Hồi năm 2015, một giáo viên ở quận Tân Phú (TP.HCM) đánh đòn một nữ sinh lớp 6 vốn có tiền sử bệnh động kinh, sau đó em này tử vong ngay trên lớp.
Theo tác giả, người lớn đừng tùy tiện có hành vi, lời nói, dù đùa cợt với trẻ. Trong ảnh: Giáo viên hướng dẫn học sinh viết bài. Ảnh: N.Trinh
Nhiều ý kiến cho rằng, dù rất thông cảm với cô giáo nhưng thực tế không thể phủ nhận cô đã mắc một sai lầm trong giáo dục, đó là có hành vi mang tính bạo hành và hơn nữa là làm nhục trẻ. Bởi việc bắt một nữ sinh ở tuổi dậy thì nằm dài trên bàn để phạt rõ ràng không thể xem là một biện pháp giáo dục hợp lý. Nhưng trên thực tế, việc giáo viên có những hành vi mang tính bạo hành hay làm nhục dù đã giảm nhiều nhưng vẫn xảy ra đây đó, trong đó có những vụ việc gây bức xúc trong dư luận.
1. Đã gần 40 năm tôi vẫn nhớ một chuyện không vui hồi học tiểu học. Một lần, khi được cô giáo yêu cầu phải bao vở đi học nhưng tôi lại không có giấy bao nên có “sáng kiến” là rứt giấy từ một cuốn vở khác, dán ngoài bìa cuốn vở và “làm đẹp” bằng cách tự… vẽ vài bông hoa! Tôi thấy rất vui vì ý tưởng của mình, bởi hồi đó muốn kiếm giấy bao vở cũng chẳng dễ gì. May mắn thì được ai đó cho mấy cuốn “báo Liên Xô” in màu rất đẹp, thì không còn gì tuyệt hơn; kém hơn tí thì có giấy báo, dù giấy báo khi đó cũng không đẹp chút nào. Thế nhưng, sự hí hửng của tôi bị dội một gáo nước lạnh. Cô giáo nhìn thấy cuốn vở “không giống ai” của tôi liền hỏi: “Cái gì đây?” rồi quăng vèo xuống đất. Tôi cúi xuống nhặt và còn nghe nhiều tiếng cười khúc khích dưới lớp. Một nỗi xấu hổ trào dâng trong lòng khiến tôi muốn khóc khi lủi thủi về chỗ ngồi. Suốt buổi học đó tôi không còn tâm trí để nghe, chỉ còn loáng thoáng câu hỏi của cô giáo và tiếng cười của các bạn. Cái cảm giác đó đã đi theo tôi mãi, như chẳng bao giờ quên… Và cô giáo dạy lớp 1 đó đã để lại cho tôi một ấn tượng thật buồn bã về người thầy trên lớp. Đương nhiên, bây giờ ai cũng thấy cách xử sự đó của cô giáo hoàn toàn không có tính sư phạm nhưng ngày ấy, những việc tương tự diễn ra khá thường xuyên. Dù thường xuyên thì không có nghĩa là mọi việc trở thành bình thường, sẽ không có ai bị tổn thương hay đau lòng. Còn hiện nay, những điều này đã được khắc phục cơ bản, thì những việc như vậy trở thành cá biệt, mà cá biệt thì sẽ để lại hậu quả khó lường.
Thêm một chuyện nữa. Thấy tôi mặc áo rách, vá nhiều chỗ, một ông nhà giàu, vốn là y sĩ (hồi đó có khám chữa bệnh tại nhà) nói một câu mà tôi cũng không quên: “Mày đi đâu mà mang chài lưới vậy?”. Hồi đó 5-6 tuổi mà vẫn còn nhớ đến giờ với nỗi tủi hờn vì con nhà nghèo nên bị người ta khinh rẻ.
2. Cũng nói ngay là hồi đó tôi chỉ thấy thẹn với việc bị quăng vở, nhưng sau này lớn lên, tôi thấy đó là một hành vi có tính sỉ nhục của cô giáo đối với tôi, dù có lẽ cô cũng chẳng cố ý hoặc cũng không nghĩ là đó là một sự sỉ nhục. Bởi sau này, tôi còn chứng kiến nhiều lần cảnh thầy cô giáo quăng vở của học sinh ngay trước mọi người trong lớp khi tức giận điều gì đó với học sinh. Có lẽ không phải học sinh nào cũng thấy điều đó là một sự nhục nhã hay hổ thẹn, bởi dù sao thì “bị” như vậy cũng là khá nhẹ nhàng, chứ các hình phạt như quỳ gối, đứng giữa lớp, bị khẽ tay, thậm chí nằm dài trên bàn để bị đòn… còn nặng nề hơn nhiều. Dù cả thầy và trò không nghĩ điều đó trầm trọng như vậy thì bản chất của các sự việc đó cũng không hề nhẹ nhàng, và rõ ràng không có nhiều tính giáo dục. Và dù như tôi nghĩ ngày nào, việc bị ném vở chẳng qua là đáng xấu hổ thì nó vẫn tạo nên một vết thương lòng không thể xóa mờ cho tôi.
