Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Đừng để du khách thấy tội nghiệp Việt Nam!

Tạp Chí Giáo Dục

Sau bài Bắt mạch du khách: Đơn giản nhưng không dễ (Pháp Luật TP.HCM ngày 6-12), chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về kinh nghiệm phát triển những sản phẩm văn hóa cho du khách, họa sĩ Sĩ Hoàng đã bày tỏ những trăn trở.
Người nước nào đi du lịch đến nước khác cũng với mục đích khám phá văn hóa – đời sống – cảnh quan nước đó. Cảnh quan thiên nhiên đã sẵn có nhưng văn hóa – đời sống lại nằm trong lịch sử, ẩm thực, phong tục tập quán vùng miền, các hình thức nghệ thuật, vui chơi giải trí. Nhiệm vụ của chúng ta là phải đưa được bản sắc văn hóa đời sống riêng của mình đến du khách, phải làm cho họ được thư giãn, thoải mái suốt chuyến đi. Nhu cầu giải trí cho du khách rất quan trọng nhưng không phải là giải trí đơn thuần mà phải đi kèm các giá trị văn hóa.
Tôi thấy về mặt lịch sử, ngành du lịch nước ta thường chỉ khai thác hai cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ gần đây. Mỗi ngày có đến vài ngàn du khách đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Việt Nam ở TP.HCM xong… chẳng biết đi đâu nữa. Mà đến đó rồi du khách nào về cũng bần thần, nhìn thấy mỗi hình ảnh Việt Nam buồn bã qua cuộc chiến. Nhưng Việt Nam đâu chỉ là như thế. Việt Nam có đến mấy ngàn năm lịch sử với vô vàn cái hay, cái đẹp khác về lịch sử, văn hóa. Tiếc rằng những điều đó vẫn chưa được khai thác.
Theo tôi, làm du lịch văn hóa không phải là việc khó. Tôi mở phòng trà Điểm Một Thời trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM được đến năm năm. Du khách đến đó được bước vào một không gian kiến trúc cổ Việt Nam, nghe những làn điệu âm nhạc cổ truyền, thưởng thức trà và bánh kẹo đặc sản Việt, xem trình diễn áo dài xưa và nay cùng trang phục truyền thống của các dân tộc anh em ở Việt Nam. Chỉ vậy thôi mà du khách đến khá đông. Điểm Một Thời từng đón rất nhiều đoàn khách của Bộ Ngoại giao Việt Nam từ khách hoàng gia cho đến những lãnh đạo hàng đầu của các nước châu Âu.
Vậy mà đáng buồn là tôi không nhận được bất kỳ sự tiếp sức nào từ các cơ quan nhà nước. Điểm diễn văn hóa Việt của tôi sống được suốt năm năm là nhờ Đài NHK của Nhật Bản. Năm nào đài này cũng qua ghi hình chương trình ở Điểm Một Thời về phát trên kênh quảng bá du lịch của họ. Nhờ vậy khách quốc tế tìm đến đây khá đông. Nhưng rồi giá thuê mặt bằng ngày càng tăng cao, tôi chịu đựng không nổi đành đóng cửa Điểm Một Thời

 

Một buổi xòe Thái ở bản Lát (Mai Châu, Hòa Bình) với những đội múa tư nhân chuyên nghiệp phục vụ du khách. Ảnh: HÒA BÌNH

Trong khi đó, du khách quốc tế đến TP.HCM thường gặp khó khăn trong việc tìm một nơi để thưởng thức văn hóa Việt. Một số ít chương trình biểu diễn nghệ thuật cho khách quốc tế mà tôi biết lại làm không đúng cách và chưa tới. Đưa khách nước ngoài đến những chương trình nghệ thuật truyền thống nghèo nàn, chắp vá, tùy tiện như thế thì đừng làm có khi tốt hơn. Xem những chương trình đó, du khách có thể chỉ thấy văn hóa nước mình nghèo nàn, không có bề dày, rồi thấy tội nghiệp văn hóa Việt Nam, tội nghiệp đất nước Việt Nam với suy nghĩ: “Nước nghèo thì chỉ có thế là bình thường!”. Muốn đưa văn hóa Việt đến du khách quốc tế phải nghiên cứu, tìm tòi, đầu tư nghiêm túc. Nếu ngay chính bản thân mình đã không tôn trọng mình trong cách thể hiện văn hóa nước mình thì làm sao có thể đòi hỏi khách ở xa cảm nhận, đánh giá đúng về mình.
Để thu hút du khách quốc tế, ngoài việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc; văn hóa còn phải được đầu tư thích đáng bởi du khách nước ngoài khi đến một thành phố lạ thường đánh giá sự văn minh, hiện đại, phát triển của nó không chỉ qua biểu hiện của nền kinh tế mà còn qua văn hóa – đời sống; thể hiện ở việc thành phố đó có bao nhiêu cái bảo tàng, thư viện, nhà hát, điểm sinh hoạt văn hóa…
 

