Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đừng để năm học mới phải diễn ra trong lo âu!

Tạp Chí Giáo Dục

Năm hc mi 2020-2021 đến thi đim này có v còn nhiu th thách, khiến hu hết ph huynh lo lng.


Hc sinh THPT ti TP.HCM hc trc tuyến môn lch s trong thi gian dch Covid-19 bùng phát sau Tết Nguyên đán 2020. Ảnh: N.Quang

Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ ba sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng thực sự đã gây tác động nhiều đến đời sống xã hội. Trong khi người dân đã chuyển sang “trạng thái bình thường mới” thì đột nhiên mọi thứ bị đảo lộn, khi liên tục xuất hiện các ca nhiễm mới ở nhiều địa phương, không chỉ có Đà Nẵng mà còn ở nhiều nơi khác, đồng thời có nhiều trường hợp tử vong… Đó đây, tâm lý chủ quan, lơ là đã xuất hiện. Nếu đến ngày khai giảng, số ca nhiễm vẫn được phát hiện mỗi ngày thì rõ ràng đó là một thử thách cho cả phụ huynh, học sinh lẫn giáo viên.

Có lẽ hầu hết người dân đều tin rằng dịch Covid-19 sẽ tiếp tục được khống chế thành công như đã thực hiện tốt ở 2 lần trước. Do đó, năm học mới sẽ bắt đầu đúng như dự kiến, thậm chí trong trường hợp có khó khăn hơn mà bắt đầu muộn hơn một chút thì cũng không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là không ai chắc rằng dịch sẽ không bùng phát trở lại, khi đó, sau một thời gian đi học, trẻ có thể sẽ phải nghỉ, chắc chắn ảnh hưởng đến tiến độ học tập cũng như động cơ, tâm lý học. Nhất là đối với học sinh tiểu học và THCS, sự chủ động và ý thức học tập chưa cao, bất kỳ sự gián đoạn nào cũng sẽ tác động đến thái độ và kết quả học tập. Đó là chưa kể, nếu phải nghỉ học thì việc gửi và chăm sóc trẻ như thế nào trong thời gian này cũng là bài toán khó cho phụ huynh. Nếu xảy ra sự gián đoạn, chắc chắn chương trình học phải có sự điều chỉnh, về thời gian, về phân bổ nội dung, về kiểm tra, đánh giá… Khi đó, giáo viên phải vất vả thực hiện việc cắt giảm, thay đổi, có thể sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các công việc khác trong nhiệm vụ giảng dạy. Dĩ nhiên, những điều này sẽ ít nhiều làm không bảo đảm chất lượng dạy và học, nhất là đối với bậc tiểu học. Không chỉ vậy, một số kiến thức được giảm tải có thể dẫn đến việc tiếp thu ở các năm học sau, hoặc ảnh hưởng đến việc các kỳ thi sau đó (chẳng hạn, kiến thức giảm tải ở môn toán lớp 10 có thể là nền tảng để học tốt môn toán các năm lớp 11, 12, khi không được học đầy đủ có thể ảnh hưởng đến kỳ thi THPT…). Hoặc khi thực hiện cách dạy trực tuyến thì cần được tổ chức như thế nào cho phù hợp để bảo đảm chất lượng cho phép. Hay quá trình học mà dịch vẫn còn đang diễn ra (nhưng chưa đến mức phải nghỉ học) thì các yêu cầu về phòng dịch sẽ được thực hiện như thế nào trong nhà trường cũng là một câu hỏi khó. Học sinh có phải đeo khẩu trang không, nếu đeo thì nguồn khẩu trang ở đâu, học sinh sẽ đeo như thế nào, ai kiểm soát việc đeo và đeo đúng cách của trẻ trong khi việc đeo khẩu trang là điều rất bất tiện trong học tập, nhất là đối với trẻ em, vốn luôn hiếu động và chưa có ý thức tốt việc giữ gìn vệ sinh. Hay việc giãn cách sẽ thực hiện ra sao khi mà hầu hết các lớp học đều có sĩ số khá đông; dù có bảo đảm giãn cách ở chỗ ngồi thì cũng khó giãn cách ở các sinh hoạt, hoạt động khác; rồi việc bán trú sẽ được tổ chức như thế nào để bảo đảm sức khỏe học sinh mà không làm xáo trộn nhiều đến việc đưa đón, sinh hoạt của phụ huynh… Hay việc thực hiện rửa tay thường xuyên cũng là một vấn đề vì rất khó giám sát việc thực hiện đầy đủ của học sinh. Ngoài ra, do tác động của dịch, một số gia đình phải giảm thu nhập do giảm hoặc mất việc làm, có thể ảnh hưởng đến việc tạo điều kiện tốt nhất cho con đi học. Một số học sinh THPT có thể trở nên dễ nghỉ học hơn vì khó khăn của gia đình do chi phí học tập của các em tương đối nhiều, nếu nghỉ các em có thể tìm việc làm để đỡ đần cho cha mẹ… Những điều đó cũng ít nhiều tác động đến việc tham gia học tập và chất lượng học tập.

