Đánh răng sau khi ăn để phòng ngừa bệnh sâu răng |
“Hàm răng, mái tóc là gốc con người”. Song, có tới 75% dân số Việt Nam bị sâu răng. Nếu không điều trị, sâu răng có thể sẽ phá hủy răng, hoại tử tủy và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.
Suýt mất răng vì… chủ quan
Hơn một năm trước, mỗi khi uống nước lạnh hoặc nóng, đánh răng, chị Thanh (Q.1, TP.HCM) thường thấy tê buốt. Đặc biệt, khi vô tình nhai phải thức ăn cứng thì đau buốt lên đến tận đỉnh đầu. Tuy nhiên, chị chủ quan, không đi khám mà cứ cố chịu đựng. Cách đây khoảng 2 tháng, trong lúc ăn cơm, chị đã cắn phải một hạt cơm cháy và hậu quả là bể một miếng răng. Từ lúc đó, cứ mỗi khi ăn, uống, đánh răng, chị đều bị đau buốt. Có những lúc cơn đau kéo dài 30-40 phút khiến chị rất khổ sở…
Sau đó chị đi khám ở Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM và được BS cho biết chị bị sâu răng, cần phải lấy tủy và trám lại miếng vỡ. Sau 3 lần (3 tuần) tới bệnh viện lấy tủy, trám tủy và trám răng, chị Thanh mới hết đau.
Tuy vậy, BS. Nguyễn Kim Lưu – Khoa Chữa răng và Nội nha, người trực tiếp điều trị cho chị Thanh khuyến cáo: “Chiếc răng này đã có vết rạn rất lớn, nguy cơ bể lần nữa là rất cao. Tốt nhất chị nên bọc răng sứ để bảo vệ răng. Nếu không bọc sứ thì phải hạn chế nhai ở chiếc răng đó, nhai nhẹ, không ăn đồ cứng”… Những trường hợp như chị Thanh không phải là ít. Thậm chí có người còn phải nhổ luôn chiếc răng sâu vì vô phương cứu chữa.
Cụ thể như trường hợp của anh Lâm (Q.3). Gần 2 năm nay, hàm trên bên phải của anh thiếu một chiếc răng. “Điều đó rất bất tiện cho tôi trong việc nhai thức ăn cũng như vệ sinh răng miệng”, anh Lâm cho biết. Trước đó, chiếc răng này của anh Lâm bị sâu nhưng vì nhiều lý do nên không chữa kịp dẫn đến nhiễm trùng nặng ở gốc răng và bể nhiều. Vì vậy, khi anh tới bệnh viện thì các BS phải nhổ bỏ. Không ít trường hợp đã phải mất một, hai, thậm chí là ba chiếc răng chỉ vì sâu răng. Để đảm bảo sức khỏe bắt buộc phải trồng răng giả và chi phí cho một chiếc răng giả không rẻ chút nào.
Bí quyết ngừa sâu răng
Sâu răng xuất hiện do trong quá trình ăn, thức ăn có chứa carbohydrate (đường và tinh bột), những carbohydrate này được vi khuẩn mảng bám tiêu thụ và sản sinh ra acid ăn mòn răng. Theo thời gian, men răng bắt đầu bị phá hủy dưới bề mặt răng. Lượng men răng phía dưới bị mất dần dẫn đến bề mặt răng bị phá vỡ và hình thành sâu răng. Sâu răng thường phát triển trong các lỗ trên bề mặt nhai của những răng trong cùng, ở kẽ răng và ở gần đường viền nướu. Cách tốt nhất để phát hiện và điều trị sâu răng trước khi trở nên nghiêm trọng là đến nha sĩ kiểm tra răng miệng thường xuyên.
Khi đó, nếu răng bị sâu, các BS sẽ trám lỗ sâu lại. Tuy nhiên, theo BS. Lưu thì, trám răng không phải là “bí quyết” để chấm dứt sâu răng. Trám lỗ sâu chỉ là tạm thời làm ngưng sâu răng, nếu không vệ sinh răng miệng sạch sẽ thì sâu răng sẽ tái phát. Mặt khác, chất trám không thể thay thế được men và ngà răng nên rất dễ bể, dễ sút khi bệnh nhân có thói quen ăn nhai với thức ăn quá cứng.
Các BS nha khoa khuyến cáo: “Để bảo vệ sức khỏe răng miệng cần kết hợp 3 bước: chải răng với kem đánh răng có Fluor sau khi ăn, dùng chỉ nha khoa lấy thức ăn vùng kẽ răng và dùng nước súc miệng kháng khuẩn. Đồng thời loại bỏ những thói quen, cách thức chăm sóc răng miệng không đúng như chỉ chải răng một lần vào buổi sáng, dùng tăm xỉa răng thay chỉ nha khoa, không khám răng định kỳ (6 tháng/lần). Ngoài ra, để phòng ngừa sâu răng nên hạn chế ăn thức ăn có chứa đường và tinh bột. Khi dùng những thực phẩm này, cố gắng dùng trong các bữa ăn chính thay vì ăn vặt để hạn chế cho răng bạn không tiếp xúc nhiều với acid…”.
Bài, ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)