Hiện nay, nhiều người tự chữa bệnh bằng cách tham khảo trên mạng xã hội hoặc những thầy lang, thầy cúng thay vì đến bệnh viện điều trị.
Bị cáo Huỳnh Lan Thảo vì mù quáng tin theo lời thầy lang, thầy cúng mà hại chết con trai của mình |
Điều trị phản khoa học
Kiểu tự ý chữa bệnh tại nhà theo kinh nghiệm của các lang băm (trong đời thực và trên mạng) ngày càng phổ biến. Hầu hết người bệnh thường điều trị theo kiểu “ai chỉ gì uống nấy”.
Mới đây, vụ việc một sản phụ ở huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) tử vong sau khi phá thai bằng que nứa do bà lang thực hiện lại một lần nữa cảnh báo về hiểm họa từ những cách điều trị bệnh rất phản khoa học. Dù đã có rất nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng nhưng việc chữa bệnh theo lời thầy lang vẫn được nhiều người tin dùng. Với một số người, họ còn tin thầy lang hơn cả bác sĩ.
Cách đây không lâu, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM – tiếp nhận một trường hợp bị nhiễm độc rất nặng do rắn cắn. Bệnh nhi là bé N.T.V (9 tuổi, ở Tiền Giang). Bé N.T.V bị rắn cắn vào chân phải. Có lẽ, bệnh tình của V. sẽ không quá nặng nếu như gia đình em không nghe theo lời thầy lang. Thay vì đưa đến cơ sở y tế, người nhà đưa thẳng bé đến thầy lang tại địa phương để chích hút nọc độc, rồi đắp thuốc. Bệnh tình không đỡ, sức khỏe bệnh nhân ngày càng xấu, vết thương sưng to, chảy máu, xuất huyết da nhiều vùng trên cơ thể…, bệnh nhi rơi vào tình trạng lơ mơ, da xanh tái. Đến lúc này, người nhà mới tá hỏa đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Năm 2017, một cháu bé (2 tháng tuổi, ngụ tại Hà Nội) đã tử vong do cha mẹ tự điều trị ho cho cháu tại nhà. Dù đã có không ít những lời cảnh báo từ các phương tiện thông tin đại chúng nhưng dường như nhiều người vẫn phớt lờ.
Chưa có số liệu thống kê cụ thể những ca bệnh nặng do bỏ điều trị thầy thuốc nghe theo thầy lang nhưng những trường hợp này không ngừng tăng lên mỗi ngày, để lại nhiều hậu quả khôn lường. Hằng năm, ngành y tế ra sức tuyên truyền cách phòng, chống bệnh dại nhưng khi bị chó cắn người dân thay vì đến cơ sở y tế điều trị lại tìm đến thầy lang.
Tiền mất, tật mang
Chính sự phát triển của mạng xã hội cùng sự thiếu hiểu biết của người dân khiến việc điều trị bệnh càng trở nên khó khăn. Một thực tế không thể phủ nhận là có những bài thuốc dân gian rất hay và hiệu quả. Tuy nhiên, một bài thuốc dùng cho bệnh nhân phải trải qua nhiều bước kiểm nghiệm nghiêm ngặt, tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.
Thế nhưng, nhiều người bệnh vẫn bám víu vào những lời khuyên, tự chữa bệnh bằng kinh nghiệm dân gian truyền tai nhau. Vì lợi nhuận, nhiều thầy lang quảng cáo các phương thuốc bí truyền chữa bách bệnh từ rắn cắn, bệnh dại đến ung thư xơ gan… Đa phần những quảng cáo này đều chỉ là lừa bịp, câu khách. Người bệnh mù quáng nghe theo để rồi gánh hậu quả khi tự tìm đến những cơ sở chữa bệnh bằng thuốc nam, thuốc đông y không có giấy phép hành nghề.
Vì lợi nhuận, nhiều thầy lang quảng cáo các phương thuốc bí truyền chữa bách bệnh từ rắn cắn, bệnh dại đến ung thư xơ gan… Đa phần những quảng cáo này đều chỉ là lừa bịp, câu khách. Người bệnh mù quáng nghe theo để rồi gánh hậu quả khi tự tìm đến những cơ sở chữa bệnh bằng thuốc nam, thuốc đông y không có giấy phép hành nghề. |
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, một số người lại chọn cách chữa bệnh theo những bài thuốc được lan truyền trên mạng xã hội. Hàng ngàn lượt yêu thích và chia sẻ những bài thuốc không có cơ sở vẫn được lan truyền trên mạng xã hội. Còn nhiều kiểu chữa bệnh không giống ai và hết sức phản khoa học khác như: xoa ngực, phun nước thánh hay chữa bệnh bên trong nhà nghỉ… vẫn được người dân tìm đến rất đông do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và mê tín dị đoan.
Bên cạnh việc tin vào những ông thầy lang băm, không ít người dân còn tin lời thầy cúng, thậm chí nhiều người vì mê muội đã gây ra cái chết oan uổng cho người khác. Năm 2016, một vụ án gây ám ảnh với nhiều người tại TP.HCM khi người mẹ vì mê tín dị đoan mà hại chết đứa con trai 16 tuổi của mình. Theo cáo trạng, con trai của Huỳnh Lan Thảo (Q.5) có những biểu hiện bất thường như thường xuyên la hét, phải nghỉ học. Mặc dù Thảo đã đưa đi khám, chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Thảo liền đưa con đi chùa cúng bái, sau một thời gian, con trai Thảo có vẻ thuyên giảm, vì vậy Thảo càng tập trung vào cúng bái, mua nhiều tượng phật về để làm nơi thờ phụng và cho con trai cúng bái theo ý mình thay vì chữa trị theo y học. Vì quá mù quáng khi tin vào thầy lang, thầy cúng mà Thảo đã hại chết đứa con mình mang nặng đẻ đau.
Nhiều thầy lang, thầy cúng sử dụng thủ đoạn tinh vi để đánh vào lòng tin của người bệnh để nhằm trục lợi. Đã có quá nhiều bài học cảnh tỉnh nhưng không ít bệnh nhân và người nhà vẫn mù quáng tin theo, dẫn đến hậu quả khôn lường.
Thục Quyên
Bình luận (0)