Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đừng để học sinh cá biệt “chai” tâm lý sợ

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục học sinh “cá biệt” cũng phải linh hoạt, cụ thể, đòi hỏi người thầy phải rất công phu. “Trừng phạt” liệu có hiệu quả? Phương pháp này có hiệu quả nhanh làm cho học sinh “cá biệt” phải tuân lệnh thường được các thầy cô trường giáo dưỡng dùng; tuy nhiên, phương pháp này không đem lại hiệu quả cao, vì tổng nỗi sợ trong con người không tăng lên từ 7 tuổi. Nếu ta khai thác hết nỗi sợ thì sau này người bị khai thác sẽ cạn kiệt “năng lượng sợ” mà thành chai tâm lý đến “hết sợ”. Đây là vấn đề có những nhà giáo dục khi dạy nhưng thiếu kinh nghiệm đã làm cạn kiệt “vốn sợ” ở học sinh. Phương pháp thứ hai là phương pháp “cấm đoán”, “đuổi học”. Phương pháp này thường được dùng nhưng cũng kém hiệu quả vì giáo dục chỉ chịu một phần trách nhiệm với trẻ em đi học, còn trẻ em không đi học là do xã hội, gia đình chịu trách nhiệm. Phương pháp thứ ba là phương pháp “tình cảm”, “cảm hóa”. Phương pháp này đòi hỏi người dạy học phải hiểu học sinh, từ đó tiếp cận tình cảm để chia sẻ với người học về tâm tư, tình cảm, trách nhiệm… Phương pháp này khó, vì mỗi người học có tâm lý, động cơ, mục đích khác nhau và người dạy thường đo người khác bằng kiến thức, đạo đức… của mình, trong khi người học lại hiểu hoàn toàn khác. Để hiểu học sinh, người dạy phải quan sát rất kỹ người học, từ đó thấy được tâm lý, tình cảm, động cơ… của người học để tiếp cận. Chúng ta hình dung như xuống xe mà xe còn chạy chậm thì mình phải chạy theo nó mấy bước mới dừng lại được, nếu dừng lại đột ngột sẽ bị ngã. Trái lại, khi chúng ta lên xe mà xe đang chạy thì phải lấy đà sao cho tương đương tốc độ xe chạy, lúc đó chúng ta mới bước lên thì an toàn, nếu đứng yên mà bước lên xe đang chạy sẽ bị ngã. Với học sinh “cá biệt” thì người thầy phải tiếp cận theo quán tính của các em chứ không thể theo chủ quan của người dạy. Nhờ phương pháp này tôi luôn cảm hóa được các em học sinh “cá biệt” trở lại lớp học và học thành công.

Có thể nói rằng cảm hóa học sinh “cá biệt” là phương pháp tối ưu trong trường lớp, đòi hỏi người dạy phải có một tình yêu thương rất lớn đối với các em. Chúng ta hiểu rằng một việc làm rất dễ đối với một học sinh bình thường như đi học đúng giờ, thì với học sinh “cá biệt” là điều khó khăn vô cùng vì những trở ngại tâm lý nội tâm. Nếu chúng ta không hiểu chỗ này mà chỉ phê phán việc đi học muộn với một số học sinh và so sánh với việc đi học đúng giờ với những em khác là sự khập khiễng về mặt nhân cách cá nhân. Không ai muốn bị phê bình vì tội đi học muộn, nhưng có một số học sinh do trở ngại tâm lý mà thành “tật” đi học muộn thì người dạy phải hiểu em đó, và em đó rất cần sự động viên thay cho sự phê bình một chiều. Những trạng thái tâm lý “cá biệt” khác cũng tương tự như vậy, vì thế nhà giáo hơn ai hết phải thương học sinh của mình, nhất là các em “cá biệt” thì phải có tình thương nhiều hơn mới giúp các em không “nổi loạn”.

Vũ Gia Hin

Bình luận (0)