Trên thực tế, đôi lúc một sự sỉ nhục nào đó, trong hoàn cảnh nào đó có thể có tác dụng ngược, kích thích trẻ ngộ ra một điều gì, từ đó có suy nghĩ và hành động khác hơn, tích cực hơn. |
Vết thương lòng có thể là một hành động mang tính bạo lực, khinh miệt, xem thường hoặc đơn thuần chỉ là một lời nói, một thái độ thiếu tôn trọng, chứ không nhất thiết là một hành vi hoặc ngôn từ nào có tính sỉ nhục. Ông bà ta đã đúc kết: “Dao đâm có lúc lành thương tích/ Lời nói đâm nhau hận suốt đời”. Điều đó có thể nghiêm trọng hơn, vết thương sâu hơn và để lại thương tích lớn hơn khi người “đâm” bằng lời đó lại là người lớn, vốn được trẻ kính trọng, quý mến. Không chỉ vậy, theo các quy định hiện nay, hành vi mang tính bạo lực và sỉ nhục trên là vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nhà giáo. Trong trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng thì giáo viên hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự. Dù chưa đến mức đó thì ngay cả bị dư luận lên án hoặc lương tâm cắn rứt thì cũng là một sự trừng phạt không hề nhỏ cho người thầy. Như vậy, khi thực hiện một hành vi bột phát vì nóng giận hoặc xem đó là một cách giáo dục thì đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho học sinh và chính giáo viên.
3. Đừng tưởng cha mẹ, thầy cô vốn rất yêu trẻ thì không bao giờ có chuyện sỉ nhục trẻ. Có khi chỉ một câu nói lúc nóng giận, một hành động lúc thiếu kiềm chế hay một thái độ không được cân nhắc nào đó thể hiện sự không tôn trọng trẻ cũng có thể để lại một “vết tích” nào đó trong lòng trẻ. Tôi đã không ít lần nghe người lớn mắng mỏ trẻ nhỏ, đại loại “ngu như bò”, “người ta ăn cơm còn mày ăn gì”, “cái giống nhà ai mà dại thế”…, có trẻ cũng không có biểu hiện gì rõ ràng, có thể nhanh quên hoặc không để ý lắm (có khi đã quen với những câu này cũng nên!) nhưng cũng có trẻ khóc rấm rứt, đầy tức tưởi. Biểu hiện sau cho thấy trẻ đã cảm nhận bị xúc phạm và có thể sẽ “ghi nhớ” điều đó rất lâu, cũng như tôi đã 40 năm vẫn không quên chuyện bị quăng vở hay bị câu nói “chài lưới”.
Vì vậy, người lớn, kể cả ông bà, cha mẹ, cô chú, cậu dì, thầy cô…, đừng tùy tiện có thái độ, hành vi, lời nói, dù đùa cợt với trẻ. (Tôi chắc là ông y sĩ kia không đến nỗi khinh miệt tôi đến độ phải sỉ nhục tôi vì hồi đó hầu như con nít nào cũng mặc áo vá, có lẽ ông cũng chỉ vô tình thôi, hoặc có ý trách cha mẹ tôi cho con ra đường mà không cho mặc đồ tươm tất một chút. Nhưng dù sao lời nói của ông đã “ghim” vào lòng tôi không thể xóa được). Hãy thực sự tôn trọng trẻ!
Trên thực tế, đôi lúc một sự sỉ nhục nào đó, trong hoàn cảnh nào đó có thể có tác dụng ngược, kích thích trẻ ngộ ra một điều gì, từ đó có suy nghĩ và hành động khác hơn, tích cực hơn. Đó là trường hợp của học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), như qua câu chuyện do chính ông kể lại trong hồi ký: Sau khi bố mất, cậu bé Lê trở nên lêu lổng, học sút kém. Một hôm chấm bài xong, thầy giáo nói trước lớp: “Trò Lê đi giật lùi”, làm cả lớp cười nhạo. Nhờ vậy mà ông xấu hổ, quyết tâm học tốt, liên tục đứng đầu lớp…
Dĩ nhiên, không phải lúc nào sự chế nhạo, mỉa mai, châm biếm, khinh thường cũng có tác dụng tích cực như vậy. Người lớn nên cân nhắc áp dụng cách này. Sự quan tâm, yêu thương, động viên, tôn trọng, khích lệ… hẳn có hiệu quả thực tế hơn!
Nguyễn Minh Tâm
Bình luận (0)