Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đừng để đồng phục “hành” phụ huynh

Tạp Chí Giáo Dục

Đồng phục học sinh tại một trường tiểu học ở Hà Nội

Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư về đồng phục, lễ phục của học sinh, sinh viên trong các trường. Về quy định mới này, nhiều ý kiến lo ngại rằng đồng phục sẽ trở thành gánh nặng của phụ huynh và liệu học sinh, sinh viên có thực sự thích thú…
Đừng để trở thành gánh nặng
Với quy định mới, đồng phục sẽ gồm: quần đồng màu, áo đồng màu (áo sơ mi, áo khoác hoặc áo dài), phù hiệu, giày hoặc dép. Còn lễ phục là trang phục được sử dụng cho học sinh, sinh viên của một trường (hoặc một ngành) mặc trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp, bao gồm: áo, mũ và biểu trưng (logo) của trường (nếu có). Nhiều người cho rằng Bộ đang “quá chi tiết” vào vấn đề đồng phục của các trường. Hiện nay, có nhiều trường, vì muốn thể hiện “bản sắc” riêng của mình nên đã đưa ra những quy định chi tiết về đồng phục khiến phụ huynh toát mồ hôi hột. Việc này biến phụ huynh thành các nhà thiết kế bất đắc dĩ. Ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng đồng phục không nên là gánh nặng của phụ huynh. Không những thế, các yếu tố liên quan đến điều kiện kinh tế, vùng miền cũng cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. Đối với những vùng “áo còn chưa đủ ấm” thì không thể tính đến chuyện đồng phục. Điều này là phi lý và không có cơ sở thực tế.
Làm thế nào để học sinh thích?
Ở Hà Nội, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam thường rất tự hào khi mặc đồng phục của trường. Nhưng các em tự hào không phải vì đồng phục đẹp mà vì trên đồng phục có logo của trường. Điều đó thể hiện rằng các em tự hào vì thương hiệu của trường chứ không phải vì thẩm mỹ. Trong khi đó, đa phần học sinh Việt Nam từ tiểu học đến THPT đều không hứng thú với những bộ đồng phục bởi chất liệu và kiểu dáng chưa phù hợp. Đây không phải là lỗi của học sinh. Dường như ở Việt Nam vấn đề này vẫn chưa thực sự được quan tâm. Áo dài đôi khi quá rườm rà, đặc biệt bất tiện với nữ sinh, các loại đồng phục đã biến đổi thì chưa thực sự mang tính thẩm mỹ và chưa tạo được sự thoải mái cho tuổi học trò. Khi thời trang quay trở lại mốt quần ống bó thì đồng phục vẫn giữ nguyên kiểu ống vẩy lòe xòe. Lúc các bạn thích mốt váy kẻ, áo sơ mi thắt nơ thì đồng phục vẫn đóng bộ theo kiểu “khốt ta bít”. Ngoài vấn đề kiểu dáng thì chất liệu cũng quan trọng không kém. Trang phục cho các teen, nhất là bậc tiểu học cần có chất liệu thoáng mát, có độ thấm hút tốt, vì đây là lứa tuổi luôn có sự vận động mạnh mẽ. Trang phục cũng cần hợp với mùa và đặc biệt là vùng miền, vì khí hậu Việt Nam khá phức tạp, miền Bắc nóng ẩm vào mùa hè, giá rét vào mùa đông, miền Nam quanh năm nóng ẩm, miền Trung lại cực kỳ khô nóng vào mùa hè.
Đối với sinh viên, thì đồng phục không được chào đón nhiệt tình. Bùi Bích Phương, sinh viên ĐH Ngoại thương cho rằng thực tế, các khoa, hoặc các đội tuyển của trường mỗi khi đi thi đấu đều có đồng phục cho cuộc thi ấy. Phương muốn học ĐH thì được thoải mái lựa chọn trang phục đẹp hơn, thời trang hơn cho mình một chút, chứ không phải bó buộc trong những bộ đồng phục như thời phổ thông nữa. Kèm theo đó, các sinh viên cũng lo sẽ có thêm khoản thu nữa vì các trường ĐH đã có văn bản hợp pháp để yêu cầu sinh viên mặc đồng phục. Trả lời vấn đề này, ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD-ĐT cho biết với đồng phục phổ thông, Bộ không quy định chiều dài hay ngắn của váy mà chỉ yêu cầu nếu chọn đồng phục bằng váy thì không được mặc váy cao quá đầu gối. Còn chiều dài của váy như thế nào tùy trường quy định.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)