Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng để khổ vì “bệnh khó nói”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

BS đang điều trị bệnh “khó nói” cho một bệnh nhân   
Hậu môn là “vùng cấm địa” mà khi bị tổn thương chủ nhân hay giấu kín do tâm lý e ngại. Chính vì thế, bệnh nhân càng tự chữa bệnh lại càng trầm trọng hơn.
Đau rát hậu môn là “bệnh khó nói”, nhiều người quá e ngại giấu kín bệnh làm mất đi nhiều cơ hội khám và chữa trị.
Âm thầm chịu đựng
Do bị táo bón nặng nên anh Lê Văn V., nhân viên ngành xây dựng ở quận 7, TP.HCM thường phải ngồi lâu ở nhà vệ sinh. Gần đây anh thấy mình thỉnh thoảng đi cầu có ra máu và ngứa râm ran ở vùng hậu môn. Mặc dù phát hiện ra những triệu chứng bất thường như vậy, nhưng do bận công việc và đặc biệt là tâm lý e ngại không dám khai bệnh với BS nên anh cứ để mặc “tới đâu hay đó”. Ban ngày làm việc anh không để ý, nhưng về đêm những cơn ngứa bắt đầu xuất hiện ở vùng hậu môn khiến anh “ngủ cũng không yên”. Thế nhưng, mỗi lần gãi anh cảm thấy độ ngứa càng tăng. Càng ngứa, anh lại càng gãi cho đến khi anh có cảm giác xung quanh vùng này bị loét bất thường vì có nhiều dịch nhầy chảy ra ướt cả mấy ngón tay đang gãi.
Đây cũng là trường hợp khó chịu của đứa con gái 10 tuổi của chị V. nhà ở đường Tam Phú, P.Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM. Chị V. kể: “Ngay từ lúc 7 tuổi, cháu thường kêu ngứa mỗi khi đi ngủ. Đến khi soi đèn tôi mới biết cháu bị ngứa là do giun kim tối ra ngoài hậu môn đẻ trứng. Càng ngứa, cháu càng gãi. Đến khi tôi bắt hết giun kim dưới mông cho cháu thì mới dứt được những cơn ngứa về đêm rất khó chịu này”.
Từ những triệu chứng của anh V., BS ở Trung tâm Y tế quận 7 khẳng định anh ra máu sau mỗi lần đi vệ sinh và có triệu chứng ngứa là do nứt kẽ hậu môn. Đây là một chứng bệnh về hậu môn thường gặp ở những người có bệnh lý về đường tiêu hóa như rặn nhiều do bị táo bón, viêm đại trực tràng, nhiễm xung quanh hậu môn do vệ sinh kém. Đối với trẻ con và một số người lớn, ngứa hậu môn là bị kích thích do giun kim thường trú ngụ xung quanh “cửa sau” để đẻ trứng hàng đêm, giống như con gái chị V. Có một quy luật là đại tiện khó sẽ gây rách hậu môn và rách hậu môn lại làm cho việc đại tiện càng thêm đau rát. Những lúc đó, nếu có cách chữa trị thì bệnh thuyên giảm dần, còn theo thói quen “ngứa đâu gãi đó” thì sẽ làm tổn thương hậu môn thêm.
Không nên gãi nhiều
BS. Lâm Văn Cường – Phòng khám Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, ngoài loét hậu môn, đi cầu ra máu, rách kẽ hậu môn còn có nguyên nhân từ bệnh trĩ. Muốn xác định chính xác thì phải nội soi để đánh giá bệnh xem là nứt hậu môn bình thường hay trĩ nội. Theo BS. Cường, nếu nứt hậu môn cấp tính không lành, sau điều trị nội khoa dễ xuất hiện khối viêm nề đầu dưới vết nứt do tổn thương thứ phát. Để điều trị dứt các tình trạng này, trước hết bệnh nhân phải được uống thuốc tăng cường thành mạch và đặt thuốc vào hậu môn nếu thấy cần thiết. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì đôi khi do nguyên nhân từ rối loạn tiêu hóa, vì thế nên bệnh nhân phải được điều trị rối loạn về tiêu hóa như táo bón hay cả tiêu chảy. Cũng có không ít trường hợp ngứa hậu môn do cá nhân vệ sinh kém như ít tắm rửa, dùng nước ao tù bị ô nhiễm, mặc quần áo quá chật hay bí hơi do nhiều chất nilon. Thời gian đầu ngứa ít nên chưa ảnh hưởng gì đến sức khỏe, vì thế đa số bệnh nhân không chú ý lắm. Thế nhưng, khi bị viêm nhiễm nặng, những cơn ngứa về đêm ảnh hưởng rất lớn về mặt tinh thần. Nếu như gặp các chứng bệnh khác, bệnh nhân thường tìm cách chia sẻ với mọi người để chờ một lời khuyên. Tuy nhiên, vì hậu môn là khu vực được xem là nhạy cảm và tế nhị khi trình bày nên đa số không dám thổ lộ, thường giấu kín, nhất là những thanh niên ở độ tuổi mới lớn. Đây là nguyên nhân làm cho bệnh ngứa hậu môn có thêm cơ hội hoành hành và trở thành kẻ “sát thủ giấu mặt” trong cơ thể con người. Nếu người nào liều lĩnh hay mạnh dạn cũng chỉ dám bày tỏ qua các chương trình tư vấn sức khỏe trên báo đài để tham khảo mà thôi. Chính vì càng ngứa lại càng gãi, mà càng gãi lại càng ngứa và rát thêm nên theo lời khuyên của BS. Cường là đừng nên làm tổn thương nhiều đến những vùng xung quanh hậu môn. Nhờ gắng chịu đựng và bỏ thói quen “ngứa đâu gãi đó” nên bệnh của anh V. đã có chiều hướng tốt hơn trước.
Bài, ảnh: Hương Thủy
BS. Lâm Văn Cường khuyên: “Mỗi người cần phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, tránh ăn uống các chất nguy hại tới hệ tiêu hóa như ớt, tiêu, bia, rượu và đồ ăn dễ bị dị ứng. Đặc biệt, không có gì phải e ngại, luôn cần sự tư vấn của BS. Vì thế, bệnh nhân nên đến bệnh viện để khám và chữa trị bệnh đau rát hậu môn kịp thời”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)