Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đừng để gas gây họa!

Tạp Chí Giáo Dục

Theo khuyến cáo của Cảnh sát PCCC TP.HCM, tình trạng thiếu kiến thức trong quá trình sử dụng gas, thiếu ý thức trong công tác PCCC, do hám lợi nhuận khi sang chiết gas trái phép là những nguyên nhân gây nên các vụ cháy nổ gas gây thiệt hại về người và tài sản ở nhiều nơi trong thời gian vừa qua. Vụ cháy nổ một căn nhà chứa hàng chục bình gas trên địa bàn quận 12 trong chiều ngày 17-11 vừa qua là một lời cảnh báo.

Hiện trường vụ cháy gas tại căn nhà số 07, đường DN4-1, phường Tân Hưng Thuận, quận 12. Ảnh: T.L

Nghi ngờ căn nhà cháy là điểm sang chiết gas

Theo lời kể của một nhân chứng sống gần nơi xảy ra vụ cháy nổ gas vào chiều 17-11, rất nhiều người sống xung quanh khu vực này đã giật bắn người khi nghe thấy những tiếng nổ đinh tai nhức óc phát ra từ căn nhà cấp bốn trên đường DN4-1, rộng khoảng 60 mét vuông, thuộc phường Tân Hưng Thuận, quận 12. Ngay sau đó, toàn bộ căn nhà bị lửa bùng lên, khói đen bao phủ đen kịt, cao hàng chục mét. Dù đứng cách xa hiện trường khoảng 100 mét nhưng vẫn ngửi thấy mùi gas nồng nặc. Thấy vậy, những hộ dân liên kế của căn nhà bị cháy hốt hoảng tháo chạy.

Phòng Cảnh sát PCCC Quận 12 xác nhận, đơn vị đã nhận được tin báo cháy vào lúc 17 giờ chiều cùng ngày. Căn nhà xảy ra cháy nổ gas tọa lạc tại địa chỉ 07, đường DN4-1, phường Tân Hưng Thuận, quận 12. Ngay lập tức, Phòng Cảnh sát PCCC đã chỉ đạo Đại úy Phạm Văn Tâm (Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Quận 12) cùng 55 cán bộ chiến sĩ, 9 xe chữa cháy các loại và xe chuyên dùng xuống hiện trường để trực tiếp ứng cứu. Sau nỗ lực chữa cháy, đến 17 giờ 35 phút đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Theo ghi nhận của Đại úy Tâm, tại hiện trường có 3 bình gas loại 45kg và 4 bình gas loại 12kg đã bị cháy nổ. Còn 53 vỏ bình gas đã bị cháy xém nhưng chưa thể xác định có khí gas trong bình hay không. Với số lượng bình gas bị Cảnh sát PCCC phát hiện, một người dân tên Hưng sống gần khu vực xảy ra vụ cháy nghi ngờ căn nhà trên là điểm sang chiết gas trái phép. Đại úy Phạm Văn Tâm nói rằng “Để xác định đây có phải cơ sở sang chiết gas hay không, lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ”.

Tương tự, vào ngày 27-9 trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng xảy ra một vụ cháy nổ ở trạm sang chiết gas thuộc xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Theo mô tả của một nhân chứng tên Cảnh, vụ cháy xảy ra vào lúc 20 giờ 30 phút gây ra những tiếng nổ như bom, ngọn lửa cao hàng chục mét tỏa ra sức nóng bỏng rát khiến người dân gần khu vực này bỏ chạy tán loạn. Đại tá Hồ Sỹ Tuấn (Giám đốc Sở PCCC Nghệ An) cho biết, để khắc phục vụ cháy, đơn vị đã phải huy động 100 chiến sĩ đến hiện trường. Một số lính cứu hỏa đã liều mình lao vào biển lửa để khóa van tại các téc lớn chứa gas. Sau hơn một giờ cứu chữa, đám cháy mới được khống chế. Tuy nhiên, vụ cháy gây thiệt hại nhiều bình gas và 2 ô tô tải nhỏ.

Cách phòng tránh hiểm họa khi sử dụng các sản phẩm từ gas

Theo khuyến cáo của Phòng 2 – Cảnh sát PCCC TP.HCM, các vụ cháy gas xảy ra có nhiệt độ ngọn lửa rất cao (khoảng 1.000 độ C) dễ gây bỏng cho người và gia súc. Đồng thời, ngọn lửa cháy lan gây khó khăn cho công tác chữa cháy. Khi khí gas thoát ra khỏi thiết bị chứa, tích tụ ở những chỗ trũng trên mặt đất và tạo thành hỗn hợp nguy hiểm dễ gây cháy nổ. Điển hình như vụ cháy lúc 19 giờ 57 ngày 15-4-2013 tại Đại lý gas Hiệp Phát (số 176/92A, đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp), làm 11 người bị bỏng. Nguyên nhân do Đại lý gas Hiệp Phát sang chiết gas trái phép. Tương tự tại quán hủ tiếu dê Phúc Ký (số 514 Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) cũng đã từng xảy ra hỏa hoạn có liên quan đến gas, cướp đi sinh mạng hai người.

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng gas, hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ khí gas, khi mua hay sử dụng các bình hoặc bếp gas, Cảnh sát PCCC TP lưu ý, các hộ dân cần tuân thủ một số biện pháp an toàn như mua bình gas và thiết bị tại các đại lý uy tín (có thương hiệu, địa chỉ rõ ràng); luôn đặt bình gas thẳng đứng không đặt nằm ngang, cách ngọn lửa, nguồn điện và ổ điện ít nhất 1 mét; tuyệt đối không để lửa gần khu vực đang thay bình gas; tắt nguồn gas bằng van điều chỉnh trước khi vắng nhà; thay dây dẫn 2 năm/1 lần, hoặc nên thay dây dẫn ngay khi phát hiện dây bị gãy, đứt, nứt.

Bên cạnh đó, kiểm tra xem đầu nối gas có bị rò rỉ không cũng là việc nên làm thường xuyên. Nếu thấy có bong bóng xuất hiện khi chà xà phòng hay bột giặt trên vòi gas nghĩa là gas đang bị rò rỉ. Trong trường hợp phát hiện gas rò rỉ (hoặc xì gas), người sử dụng nên lập tức đóng van đầu bình gas, mở các cửa sổ, cửa chớp… cho khí gas thoát ra ngoài; giữ nguyên tình trạng của các thiết bị điện (không đóng/mở các công tắc, không cắm rút các chuôi điện); không bật quẹt hoặc tạo ra va đập bằng kim loại gây tia lửa, đồng thời cần báo tin cho đại lý gas đến xử lý kịp thời.

Đinh Vũ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)