Hợp tác đào tạo nghề giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) phải có chiều rộng và chiều sâu, trong đó DN phải được tham gia xây dựng chương trình, đào tạo kỹ năng, đánh giá chất lượng đầu ra và tuyển dụng.
Học viên trường nghề trong giờ thực hành |
Đó là ý kiến của đại diện nhiều trường nghề khi bàn về việc đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp, đồng thời nâng cao năng suất lao động.
Cơ chế pháp lý cho doanh nghiệp
Ông Võ Tân Thành (Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp TP.HCM – VCCI TP.HCM) khẳng định, để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của DN trước hết phải chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao và nguồn lao động có kỹ năng. Thực tế, nhiều DN thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề trên nên đòi hỏi ở người lao động kỹ năng này, tiêu chuẩn kia nhưng chưa thật sự chủ động hợp tác đào tạo.
Trước thực trạng này, VCCI TP.HCM đã thí điểm chương trình nâng cao đào tạo nghề với cơ chế hợp tác giữa nhà trường và DN, cụ thể từ năm 2010 đã thành lập Ban tư vấn chất lượng cho ngành cơ khí ô tô tại Đồng Nai. Việc hợp tác này được sự ủng hộ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) và Chính phủ Na Uy, bước đầu cho nhiều kết quả thuận lợi. Từ thành công đó, các ngành du lịch – nhà hàng – khách sạn, nuôi trồng thủy sản, logistics… cũng đã được hợp tác đào tạo giữa nhà trường và DN, được các hội DN và đối tác hưởng ứng, nhân rộng mô hình tùy theo quy mô, nhu cầu của DN.
TS. Juergen Hartwig (Giám đốc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam) đánh giá cao mô hình đào tạo kép của Đức. Không chỉ thành công ở Đức mà mô hình này còn thành công ở các nước Áo, Thụy Sĩ… Qua khảo sát, những nước có áp dụng mô hình đào tạo kép của Đức đều có tỷ lệ lao động thất nghiệp thấp nhất. TS. Juergen Hartwig cho rằng với điều kiện thuận lợi, đặc biệt là môi trường pháp lý như hiện nay, DN Việt Nam dễ dàng tham gia đào tạo nghề, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên việc phối hợp giữa nhà trường và DN phải có tính hệ thống, lâu dài. Theo đó, DN tham gia xây dựng chương trình kỹ năng nghề quốc gia, chương trình đào tạo kỹ năng thực hành, đánh giá đầu ra sau đào tạo. Thợ giỏi của DN cần được đào tạo kỹ năng sư phạm trong khoảng 100 giờ để giảng dạy thực hành tại DN.
Tuy nhiên, TS. Lê Đình Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Long An) lo lắng với cơ chế hiện nay thì khó thu hút thợ giỏi cùng tham gia đào tạo. Để có được đội ngũ tham gia đào tạo thực hành tại DN cần sớm xây dựng cơ chế rõ ràng, kèm các quy định về tiêu chuẩn để khuyến khích thợ giỏi tham gia. Bên cạnh đó cần có khung pháp lý để đảm bảo quyền lợi của các bên, trong đó có người học.
DN cần gì thì đào tạo cái đó
Ông Bùi Văn Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) đánh giá cao cách tiếp cận cũng như quan hệ phối hợp đào tạo giữa nhà trường và DN bởi hoạt động này tưởng dễ mà khó. Tuy nhiên, quan hệ này phải được xây dựng ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trong khuôn khổ ràng buộc DN tham gia từ xây dựng chương trình, giảng dạy, đánh giá và tuyển dụng.
Người lao động phỏng vấn tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức |
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) trăn trở: “Khó khăn lớn nhất của giáo dục nghề nghiệp ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung là hình ảnh của hệ đào tạo này chưa được quảng bá để người dân hiểu hết tầm quan trọng cũng như giá trị của việc học nghề. Mô hình hợp tác giữa nhà trường với DN trong đào tạo đã được một số trường triển khai có hiệu quả, song chưa được phủ khắp bởi năng lực hạn chế, phần nữa do DN chưa thấy được cái lợi cho mình. Kết quả hợp tác của DN quyết định đến kết quả tuyển sinh của các trường, do vậy không thể xem nhẹ”.
Ông Lâm cũng thừa nhận nhu cầu lao động tăng mạnh theo sự phát triển của DN, song tỷ lệ lao động có tay nghề hiện còn thấp. Người học ra trường không đáp ứng yêu cầu của DN, muốn có nguồn lao động thì DN phải mất kinh phí đào tạo lại. “Học nghề ra trường là phải làm được việc, đó là mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp. Đã học nghề ra mà DN còn phải đào tạo lại thì quá lãng phí. Các trường phải chủ động phối hợp với DN xem họ cần gì ở người lao động, từ đó hợp tác đào tạo cái DN cần”, ông Lâm yêu cầu.
T.Anh
Bình luận (0)