Trong bối cảnh đó, cần có những giải pháp phù hợp của chính quyền các cấp, của ngành giáo dục để bảo đảm hoạt động dạy và học được thuận lợi, xuyên suốt và đạt kết quả cao nhất. Dịch bệnh có trở lại hay không, mức độ thế nào… có thể coi là một yếu tố khách quan, về cơ bản, nhiều người không thể tác động để thay đổi được nó mà phải góp phần không làm cho nó lây lan, phức tạp thêm. Bản thân mỗi cơ sở giáo dục, mỗi giáo viên, mỗi phụ huynh, mỗi học sinh phải tự tìm cách thích ứng với hoàn cảnh đó. Điều đáng quan tâm là các cơ quan chức năng cần làm cho năm học mới diễn ra thuận lợi, hạn chế các lo lắng, hoang mang. Các giải pháp cần chú ý là: Thứ nhất, cần quán triệt kỹ các biện pháp phòng chống dịch trong nhà trường cho giáo viên, nhân viên, học sinh. Đầu năm học mới, các cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ… trong nhà trường cần được vệ sinh kỹ lưỡng và thực hiện định kỳ trong năm học. Với học sinh THPT, cần tổ chức để các em tham gia hoạt động này, không chỉ góp phần nâng cao ý thức phòng chống dịch mà còn tạo điều kiện để các em được lao động, được trải nghiệm. Cần bố trí đủ dung dịch sát khuẩn, xà bông rửa tay, đồng thời hướng dẫn kỹ cho học sinh thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn. Giáo viên cần giám sát tốt học sinh, để phát hiện các trường hợp bất thường về sức khỏe và có biện pháp xử lý kịp thời. Thứ hai, ngành giáo dục cần chuẩn bị các phương án dự phòng cho những tình huống năm học bị gián đoạn do dịch bệnh, với nhiều kịch bản khác nhau. Việc cắt giảm chương trình cũng cần được tính toán kỹ cho phù hợp với từng tình huống. Thí dụ, nếu năm học diễn ra đúng dự kiến mà tình hình dịch ở các nước vẫn còn diễn biến phức tạp thì nên giảm thời gian nghỉ Tết lại, để phòng hờ trường hợp dịch xảy đến sau Tết thì chương trình học cũng đã thực hiện được một khối lượng lớn của năm học rồi. Tức là, trong tình cảnh hiện nay, nên linh hoạt, uyển chuyển chứ không quá bài bản như bình thường. Thứ ba, các địa phương cần rà soát kỹ các trường hợp người dân gặp khó khăn trên địa bàn, nhất là có liên quan đến Covid-19, để có biện pháp hỗ trợ kịp thời và phù hợp. Trong đó, cần chú ý đến các hộ có con em đang đi học (từ tiểu học cho đến ĐH) thuộc nhóm đối tượng sau: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, gia đình có người thuộc diện bảo trợ xã hội, gia đình có người đã được nhận từ các gói hỗ trợ do bị ảnh hưởng của Covid-19… Các địa phương cần vận dụng linh hoạt các biện pháp giúp đỡ để bảo đảm học sinh, sinh viên được tiếp tục đi học và không bỏ học vì lý do khó khăn về kinh tế. Cần vận động mạnh thường quân, các tổ chức khuyến học… có các biện pháp giúp đỡ phù hợp. Thứ tư, cần quan tâm bình ổn giá các mặt hàng phục vụ năm học mới, như sách giáo khoa, tập, đồng phục, giày dép… Công tác bình ổn giá lâu nay đã được thực hiện rất tốt thì trong bối cảnh hiện nay cần được thực hiện tốt hơn nữa, nhằm giảm gánh nặng cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, trong dịp năm học mới. Cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng năm học mới để bán các mặt hàng thiết yếu với giá cao. Thứ năm, quyết liệt với nạn lạm thu trong nhà trường vào đầu năm học. Cần quán triệt với lãnh đạo nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên… không được nhân danh bất kỳ ai để vận động đóng góp ngoài các khoản theo quy định, đặc biệt là các “sổ vàng”, “công trình phụ huynh”… Nhà trường cũng cần tránh yêu cầu “đồng phục” cả về cặp, vở, bìa bao sách vở, giày dép… mà chỉ cần yêu cầu thực hiện đồng phục theo quy định, còn thực hiện như thế nào là quyền của phụ huynh. Ngoài ra, các trường cũng nên vận động quyên góp đồng phục cũ, sách giáo khoa cũ để tặng cho học sinh nghèo.

So với các năm trước, năm học mới có nhiều băn khoăn, lo lắng, cả phía phụ huynh, học sinh, giáo viên… Trách nhiệm của chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng, của ngành giáo dục, của nhà trường là làm mọi cách để giảm băn khoăn, lo lắng đó và phải bắt đầu năm học mới bằng một tâm lý phấn khởi, lạc quan, tin tưởng. Có như vậy, năm học mới đạt được kết quả khả quan!

Trnh Minh Giang

Bình luận (0)