Tìm việc làm thêm – một trong những cách rèn tính tự lập của SV |
Đã từng làm công tác quản lý sinh viên (SV), chúng tôi thấy một vấn đề khó khăn rõ nhất là không ít SV thiếu tính tự lập trong quá trình học tập. Từ đó, thiếu tự tin trong cuộc sống, khó phát huy được tính tích cực của bản thân dẫn đến lười biếng, kết quả học tập thấp…
Những “cậu ấm” ở giảng đường
Tôi biết tân SV H. (ĐHQG TP.HCM) ở Đồng Nai là con nhà khá giả, cha mẹ làm công chức. Từ nhỏ H. được nuông chiều, chỉ biết lo chuyện học còn mọi chuyện khác là trách nhiệm của gia đình. Ngày vào ĐH, cha mẹ đã thuê hẳn cho H. một phòng trọ hạng sang, sắm máy lạnh, máy giặt, máy tính, điện thoại xịn để làm “hành trang” cho con. Cha mẹ H. suy nghĩ rằng, gia đình có điều kiện thì việc trang bị cho con những đồ dùng đó cũng là chuyện thường, có gia đình còn thuê cả một căn hộ chung cư cho con ở trọ. Hơn nữa, trước khi con thi ĐH, họ đã hứa rằng nếu đỗ cha mẹ sẽ lo cho con chu đáo. Tuy nhiên, H. ngày càng tỏ ra “thụ động, máy móc”, em ít chơi với bạn cùng lớp nên mọi người cũng không thân thiết với H., đôi khi H. còn bị một số bạn bè trong lớp tẩy chay vì là “cậu ấm”.
Còn D. ở Long An (SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cũng là con nhà khá giả, được cha mẹ lo toan từ A đến Z (vì là con gái duy nhất trong nhà), những ngày nghỉ cha mẹ còn bắt xe lên để phục vụ con gái. Cha mẹ D. lúc nào cũng sợ con ốm đau, bệnh tật. Mới học năm nhất nhưng D. tỏ ra rất sành điệu. D. luôn bị bạn bè cho rằng hay “chơi trội”, “chảnh” nên cũng ít được mọi người trong lớp quan tâm, càng ngày D. càng tỏ ra chán ngán với chuyện học, không thân thiết với mọi người.
“Bao bọc quá dễ sinh hư”
Hiện nay có không ít SV như H. và D., vì gia đình quá chiều chuộng mà các em khi bước vào giảng đường ĐH lại mất khả năng tự lập (trong khi tự lập là một phẩm chất cần thiết của mọi SV). Bởi chỉ với khả năng tự lập họ mới có thể tham gia được các mối quan hệ, làm chủ cuộc sống, hòa nhập nhanh với cộng đồng. Một số SV do cha mẹ “bao cấp toàn phần” nên khi bước vào ĐH dễ dẫn đến ăn chơi, hoang phí, thậm chí có những SV còn vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, nhân cách. Nhiều SV sau năm học thứ nhất vẫn còn yếu về các kỹ năng như giao tiếp, làm chủ bản thân, tự giải quyết vấn đề vì các em cho rằng đó là chuyện của “người lớn” có trách nhiệm. Có SV đã học xong ĐH nhưng không biết viết một lá đơn, không biết thuyết trình trước đám đông, không có khả năng tổ chức một hoạt động tập thể… Bởi vậy, nhiều SV ra trường không thể đáp ứng tốt được yêu cầu khi nộp đơn xin việc.
Hiện nay, tình trạng SV trong thời gian học ĐH không phát huy tốt những phẩm chất cần thiết của cá nhân (những phẩm chất này lại chủ yếu được hình thành và phát triển gắn với môi trường đào tạo ĐH), một trong những nguyên nhân chính là cha mẹ quá bao bọc với tâm lý bù đắp cho con, sợ con vất vả… Điều này dẫn đến vô tình cha mẹ hại chính con mình. Đặc biệt, những SV ở kí túc xá nếu như cha mẹ quá nuông chiều sẽ khiến các em dễ bị bạn bè xa lánh, khó hòa nhập với tập thể, dễ để lại những ấn tượng xấu…
SV học năm thứ nhất là những người mới rời ghế nhà trường phổ thông, lứa tuổi đang trưởng thành về mặt xã hội, còn thiếu kinh nghiệm cuộc sống. Nếu cha mẹ chiều chuộng mà không để con tự lập thì sự hình thành và phát triển nhân cách của các em sẽ không thuận lợi, thậm chí dẫn đến lệch lạc. Không “bao bọc” hoặc chiều chuộng quá mức, hãy để cho các em tự khẳng định bằng năng lực bản thân, cha mẹ chỉ nên hỗ trợ về tinh thần và vật chất vừa đủ, từ đó các em mới có thể hòa nhập một cách nhanh chóng.
Các bậc phụ huynh hãy để các em tự trải nghiệm, chỉ qua trải nghiệm mới có bài học, thất bại nhiều khi chính là “mẹ đẻ” của thành công. Tự lập là chìa khóa vàng mở cửa cho cuộc sống ở giảng đường ĐH.
Nguyễn Văn Công (ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)