Một vòng thực tế cùng khách quốc tế

Đến bản Lát ở Mai Châu, Hòa Bình, chỉ cần bỏ ra khoảng 1 triệu đồng, du khách có thể yêu cầu dân địa phương tổ chức một đêm xòe Thái. Hiện nơi đây có hơn bốn đội xòe Thái cùng hoạt động, cạnh tranh nhau. Tại buổi hội xòe, các chàng trai, cô gái dân tộc Thái chơi nhạc cụ dân tộc và múa hát, uống rượu cần cùng du khách trên một nhà sàn. Rất nhiều du khách quốc tế và cả nội địa từ phương xa đã rất thích thú, xem đây là một hạng mục không thể thiếu khi đến Mai Châu.
Trong đêm diễn Sen của nghệ sĩ Linh Nga và Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bông Sen vào tháng 10-2011 tại Nhà hát TP.HCM, có khá nhiều khách nước ngoài. Số khách này say mê theo dõi suốt chương trình. Nhiều người đã giận dữ yêu cầu các phóng viên chụp ảnh đứng ngồi lố nhố phía trước sân khấu trật tự cho họ xem rõ. Họ cũng chụp ảnh hăng không kém cánh phóng viên. Theo một số khách ngoại quốc, chương trình này hấp dẫn vì nó hoành tráng, cảnh trí phục trang đẹp, âm nhạc hay các điệu múa đều đậm màu sắc Việt Nam. Nếu có những chương trình như thế, họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé vào xem.
Cuối năm 2010, Công ty Giải trí Xin Chào do hai người Mỹ đầu tư đã cho ra mắt vở xiếc Xin Chào có nội dung về sử Việt, đưa cả võ cổ truyền vào cho thêm phần hấp dẫn và đậm chất Việt Nam. Vở ra đời dựa vào kết quả nghiên cứu thị trường của các nhà đầu tư có thâm niên sống và làm việc tại Việt Nam, về nhu cầu giải trí của khách nước ngoài. Do các khoản chi khác quá cao nên vở diễn chỉ sử dụng được diễn viên hạng thường, có trình độ chuyên môn không cao. Sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam của vị đạo diễn – tác giả người Mỹ cũng chưa thấu đáo nên vở còn đôi chỗ trúc trắc. Thêm vào đó, chi phí đầu tư cao làm giá vé của vở khá cao (800.000 đồng/vé) khiến lượng khán giả bị hạn chế… “Với hướng đi đúng, nếu được chăm chút hơn nữa về chuyên môn và củng cố thêm về yếu tố văn hóa lịch sử, chắc chắn vở diễn sẽ hút được khách ngoại…”, giới làm du lịch đã chung nhận định như trên về Xin Chào.
____________________________________________
Theo đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan ở TP.HCM, ở Thái có hai chương trình biểu diễn nghệ thuật chính mà hầu hết các đoàn khách nước ngoài đều đưa vào tour là Siam Niramit ở Bangkok và Fantasea ở Phuket. Trước khi triển khai các chương trình mới, đơn vị tổ chức luôn phải làm việc với Tổng cục Du lịch Thái để tránh trùng lặp nội dung và được hỗ trợ quảng bá đến các công ty lữ hành quốc tế. Các buổi biểu diễn chương trình mới sẵn sàng miễn phí cho du khách thời gian đầu để tạo tiếng vang.
Còn theo ông Hyungtaek Hugh Lim, công tác ở Phòng Văn hóa – Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam, ở Hàn Quốc có 10 chương trình nghệ thuật đặc trưng dành riêng cho du khách được tổ chức theo lịch định kỳ vào ban đêm lẫn ban ngày.
Theo HÒA BÌNH
(phapluattp)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)