Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng để học sinh sợ… thầy!

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh đến trường ngoài việc được nhà trường trang bị kiến thức để vào đời thì còn rèn luyện nhân cách đạo đức để làm con người chân chính đúng nghĩa của nó. Vì thế nhà trường được xã hội giao cho trách nhiệm hệ trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn. Tuy nhiên không phải vì sự khó khăn ấy mà có cách hành xử với học sinh chưa ngoan thiếu tính chuyên nghiệp tạo nên hình ảnh xấu xí của người thầy, nhà trường trước dư luận xã hội. (Những cách hành xử như cô giáo bắt học sinh nhai ớt hiểm mà cô mang theo để làm công cụ giáo dục học sinh chưa ngoan, tụt quần học sinh treo lên cây khi không mặc đồ đồng phục…).

Thẳng thắn mà nói, bản thân tôi cũng đã làm thầy, cũng nhiều lần gặp phải những học sinh chưa ngoan, bướng bỉnh…, tôi cũng muốn trừng phạt các em bằng cách nào đó cho hả giận để các em sửa đổi nhưng rồi với những tháng năm học tập dưới mái trường sư phạm về giáo học pháp đại cương, tôi đã cố trấn tĩnh để tìm ra cách giáo dục các em tốt hơn. Tôi không tự hào là mình có bản lĩnh sư phạm mà chỉ tuân thủ những tôn chỉ mục đích sư phạm của ngành giáo dục. Tôi còn nhớ một nhà giáo dục nào đó đã nói: Chúng ta không thể thay đổi được hướng gió nhưng ta có thể điều khiển được cánh buồm. Và cách điều khiển cánh buồm đó chính là năng lực sáng tạo của giáo viên trong những tình huống cụ thể nhất định.

Tóm lại, theo tôi, việc các thầy cô đã từng có cách trừng phạt học sinh như nêu ở trên là một vết nhơ trong ngành giáo dục, cần phải rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay nếu không hình ảnh của người thầy trở nên đáng sợ đối với học sinh. Vậy nên, quan điểm của tôi, nếu còn đứng trên bục giảng người thầy cần phải tâm niệm: Hãy để cho học sinh kính thầy, chứ đừng để học sinh sợ thầy.

Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng)

Bình luận (0)