Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Đừng để ngoại ngữ cản đường tương lai

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là lời khuyên của các chuyên gia dành cho học sinh hai trường THPT Trần Quang Khải và Trung học Thực hành  trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua. Đồng hành cùng chương trình là ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF).

TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam) trao đổi với các em học sinh tại chương trình

Biết nhiều ngoại ngữ, cơ hội nghề nghiệp sẽ cao

Nguyễn Bảo Nguyên (học lớp 12A3 Trường THPT Trần Quang Khải) tâm tư: “Em muốn sau này trở thành hướng dẫn viên du lịch, nhưng nghe nói ngành này cần phải có ngoại hình và ngoại ngữ. Vậy nếu không hội đủ 2 yếu tố này, em xin việc làm được không?”. Trong khi đó, Vũ Phan (học lớp 12A8 Trường Trung học Thực hành) lại băn khoăn: “Làm việc trong ngành du lịch có nên học 2-3 ngôn ngữ không?”. ThS. Vũ Quang Huy (Phó ban Tư vấn – Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) đánh giá: “Ngoại hình là một trong những điều kiện cần phải có của người làm công việc hướng dẫn du lịch. Tuy nhiên, đây không phải là điều kiện tiên quyết. Theo đó, người làm hướng dẫn du lịch ngoài ngoại hình còn phải có khả năng ăn nói lưu loát, lôi cuốn, am hiểu nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử, con người và vùng đất nơi mình dẫn khách… Trong ngành du lịch, có rất nhiều người ngoại hình không mấy nổi bật nhưng lại biết lôi cuốn khách bằng lối nói chuyện duyên dáng, bằng những hiểu biết riêng mà họ đã bỏ công tìm hiểu. Và những người như vậy được du khách ưa thích, nhiều công ty du lịch tìm kiếm tuyển dụng. Vì vậy, các em không nên đặt nặng vấn đề ngoại hình đối với nghề hướng dẫn du lịch”. Về vấn đề ngoại ngữ, ThS. Vũ Quang Huy nhận định: “Ngoại ngữ là yếu tố quan trọng đối với nghề hướng dẫn du lịch, nếu không có nó, các em chỉ có thể hướng dẫn cho khách nội địa, không có cơ hội dẫn ra nước ngoài. Trong thời buổi hiện nay, du lịch là ngành rất linh động với lượng khách vô cùng lớn nên nếu không biết tiếng Anh sẽ rất thiệt thòi, nhất là khi các công ty du lịch thường ưu tiên cho ứng viên biết ngoại ngữ”.

Trao đổi thêm, bà Nguyễn Thị Triều (đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho rằng, biết ngoại ngữ là điều kiện cần, biết nhiều ngoại ngữ sẽ là một lợi thế. Vì vậy không nên để ngoại ngữ là vật cản trên bước đường xin việc của các em sau này. “Trong xu hướng hội nhập toàn cầu, một người biết nhiều ngoại ngữ thì sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Tiếng Anh tuy là ngôn ngữ phổ biến toàn cầu nhưng không phải du khách, đối tác nước ngoài nào cũng biết ngôn ngữ này, thậm chí nhiều người còn muốn tìm hướng dẫn viên biết nói tiếng nước họ để cùng đồng hành, hợp tác. Do đó, nếu có khả năng, các em nên học thêm ngoại ngữ khác để rộng đường việc làm cho mình sau này. Tuy nhiên, các em cũng không nên quá ôm đồm, chỉ học thêm ngoại ngữ thứ hai, thứ ba khi đã học tốt ngoại ngữ thứ nhất để tránh việc học nhiều mà kết quả chẳng đến đâu”, bà Nguyễn Thị Triều phân tích.

Rộng “cửa” cho khối ngành xã hội

Ở khía cạnh khác, Vũ Hoàng Vân Anh (học lớp 12A2 Trường Trung học Thực hành) băn khoăn: “Em thấy càng ngày càng có ít trường tuyển sinh các ngành khối C. Em băn khoăn không biết có nên tiếp tục chọn khối này để xét tuyển vào ĐH không?”. TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam) cho biết khái niệm khối C (văn – sử – địa) chỉ phổ biến từ năm 2014 trở về trước. “Từ năm 2015, các trường ĐH-CĐ bắt đầu sử dụng tổ hợp bộ môn gồm các môn thi khác với các khối thi truyền thống để xét tuyển. Khối C ngày càng có ít trường xét tuyển là bởi vì các trường đã thay thế bằng các tổ hợp bộ môn như toán – văn – tiếng Anh, hoặc toán – tiếng Anh – khoa học xã hội, hoặc văn – tiếng Anh – khoa học xã hội… Chỉ cần cố gắng thêm ở 1-2 môn học khác, các em sẽ thấy rộng “cửa” xét tuyển cho khối ngành xã hội”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa trao đổi.

Một ngành được khá nhiều học sinh Trường THPT Trần Quang Khải (và các trường THPT khác) quan tâm là kế toán. Đặng Hải Nam (học lớp 12A6) hỏi: “Em thích ngành kế toán nhưng nghe nói ngành này chỉ hợp với các bạn nữ vì yêu cầu phải có sự tính toán tỉ mỉ. Là nam giới như em thì có làm được không?”. Tương tự, một học sinh lớp 12A7 cũng hỏi về những tố chất cần có của ngành kế toán. ThS. Đoàn Thanh Phong (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM) khẳng định: “Ngành kế toán không phân biệt là nam hay nữ, chỉ cần có tố chất, yêu thích thì có thể làm tốt công việc này. Ngành này đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ vì công việc thường xuyên tiếp xúc, thao tác với vô số tài liệu liên quan đến tài chính, giấy tờ nên các em phải cẩn thận trong việc giữ gìn tài liệu cũng như tính toán những con số để đảm bảo được tính chính xác, đầy đủ. Theo tôi, tố chất này thì cả nam và nữ đều có nên cả hai hoàn toàn có thể làm việc trong ngành này. Ngoài ra, các em còn phải có khả năng tính toán tốt, khả năng sắp xếp để hoàn thành đúng tiến độ; có tính trung thực và đặc biệt là phải chịu được áp lực công việc…”.

Ngọc Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)