Thông thường vào dịp Tết, số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tai biến mạch máu não ở bệnh viện đều tăng. Trong đó có những gia đình mất Tết vì chủ quan với việc phòng tránh đột quỵ. Tiến sĩ – bác sĩ Trần Chí Cường (Chủ tịch Hội Thần kinh và Can thiệp mạch máu não TP.HCM) đã có những hướng dẫn cụ thể nhằm giúp người dân phòng tránh đột quỵ trong mùa Tết sắp tới.
Ăn uống điều độ, theo dõi huyết áp thường xuyên có thể phòng ngừa đột quỵ mùa Tết |
Theo dõi huyết áp thường xuyên
Theo bác sĩ Trần Chí Cường, đột quỵ là bệnh đứng thứ ba gây tử vong và tàn phế nhiều nhất, chỉ sau bệnh tim mạch và ung thư. Hiện nay trên thế giới có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ, riêng tại Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ/năm. Tết là cơ hội để gia đình, anh em, bạn bè tụ họp nên nhiều người sẽ về quê ăn Tết. Do phải đi lại nhiều trong thời tiết giá lạnh, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thất thường nên nhịp sinh học của nhiều người bị đảo lộn, gây ra nhiều bệnh tật. Đặc biệt với những người có tiền sử tiểu đường, tim mạch hay huyết áp cao, việc ăn uống “xả láng” không kiêng kỵ là nguyên nhân gây đột quỵ trong thời gian này.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Cường, đột quỵ thường xảy ra khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh. Vì cơ thể xảy ra tình trạng co mạch ngoại biên làm gia tăng tạm thời lưu lượng máu lên não, làm cho các mạch máu có điểm yếu (phình mạch, dị dạng mạch, mạch máu bị xơ vữa…) rất dễ bị tổn thương dẫn đến tăng tỷ lệ đột quỵ. Đặc biệt đối với những người về quê ăn Tết ở những vùng có khí hậu lạnh cao, bác sĩ Cường khuyến cáo, những người này càng phải phòng ngừa tai biến đột quỵ một cách nghiêm ngặt. Giải đáp cho lo lắng của anh Trần Minh Quang Vinh (42 tuổi, TP.HCM), bị huyết áp 5 năm, sẽ về miền Bắc ăn Tết năm nay, bác sĩ Cường lưu ý, trong dịp Tết về Bắc sẽ thay đổi thời tiết nhiều. Do đó anh Vinh cần theo dõi huyết áp tốt hơn bằng việc đo huyết áp trong những ngày đầu 2 lần/ngày (đo tại nhà, nếu được). Nếu huyết áp có khuynh hướng tăng cao hơn, anh cần đi khám bác sĩ để điều chỉnh liều thuốc, giữ mức huyết áp dưới 140mmHg, nên chuẩn bị thuốc đầy đủ và tránh ngưng thuốc đột ngột. Tương tự, anh Nguyễn Văn Huy (36 tuổi, Đắk Lắk) cho biết mùa Tết ở quê em khí hậu rất lạnh, thói quen tắm nước lạnh em không thể bỏ, nhưng vẫn rất lo vì nghe nhiều người nói “tắm nước lạnh vào mùa đông dễ bị đột quỵ”. Ở trường hợp này, bác sĩ Cường giải đáp, khi cơ thể đang nóng, có nhiều mồ hôi thì việc bị lạnh đột ngột có thể dễ gây nhiễm bệnh. Thậm chí khi bị lạnh đột ngột làm cơ thể co mạch ngoại biên, gây gia tăng tạm thời lưu lượng máu đến các cơ quan sâu và lên não. Đó là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp bị đột quỵ trong lúc đang tắm, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Do đó, mùa đông nên tắm nước ấm trong phòng ấm, tốt nhất là gần với nhiệt độ trong phòng là 25 độ và phù hợp với sinh lý cơ thể là không quá 37 độ, sẽ giảm được phản ứng gây sốc do nhiệt.
Dấu hiệu nhận biết và những “địa chỉ” cấp cứu
BS Trần Chí Cường cho biết, trong ngày nghỉ Tết tất cả các bệnh viện đều có bác sĩ trực cấp cứu. Khi xảy ra sự cố về sức khỏe hay đột quỵ thì người nhà nên đưa bệnh nhân đến cơ quan y tế gần nhất, nhưng tốt nhất cho bệnh nhân đột quỵ là đến được cơ quan y tế nào có thể chẩn đoán và điều trị đột quỵ.
Trong trường hợp có người bị đột quỵ, bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở y tế sau:
– Khu vực phía Bắc: Bệnh viện 108, BV Bạch Mai, Bệnh viện 103. |
Bác sĩ Cường khuyến cáo, thời gian tốt nhất để cứu bệnh nhân đột quỵ là trong vòng 4 giờ đầu với tắc nghẽn mạch máu nhỏ, trong vòng 6 giờ đầu với đột quỵ nặng tắc nghẽn mạch máu lớn. Đặc biệt, việc sơ cứu hợp lý, tránh những quan niệm sai lầm làm mất đi “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ là điều hết sức quan trọng, nhất là đối với đột quỵ tắc nghẽn mạch máu. Theo đó, nguyên tắc đơn giản của sơ cứu trong cộng đồng bao gồm 3 bước A-B-C. Bước A (đường thở), cần quan sát xem bệnh nhân có tỉnh táo hít thở bình thường hay không. Nếu bệnh nhân khó thở do tắc nghẽn đường thở thì phải tìm cách khai thông (dị vật đường thở, răng giả). Bước B (máu), quan sát xung quanh bệnh nhân xem có bị chảy máu nơi nào hay không, các vùng xương lớn có bị biến dạng hay không (xương đùi, tay chân, vùng cổ, cột sống). Nếu có nơi chảy máu phải tiến hành băng ép tại chỗ cầm máu tạm thời. Nếu có xương gãy hãy cố định ngay, tránh di chuyển đột ngột dẫn đến bệnh nhân có thể tử vong hay nặng thêm do biến chứng sốc. Bước C (tuần hoàn), sờ các mạch máu lớn xem có đập hay không (mạch cảnh ở vùng cổ, mạch bẹn, mạch cổ tay…). Nếu mạch đập bình thường thì di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng đến nơi thông thoáng, tránh bao quanh bệnh nhân quá nhiều người, nới lỏng quần áo giúp thở dễ hơn và gọi xe cứu thương. Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, không còn mạch đập thường phải hồi sức tim phổi nhân tạo. Việc này phải được thực hiện bởi các nhân viên y tế được đào tạo, người thân không nên thực hiện xoa bóp tim vì có thể gây những sự cố nguy hiểm cho người bệnh do thực hiện thao tác không đúng.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)