Sự kiện giáo dụcTin tức

Đừng để lãng phí chồng lãng phí

Tạp Chí Giáo Dục

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố hệ thống trường lớp tuyển sinh bậc trung học năm học 2011-2012. Theo đó, ngoài các trường THPT công lập và ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, học sinh tốt nghiệp THCS còn có thêm cơ hội học tại các trường nghề. Và đây là sự lựa chọn “khôn ngoan” đối với những học sinh có sức học trung bình…

Không ít hiệu trưởng của các trường THPT thuộc địa bàn xét tuyển và thi tuyển nhưng có điểm đầu vào lớp 10 thấp thừa nhận, đầu học kỳ II lớp 10 khá nhiều học sinh bỏ học. Và nguyên nhân chính là do các em không đủ sức để tiếp tục theo học chương trình THPT. Sau khi rời khỏi các trường THPT này, rất nhiều học sinh đã nộp đơn vào các trường nghề.
Đây chính là một sự lãng phí. Lãng phí thời gian đối với cá nhân học sinh, lãng phí tiền bạc đối với phụ huynh và lãng phí công sức đối với các thầy, cô giáo. Vậy thì tại sao, ngay từ bây giờ khi phụ huynh và học sinh đang đắn đo trong việc đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 ở các trường THPT công lập lại không dứt khoát chọn trường nghề.
Năm 2011, các trường nghề tuyển 6.805 học sinh tốt nghiệp THCS vào học. Các trường nhận hồ sơ từ nay đến ngày 30-12-2011, theo đó học sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường mà mình muốn học.
Một điều mà những học sinh có học lực trung bình và phụ huynh học sinh cần lưu ý, đó là vấn đề học phí. Theo công bố của Sở GD-ĐT thì chỉ có các trường THPT công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX) là vẫn giữ nguyên mức học phí từ năm 2000 đến nay. Cụ thể, nội thành: 30 ngàn đồng/tháng (trường THPT) và 65 ngàn đồng/tháng (TT GDTX); ngoại thành: 25 ngàn đồng/tháng (trường THPT) và 45 ngàn đồng/tháng (TT GDTX). Còn các trường THPT dân lập, tư thục cũng như các trường nghề hầu hết đều tăng học phí. Tuy nhiên, không giống như các trường THPT dân lập, tư thục tăng học phí khá nhiều, các trường nghề chỉ tăng chút đỉnh.
Năm học 2010-2011, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm có mức học phí là 675 ngàn đồng/học kỳ, năm nay tăng lên 1 triệu đồng – tương đương với 200 ngàn đồng/tháng. Hay như Trường Trung cấp nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh, chỉ tăng từ 675 ngàn đồng lên 1.050 ngàn đồng/học kỳ… Nhìn chung, mức học phí của các trường nghề tương đối thấp, từ 200 – 400 ngàn đồng/tháng. Trong khi đó, học phí tại các trường THPT dân lập, tư thục thấp nhất cũng lên tới trên 700 ngàn đồng/tháng. Làm một bài toán so sánh chúng ta thấy rằng, học 1 tháng ở trường THPT dân lập, tư thục có thể học được 3 tháng ở trường nghề. Và nếu học ở trường nghề, khi ra trường, ngoài trình độ văn hóa, học sinh còn có thêm một cái nghề. Các em có thể đi làm ngay hoặc cũng có thể học liên thông lên CĐ và ĐH. Như vậy, về kinh tế thì phụ huynh được hưởng lợi rất nhiều.
Đối với học sinh còn lợi hơn nhiều. Bởi thực tế đã chứng minh, các em không đủ sức để theo học chương trình phổ thông. Theo đó dù học ở trường THPT công lập hay trường THPT dân lập, tư thục thì các em cũng phải “đầu hàng”. Nếu phụ huynh cứ ép các em phải ngồi vào cái ghế của một trường THPT nào đó thì cũng chẳng đem lại lợi ích gì. Đối với những học sinh vốn có học lực trung bình thì tốt nghiệp THCS đã là cả một sự cố gắng, bây giờ các em khó có thể cố gắng thêm được nữa để tiếp tục theo học 3 năm THPT.
Rõ ràng đã đến lúc các bậc phụ huynh cần thay đổi suy nghĩ phải cho con học ở trường THPT bằng mọi giá. Nói cho cùng, người học và hưởng lợi từ việc học là chính các em học sinh chứ không phải phụ huynh. Vì vậy, các ông bố, bà mẹ hãy đóng vai những đứa con của mình để hiểu các em muốn gì và có thể học được gì. Có như vậy mới tránh được sự lãng phí và trên hết là phụ huynh đã cho con mình cái mà các em cần…
Kim Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)