Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đừng để đạo diễn trẻ đơn độc trong cuộc chơi phim ngắn

Tạp Chí Giáo Dục

So với trước đây, cánh cửa đến với các liên hoan phim hàng đầu thế giới dành cho những đạo diễn trẻ làm phim ngắn đã rộng mở hơn. Nhưng hành trình ấy nhìn chung vẫn còn đơn độc, nhỏ lẻ.

Mày mò tìm cách đưa phim ra nước ngoài

Sân chơi phim ngắn những tháng cuối năm nhộn nhịp với sự kiện Liên hoan phim (LHP) ngắn TPHCM lần I và bế mạc cuộc thi Dự án phim ngắn CJ mùa 4. Vài năm nay, các bạn trẻ đam mê làm phim đã có nhiều cơ hội để khoe tài. Từ những đấu trường lớn, quy mô quốc tế như Dự án phim ngắn CJ, Làm phim 48 giờ, Phim ngắn TikTok đến những cuộc thi, LHP do các hội nghề nghiệp, trường đại học tổ chức như Búp sen vàng (Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh của Hội Điện ảnh Việt Nam), LHP Ong vàng (Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội), cuộc thi Sfilm (Trường đại học  Hoa Sen),  LHP phim ngắn FY Film  (Trường đại học  Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM).

Các đạo diễn thắng giải cuộc thi Dự án phim ngắn CJ luôn được ban tổ chức hỗ trợ đưa phim dự thi liên hoan phim quốc tế

Các đạo diễn thắng giải cuộc thi Dự án phim ngắn CJ luôn được ban tổ chức hỗ trợ đưa phim dự thi liên hoan phim quốc tế

Tuy nhiên, điều các nhà làm phim trẻ quan tâm nhất là quá trình “hậu” đoạt giải. Hiện không có nhiều ban tổ chức các cuộc thi hỗ trợ đưa phim chiến thắng đến các LHP trên thế giới. Làm được việc này hiệu quả nhất hiện chỉ có Dự án phim ngắn CJ. Các mùa qua, cuộc thi đã đưa phim của đạo diễn trẻ đến 3 LHP danh giá nhất là Cannes, Berlin và Venice. Cuộc thi Phim ngắn TikTok kết hợp với LHP Cannes tổ chức nên phim thắng giải được đại diện Việt Nam dự thi hạng mục này ở LHP Cannes. Tuy nhiên do cuộc thi chỉ mới được tổ chức ở Việt Nam nên hiệu quả chưa rõ. 

Không có cơ hội đưa phim đến các LHP hàng đầu thế giới, các đạo diễn trẻ phải tìm đường đến các LHP nhỏ. Đạo diễn Lê Lâm Viên (top 5 Dự án phim ngắn CJ 2019) cho biết: “LHP lớn chi phí gửi phim cao, còn các LHP nhỏ miễn phí. Nếu tốn tiền dự thi thì nhiều lắm chỉ tầm 60 euro nhưng sẽ được đài thọ tiền đi lại nếu phim được chọn. Vòng đời dự LHP của 1 phim có thể kéo dài 2 năm. Việc tham dự nhiều LHP nhỏ cũng có ích vì ở mỗi LHP sẽ sinh ra những cơ hội mới. LHP giống như 1 sân chơi, nếu mình là khách quen sẽ được mời lại, quan trọng là đạo diễn có giữ được thói quen làm phim không”. 

Dự LHP còn là cách để đạo diễn trẻ xin được tiền làm phim. Tại buổi trò chuyện Kinh nghiệm thực chiến tại LHP do Xine House tổ chức cuối tuần qua, đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết: “12 năm trước, tôi đi xin 10 triệu đồng để làm phim 16g30. Lúc xin tiền phải hứa trả quyền lợi cho nhà tài trợ bằng việc phim sẽ đi dự các LHP nào nên LHP nào tôi biết tôi cũng gửi phim đi. Phim ngắn phải được gửi đi LHP càng nhiều càng tốt”.

Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Do hành trình đưa phim đi chinh chiến ở các LHP vẫn chủ yếu là tự phát nên khả năng lọt vào vòng tranh giải là rất ít. Vì có quá nhiều hồ sơ nộp qua website, giám tuyển không thể xem hết để chọn phim tốt chuyển cho ban giám khảo chấm. Tìm hiểu về người giám tuyển và làm quen với họ để giới thiệu phim của mình là lối đi tắt mà một số đạo diễn trẻ áp dụng.

Đạp diễn lê lâm viên giới thiệu phim ngắn Gì cũng sửa tại lhp quốc tế Singapore lần thứ 33.

Đạp diễn Lê Lâm Viên giới thiệu phim ngắn Gì cũng sửa tại LHP quốc tế Singapore lần thứ 33.

Đạo diễn Anh La (phim đầu tay Côi tranh giải Voice Short tại LHP Rotterdam 2020) cho biết: “Để lọt vào mắt giám tuyển phim, phải có tiềm năng chứ không thể nhờ may mắn. Giám tuyển có mối quan hệ với ban giám khảo ở các LHP thì phim dễ được ban giám khảo xem giữa hàng ngàn phim gửi về”. Nói về cơ hội tiếp cận giám tuyển, đạo diễn Lê Lâm Viên lạc quan cho hay: “Việt Nam đang là nơi được nhiều giám tuyển phim để ý. Như chương trình Gặp gỡ mùa thu có nhiều giám tuyển của các LHP của Cannes, Venice đến. Các tùy viên văn hóa đóng ở Việt Nam cũng là những nhà giám tuyển. Họ sẵn sàng ngồi nói chuyện với nhà làm phim trẻ, cho mã để gửi phim và giới thiệu phim đến các LHP khác”.

Sự đơn độc của các đạo diễn trẻ khi chinh chiến ở LHP nước ngoài chủ yếu do không có sự hỗ trợ từ phía cộng đồng làm phim độc lập. Đạo diễn Lê Lâm Viên kể: “Phim của Indonesia, Philippines, Malaysia và thỉnh thoảng là Campuchia luôn luôn có mặt ở các LHP lớn nhỏ trên thế giới, trong khu vực. Đạo diễn trẻ của các nước đó đưa phim đi đều nhờ sự giúp sức từ cộng đồng làm phim nước họ. Chỉ cần 1 người có phim là nhiều người khác sẽ chung tay phụ giới thiệu hoặc cung cấp thông tin về các LHP”. Người đi trước hướng dẫn người đi sau là cách các nhà làm phim độc lập nước bạn giúp nhau để cùng đi xa. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có cộng đồng các nhà làm phim độc lập giúp nhau như vậy. Không có sự kết nối thông tin trong hệ thống cộng đồng, những đạo diễn mới muốn tìm hiểu về LHP, gửi phim dự thi chỉ còn cách tự bơi. Theo đạo diễn Anh La: “Ít có ai hiểu rõ cách thức gửi hồ sơ chuẩn. Nếu hồ sơ không đúng hoặc nếu phim không tốt thì coi như công cốc”. 

Gần đây, các buổi trò chuyện về nghề, bàn luận về điện ảnh do những hội nhóm tổ chức ngày càng nhiều, thu hút không ít đạo diễn trẻ và người yêu phim tham gia. Đây cũng là những hoạt động tiền đề để tăng tính kết nối giữa các nhà làm phim với nhau, hình thành nên cộng đồng làm phim vững mạnh. Cần phải đi cùng nhau, con đường “chinh chiến” của phim ngắn Việt ở LHP nước ngoài mới mong bớt gập ghềnh. 

Theo Hương Nhu/PNO

 

Bình luận (0)