên chân phải… Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, chị T. (mẹ em K.) cho biết, chị làm nghề may bao bố nên thường mang cây kéo bằng sắt theo mỗi khi đi làm. Từ lúc K. được nghỉ học, chị mang con đi làm theo vì không thể gửi cho ai, cũng không muốn để con ở nhà một mình. Sáng 1-3, chị chở K. đến chỗ làm. Trên đường đi, trong lúc tránh chiếc xe máy đi ngược chiều, chiếc giỏ đồ nghề của chị đập mạnh vào thành cầu bên cạnh. Cây kéo sắt trong chiếc giỏ văng ra, đâm thẳng vào chân K.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, kết quả chụp X quang cho thấy, K. bị gãy xương vị trí 2/3 cẳng chân phải, gãy xương mác, đứt gân chân… nên em được chuyển đến Khoa Chấn thương Chỉnh hình phẫu thuật xử lý lấy chiếc kéo ra. Theo bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình của bệnh viện, do lưỡi kéo dính đầy nhựa ni-lông nên buộc phải mở vết mổ lớn, bơm rửa vết thương loại bỏ dị vật, tránh nhiễm trùng, hoại tử cho nạn nhân. Tuy nhiên, khi mở vết thương, các bác sĩ phát hiện vị trí kéo đâm khiến xương mác bàn chân gãy vụn, buộc phải cố định xương bằng đinh y tế. Sau khi lành bệnh, K. tiếp tục làm phẫu thuật lấy đinh ra và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
Tai nạn từ những vật, đồ gần gũi nhất
Đồ chơi là thứ không thể thiếu của trẻ em. Bởi với trẻ ở lứa tuổi mầm non thì chơi chính là học. Theo đó, dù là ở trường hay ở nhà, trẻ đều có đồ chơi. Nếu ở trường học, các đồ chơi được mua theo đúng quy chuẩn, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, thì ở gia đình, đồ chơi lại có đủ loại – không theo quy chuẩn nào. Phụ huynh thường mua đồ chơi theo khả năng tài chính của mình, theo sở thích của con. Do đó đã có không ít tai nạn đáng tiếc xảy ra. Trên thực tế, có trẻ đã bị thủng ruột do nuốt pin đồ chơi, có trẻ bị dị vật mũi do nhét viên bi tròn vào mũi…
Ngày 2-6-2020, Khoa Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận bé L.Q.T.T (sinh năm 2017, TP.HCM) do dị vật ở đầu. Cách thời gian nhập viện khoảng 3 tiếng, trong lúc chơi đồ chơi, bé T. đã không may té ngã đập đầu vào chiếc xe hơi đồ chơi. Hậu quả là bé bị que sắt của trục bánh xe hơi đồ chơi cắm vào đầu vùng thái dương. Sau khi nhập viện bé được cho chụp phim CT và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để mổ cấp cứu. Trên phim CT cho thấy có 3 cấu trúc kim loại dạng ống cắm vào đầu bé, trong đó có 1 ống cắm vào xương sọ, 1 ống nằm sát mô mềm, ống còn lại nằm dưới da. Ngay sau đó các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu cho bé. Cũng may tai nạn không quá nghiêm trọng và được cấp cứu kịp thời nên sau mổ tình trạng bé ổn định, tỉnh táo, ăn uống tốt.
Từ những vụ tai nạn do đồ chơi gây ra, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh hãy thận trọng khi mua đồ chơi cho trẻ. Ngoài việc phòng ngừa những đồ chơi độc hại đối với trẻ, các ông bố, bà mẹ cần chú ý đến việc đồ chơi có thể gây ra tai nạn cho trẻ. Đồng thời, cha mẹ cũng nên tập cho con trẻ thói quen dọn dẹp đồ chơi ngăn nắp, nên có kệ cho trẻ để đồ chơi, tránh vứt lung tung, không ngậm đồ chơi, không nhét đồ chơi vào các lỗ tự nhiên trên cơ thể, tránh tháo lắp các chi tiết trên đồ chơi.
