Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng để lồng ghép là gánh nặng

Tạp Chí Giáo Dục

Một khung chương trình đào tạo muốn được triển khai giảng dạy phải trải qua rất nhiều khâu của một quy trình chặt chẽ bởi nhiều đơn vị phối hợp thiết kế, soạn thảo, góp ý, phản biện, kiểm tra, đánh giá. Không chỉ có sự tham gia của các nhà chuyên môn trong ngành mà còn có sự đóng góp, phản hồi của những người ngoài ngành, của dư luận xã hội. Vậy nên, trong chừng mực nhất định, chất lượng của một khung chương trình đào tạo có thể được bảo chứng, ít nhất từ góc độ quy trình. Tuy nhiên, thực tiễn vận động của cuộc sống xã hội luôn đặt ra áp lực phải thay đổi khung chương trình đào tạo. Đó là quy luật tất yếu. Theo đó, khung chương trình đào tạo luôn phải được làm mới, cập nhật để tiệm cận nhất với yêu cầu nguồn nhân lực của xã hội.

Song, thay đổi, cập nhật khung chương trình đào tạo không phải là câu chuyện có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Để kịp thời bắt nhịp với cuộc sống, biện pháp lồng ghép đã được triển khai, xem như một giải pháp mang tính giải quyết tình thế trước mắt. Thế nên, đã có không biết bao nhiêu nội dung được lồng ghép vào chương trình đào tạo. Lấy ví dụ như một môn học bất kỳ ở bậc phổ thông. Hiện nay, ngoài việc chuyển tải cho đầy đủ những nội dung cần đạt có trong phân phối chương trình, mỗi môn học còn phải “cõng trên lưng” nhiều nội dung phải lồng ghép, tích hợp khác. Như lồng ghép kỹ năng sống cho trẻ (mà kỹ năng sống thì cũng rất phong phú đa dạng tùy theo độ tuổi, giới tính, khu vực vùng miền…); lồng ghép tri thức bản địa; lồng ghép ý thức bảo vệ môi trường… Công bằng mà nói, lồng ghép là phương pháp mang lại nhiều hiệu quả tích cực, tận dụng khung chương trình, tiết kiệm thời gian. Và các nội dung lồng ghép đều là những thông tin, tri thức cần được học sinh cập nhật, tìm hiểu, nếu không muốn lạc hậu. Tuy nhiên, thực trạng sử dụng phương pháp lồng ghép tràn lan như hiện nay lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, nếu không muốn nói là lợi bất cập hại. Thứ nhất, cần lồng ghép các nội dung phù hợp với môn học, phân môn phù hợp. Không phải cứ xã hội đang rầm rộ nội dung nào, chủ đề chủ điểm nào thì chúng ta cũng chạy theo lồng ghép cho có phong trào. Ngoài việc khiên cưỡng trong liên kết nội dung giảng dạy, việc lồng ghép tích hợp các nội dung theo phong trào còn khiến cho học sinh cảm thấy bội thực, ngán ngẩm, vì đi đâu các em cũng thấy tuyên truyền nội dung đó, học môn nào các em cũng thấy nhắc đến nội dung đó. Thứ hai, nếu nội dung lồng ghép quá lớn, cần triển khai thành chuyên đề riêng, buổi học riêng, và về mặt lâu dài, cần có phương án triển khai môn học mới phù hợp. Tất nhiên, để thực hiện việc này cần có sự khảo sát đánh giá, thảo luận và thống nhất ở nhiều cấp. Nhưng không phải vì lo ngại rườm rà phức tạp mà chúng ta cứ vô tư lồng ghép tích hợp những nội dung quá khổ trong một tiết giảng eo hẹp về thời gian như hiện nay. Rõ ràng chỉ là triển khai cho lấy lệ, hợp thức hóa, chứ về mặt hiệu quả thực tế thì không có là bao. Thậm chí, còn tạo ra tác dụng ngược, gây tâm lý không tốt trong quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh.

Việc lồng ghép, tích hợp trong giảng dạy hiện nay thực sự là câu chuyện cần được các cấp quản lý quan tâm. Đừng để việc lồng ghép mất đi giá trị, hiệu quả tích cực của nó, để rồi vô tình vì cách triển khai duy ý chí mà trở thành gánh nặng không chỉ cho người dạy đau đầu soạn giáo án mà còn là nỗi ám ảnh của người học vì bị nhồi nhét, bội thực.

Đơn Thun

 

Bình luận (0)