Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đừng để cuộc thi hoa hậu trở nên kém duyên!

Tạp Chí Giáo Dục

Hoa hậu là cuộc thi tìm kiếm những người đẹp về hình thể lẫn tâm hồn, hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ. Vì thế, các cuộc thi hoa hậu phải là nơi hội tụ của cái đẹp, của cách hành xử văn minh, tôn trọng lẫn nhau chứ không phải chốn thị phi, vô số lùm xùm một cách kém duyên như những gì đã xảy ra sau cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022.

Ngay sau khi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 kết thúc với chiến thắng thuộc về người đẹp Isabella Menin đến từ Brazil, hàng loạt lùm xùm đã diễn ra. Đầu tiên, ông Nawat Itsaragrisil – Chủ tịch của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế (Miss Grand International) – cho rằng lượng follow (người theo dõi) trên trang mạng xã hội của cuộc thi giảm mạnh sau đêm chung kết là do người hâm mộ Việt. Theo ông, nguyên nhân vì người đẹp Đoàn Thiên Ân đến từ Việt Nam chỉ vào được tốp 20 của cuộc thi và người hâm mộ bất bình cho rằng kết quả không công bằng nên đồng loạt hủy theo dõi.

Doanh nhân người Thái Lan này đã viết trên trang cá nhân: "Tất cả những người bỏ theo dõi đều đến từ Việt Nam. Cảm ơn vì đã bỏ theo dõi! Chúng tôi luôn tôn trọng và công bằng với tất cả mọi người và mỗi quốc gia". Tuy nhiên, không dừng lại ở đây, ông Nawat Itsaragrisil sau đó liên tục thể hiện sự cay cú của mình khi giải đáp thắc mắc Đoàn Thiên Ân dừng chân ở tốp 20 là do "phần thân trên dài hơn thân dưới, hông to", không đáp ứng được tiêu chí hình thể. Những chia sẻ này ngay lập tức khiến ông Nawat Itsaragrisil nhận hàng loạt chỉ trích là miệt thị ngoại hình, một điều không nên có ở chủ tịch một cuộc thi nhan sắc.

Đừng để cuộc thi hoa hậu trở nên kém duyên! - Ảnh 1.

Danh hiệu của tân Hoa hậu Hòa bình Quốc tế lu mờ sau những lùm xùm khiến cuộc thi nhan sắc quốc tế này trở nên kém duyên. Ảnh: MISS GRAND INTERNATIONAL

Dù sau đó, ông Nawat Itsaragrisil biện luận rằng bản thân không có ý miệt thị ngoại hình mà chỉ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêu chí hình thể trong cuộc thi. Tuy nhiên, dù biện luận thế nào, cách ứng xử không đẹp của ông Nawat Itsaragrisil cũng khiến người hâm mộ các nước giảm thiện cảm đối với cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế.

Chưa dừng lại, sau những bê bối về cách hành xử, phát ngôn, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế tuyên bố Yuvna Rinishta – Hoa hậu Hòa bình Mauritius, Á hậu 5 của cuộc thi năm nay – đã từ bỏ danh hiệu và vương miện do không thể ký hợp đồng và hoàn thành nghĩa vụ với ban tổ chức.

Không chỉ thế, cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 còn bị thí sinh Lu Juan Mzyk đến từ Nam Phi tố cáo bào mòn sức khỏe và vi phạm quyền riêng tư trong quá trình dự thi. Cô cho biết đã nỗ lực cho cuộc thi đến ngã bệnh vì thiếu ngủ, thiếu chất nhưng bị xâm phạm quyền riêng tư khi hình ảnh nhập viện bị đưa lên mạng.

Là một cuộc thi nhan sắc với tiêu chí mang lại hòa bình, chống chiến tranh và bạo lực, lẽ ra, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế phải gắn liền với những thông tin về lối hành xử đẹp, về những hoạt động cộng đồng… chứ không phải là các lùm xùm đầy thị phi như vừa qua.

Thiết nghĩ, việc tìm kiếm và tôn vinh cái đẹp cần được tiến hành bởi một ban tổ chức có cách hành xử cũng văn hóa, tôn trọng vẻ đẹp được thể hiện rõ từ trên sân khấu cuộc thi cho đến cách ứng xử bên ngoài.

Nếu trái ngược lại cách hành xử này, dù cuộc thi có khoác lên mình vẻ lộng lẫy bề ngoài thì cũng khó lòng tạo dựng niềm tin, thu hút công chúng và tiến xa trong vô vàn cuộc tranh tài nhan sắc quốc tế hiện nay.

Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)