Theo PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, trong bối cảnh mà người học đang có nhiều lựa chọn học cao học và xu hướng chọn trường dễ thì bản thân các trường cần phải giữ uy tín của chính mình.
Vì sao nhiều người muốn lấy bằng thạc sĩ?
Đào tạo thạc sĩ ngày càng dễ dãi?: Trường lớn cũng phải thoáng!
Trong bối cảnh mà người học đang có nhiều lựa chọn học cao học thì bản thân các trường cần phải giữ uy tín của chính mình. Đào Ngọc Thạch
Ông Hùng cho rằng một mặt là phải thiết kế chương trình đào tạo với thời gian học phù hợp để tạo điều kiện cho người học nhưng mặt khác, các cơ sở đào tạo cần quản lý chương trình, cán bộ giảng dạy để chất lượng bằng thạc sĩ phải có giá trị cao hơn bằng ĐH, không phải là học thạc sĩ mà như học đại học +2.
“Đặc biệt các trường lớn càng cần đảm bảo chất lượng hàng đầu, không phải vì đầu vào khó khăn mà trường buông lỏng chất lượng để có được người học. Nếu làm theo cách đó thì trước sau trường cũng tự đánh mất đi uy tín của mình”, ông Hùng nói.
Nguyên Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng để nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ trong nước cần song hành 2 yếu tố: kinh phí và con người. Theo vị này, kinh phí đầu tư cho việc học hiện đang quá thấp so với các nước trong khu vực, với trung bình 20 – 25 triệu đồng/năm/học viên. “Học phí thấp, chi phí đào tạo thấp là khó khăn cho các trường để có một chất lượng yêu cầu cao”, người này nói.
Còn về con người, nguyên trưởng phòng này cho rằng: “Nhà trường giữ uy tín, thầy cô tốt và người học có mục đích học tập rõ ràng thì tức khắc chất lượng sẽ tốt lên”.
Đặt ra câu hỏi về sự khó khăn của các trường lớn trong tuyển sinh sau ĐH hiện nay, nguyên trưởng phòng này nhìn nhận: “Nếu các trường trả lời được câu hỏi này thì tự bản thân các trường sẽ tuyển sinh được. Thống kê nhiều trường cho thấy số người dự tuyển cao học giảm mạnh nhưng thực tế số lượng đi học sau ĐH ở nước ngoài vẫn lớn. Vậy thì, bên cạnh yếu tố bão hòa trong nhu cầu người học, thì các trường cần hướng tới điều chỉnh sản phẩm đầu ra của mình cho phù hợp hơn trước sự thay đổi kinh tế xã hội”.
Sự điều chỉnh này không nhất thiết là giảm nhẹ đầu vào để thu hút người học, mà có thể là sự chuyển hướng ngành nghề. “Chẳng hạn, cũng đào tạo về kỹ thuật công nghệ nhưng sẽ không phải một chuyên ngành quá hẹp và cũ mà có thể tích hợp theo hướng liên ngành, đáp ứng nhu cầu học tập phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Dù xã hội thay đổi thế nào thì vẫn có những người muốn đi học đàng hoàng, các trường cần có trách nhiệm trong việc giữ chất lượng và uy tín của mình”, vị này nói.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Vũ Thế Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng tư duy xơ cứng của các trường ĐH cũng là nguyên do khiến chương trình đào tạo thạc sĩ kém chất lượng. “Có những chương trình 40 năm, chỉ “mông má” thêm vài môn học”, ông Dũng dẫn chứng.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)