Cần trang bị kiến thức phòng chống tai nạn cho học sinh Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ nhỏ là đối tượng hiếu động có thể gặp rất nhiều loại tai nạn thương tích mà người lớn khó có thể lường trước được. Nhiều tai nạn nếu không biết cách sơ cứu từ đầu sẽ khiến cho quá trình điều trị về sau rất khó khăn, trẻ khó hồi phục. Để phòng tránh tai nạn cho trẻ, nhất là trong thời gian các em nghỉ học ở nhà, bác sĩ Phương cho rằng, hệ thống cộng đồng phải giỏi về sơ cấp cứu, mang tính chất phổ cập những kiến thức sơ cấp cứu cơ bản. Trong đó, trước hết là từ phía trường học, ngành giáo dục cần trang bị những kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh. Và ở từng lứa tuổi cần được trang bị kiến thức khác nhau. Ít nhất là tới lớp 9, học sinh phải hiểu cơ bản về những loại tai nạn mà các em thường phải đối mặt và biết cách đề phòng. Tới lớp 12, học sinh cần biết tự xử trí những sơ cấp cứu cơ bản tại hiện trường. Vai trò của cộng đồng vô cùng quan trọng với việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. Đặc biệt là sơ cấp cứu trước khi đưa nạn nhân tới cơ sở y tế. Sơ cấp cứu không đúng phương pháp, bỏ qua giờ vàng thì cho dù có trang thiết bị hiện đại, bác sĩ giỏi như thế nào cũng đành bó tay khi hụt mất giờ vàng. Do đó, điều quan trọng là tận dụng thời gian vàng khi sơ cấp cứu tại chỗ và đúng cách. Cộng đồng giỏi sơ cấp cứu thì mới góp phần giảm thiểu tác hại của tai nạn thương tích ở trẻ. m Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP – chia sẻ: Phần lớn các tai nạn thương tích ở trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi đều xuất phát từ sự bất cẩn, chủ quan của các bậc phụ huynh. Do đó, đối với các gia đình có trẻ nhỏ cần tối giản không gian sống, tránh sử dụng các đồ đạc có dạng nhọn mức sát thương cao; các đồ đạc màu sắc sặc sỡ, cồng kềnh; các vật dụng điện, đun nấu, chế tạo… cần đặt ở vị trí xa tầm tay và an toàn đối với trẻ; thiết kế lan can cần đảm bảo kích thước an toàn cho trẻ, tránh các trường hợp té ngã. Ngoài ra, trẻ cũng thường uống nhầm thuốc của người lớn. Do vậy các thuốc và sản phẩm liên quan đến sức khỏe, phụ huynh nên trang bị tủ có khóa cẩn thận, tránh trường hợp trẻ tò mò dẫn đến uống nhầm… Hoài Thương (ghi)
Bệnh nhi 3 tuổi đang được điều trị tại BV Nhi đồng TP do uống nhầm axít sunfuric. Ảnh: H.Thương |
Ngoài ra phụ huynh cũng nên lưu ý, khi mua đồ chơi cho con nên đọc kỹ hướng dẫn xem món đồ chơi đó có phù hợp với lứa tuổi của con mình. Đặc biệt không nên nuông chiều con, con đòi mua món đồ chơi nào cũng mua mà bỏ qua nguy cơ gây tai nạn cho trẻ…
Không chỉ đồ chơi – “người bạn thân thiết” của trẻ gây tai nạn cho các em mà những con thú cưng nuôi trong nhà đôi khi cũng là “sát thủ” đối với con cưng. Vậy nên, nếu gia đình có trẻ nhỏ thì không nên nuôi chó, mèo… Phần lớn những vụ tai nạn do chó cắn, mèo cào thường xảy ra do sự chủ quan của gia chủ với quan niệm: Chó, mèo nhà nuôi, gần gũi như vậy thì nó sẽ không cắn.
Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bị chó nhà cắn. Nhẹ là những vết thương ngoài da, nặng là vết thương lớn, thậm chí là những vết thương sâu nhìn thấy cả xương bên trong, cũng có trường hợp nạn nhân bị cắn nát cả mặt.
Cụ thể ngày 16-5-2020, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận nạn nhân bị chó nhà nuôi cắn vào mặt – Vết thương dài khoảng 15cm, sâu khoảng 1cm. Đó là bé Đ.Q.V (sinh năm 2018, ở Bình Dương). Tại bệnh viện, sau khi sơ cứu vết thương, nạn nhân được chuyển đến Khoa Răng Hàm Mặt để các bác sĩ khâu thẩm mỹ vết thương. Dù vậy, vết thương có thể sẽ để lại sẹo trên mặt làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt của bé.
Bảo Châu – Ánh Vân
Bình luận (0)