Dùng điện thoại để dỗ dành con ăn, cho con chơi game để trẻ ngoan, không quậy phá dường như đã trở thành “ưu tiên” mà phụ huynh dành cho con cái kể từ khi dòng điện thoại thông minh (smartphone) ra đời. So với những ngày bận rộn học tập trong năm, tần suất sử dụng smartphone tăng vọt trong những ngày hè là điều đáng lo vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con trẻ.
Trẻ em từ 6 đến 18 tuổi được khuyến cáo sử dụng thiết bị công nghệ dưới 2 giờ mỗi ngày |
Bắt đầu “cuộc chiến” smartphone
Tính đến thời điểm này, hầu hết học sinh các cấp đã được nghỉ hè, cũng là lúc trẻ tha hồ được giải trí với game online trên điện thoại, iPad. Còn nhớ vào tháng 8 mùa hè năm ngoái, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã đưa ra cảnh báo với nhiều trường hợp trẻ nhập viện do mắc hội chứng “TIC” gia tăng đột ngột (trung bình từ 5-7 ca/ngày). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trẻ mê chơi game, smartphone, gây nên các triệu chứng bị co giật cơ mặt, nháy mắt, nhíu mũi, thậm chí nôn ói. Bên cạnh đó, tình trạng “cày game” ngày hè còn là nguyên nhân khiến trẻ bị cận thị vào đầu năm học mới.
Trường hợp của em Đinh Lê Quang Minh (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Bắc Hải, quận 10) là một ví dụ. Các ngày trong năm trung bình Minh chơi điện thoại khoảng trên dưới 3 tiếng mỗi ngày. Riêng ngày hè thì tần suất tăng lên ở mức cao nhất, từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm, kể cả giờ ăn em cũng “vừa ăn vừa ôm máy”. Hậu quả là vào đầu năm lớp 3, Minh nhập học trong tình trạng không nhìn thấy chữ cô giáo viết trên bảng, đồng thời không nhìn thấy đường để viết vào vở. Kết quả thăm khám tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn cho thấy em bị cận thị 2,8 độ. Tình trạng chơi điện thoại với tần suất 10-15 tiếng mỗi ngày lại đang diễn ra trong những ngày qua, từ hôm Minh được nghỉ hè đến nay. Trong những ngày hè, trường hợp của Quang Minh có lẽ không phải là cá biệt, mà hầu hết trẻ con trong các gia đình đều được “quyền” chơi smartphone theo ý thích. Mặc dù các chuyên gia y tế đã cảnh báo nhiều, phụ huynh tuy cũng có la rầy nhưng chẳng thể khắc phục được với nhiều lý do.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Như Huỳnh (Bệnh viện Nhi đồng 1), mặc dù thực tế không có nhiều nghiên cứu về những ảnh hưởng về mặt sức khỏe do trò chơi điện tử gây ra, nhưng những tác động có hại đến sức khỏe trẻ em gây hạn chế các hoạt động thể lực cho trẻ là có thật. Bên cạnh đó, trò chơi điện tử và nguy cơ béo phì cũng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Vì khi trẻ “mắt dán” vào màn hình thì các em thường ngồi ỳ một chỗ, khiến hoạt động thể lý cũng giảm theo, tạo cơ hội cho béo phì phát triển với xác suất lên đến 30%, đó cũng là con số nạn nhân tiểu đường, tim mạch trong tương lai.
Chỉ nên cho trẻ chơi dưới 2 giờ mỗi ngày
Nhằm “trị bệnh nghiện” smartphone của con trẻ, cha mẹ phải là những người làm gương, kiên quyết không đưa điện thoại hoặc các thiết bị công nghệ cho trẻ dưới 2 tuổi; từ 2 tuổi đến 5 tuổi thì giới hạn thời gian chơi máy tối đa là 1 tiếng; từ 6 đến 18 tuổi thì tối đa là 2 tiếng đồng hồ trong một ngày. |
Bác sĩ Phan Phước Thái Bình (Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Mắt KTC Phương Nam) lưu ý, tình trạng trẻ em chơi game liên tục sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Vì màn hình điện thoại rất nhỏ, nên mắt của trẻ phải sử dụng lực điều tiết lớn thì mới có thể nhìn thấy được. Chưa kể các vật thể trong trò chơi luôn vận động liên tục, khiến nhãn cầu mắt cũng phải đảo liên tục làm cho mắt dễ mỏi mệt, dẫn đến suy giảm thị lực. Ngoài ra, trong các thiết bị điện tử đặc biệt là smartphone có ánh sáng xanh, là nguyên nhân gây nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa hoàng điểm, lâu ngày cũng khiến thị lực bị suy giảm. Do đó, nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ, phụ huynh chỉ nên cho con chơi dưới 2 giờ mỗi ngày, với thời lượng chơi 30 phút thì nghỉ ngơi 5-10 phút, đồng thời hướng dẫn trẻ nhìn ra xa để mắt được thư giãn. Trong lúc chơi, trẻ cần để điện thoại cách xa mắt khoảng 30-40cm, nhằm giúp mắt giảm lực điều tiết lại. Sau khi chơi điện thoại xong, không nên cho trẻ xem ti vi hay đọc truyện, mà cần cho mắt của con được nghỉ ngơi và thư giãn hoàn toàn.
Về độ tuổi được sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, bác sĩ Nguyễn Thanh Hương (Trưởng khoa Nội 2, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết, theo khuyến cáo của khoa học, phụ huynh không nên cho trẻ từ 0 đến 2 tuổi sử dụng smartphone, iPad. Vì ở độ tuổi này não của trẻ sẽ phát triển gấp 3 lần về kích thước, nên khi cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh, iPad hoặc các thiết bị công nghệ sẽ làm giảm khả năng chú ý của trẻ, khiến trẻ ngồi ỳ một chỗ, thiếu tập trung vào môi trường xung quanh, không phát triển về những giác quan khác bên ngoài. Do đó, cha mẹ cần có sự tiếp xúc và chơi với con, nhằm giúp não bé phát triển và tăng cường sự gắn kết tình cảm gia đình. Bên cạnh nguy cơ béo phì, kém tập trung, trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng về thần kinh như trầm cảm, giảm phản xạ nhanh nhẹn. Vì vậy, nhằm “trị bệnh nghiện” smartphone của con trẻ, cha mẹ phải là những người làm gương, kiên quyết không đưa điện thoại hoặc các thiết bị công nghệ cho trẻ dưới 2 tuổi; từ 2 tuổi đến 5 tuổi thì giới hạn thời gian chơi máy tối đa là 1 tiếng; từ 6 đến 18 tuổi thì tối đa là 2 tiếng đồng hồ trong một ngày.
Vũ Phương
Bình luận (0)