Nên cẩn thận với các loại thuốc đông y giả vì có nhiều hàng giả trà trộn. Ảnh: T.L |
“Hiện nay xu hướng điều trị bằng y học cổ truyền ngày càng tăng vì bệnh nhân sợ các tác dụng phụ của thuốc tây. Nhưng thực trạng cho thấy, thuốc đông y đã không còn được xem là “thần dược” cứu người nữa mà đôi khi lại là “độc dược” gây chết người. Điều đáng buồn là khi nhu cầu khám và chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngày càng tăng cao thì chất lượng dược liệu lại có chiều hướng đi xuống và không đảm bảo độ an toàn cho người sử dụng, trở thành nỗi lo cho người bệnh” – dược sĩ Lê Kim Phụng – nguyên giảng viên Khoa Y học cổ truyền (ĐH Y dược TP.HCM) – khẳng định.
Sở dĩ có tình trạng đáng lo ngại này là bởi trên thị trường hiện nay có quá nhiều thuốc đông y giả mà chỉ những chuyên gia trong ngành mới có thể phân biệt được. Chẳng hạn như hoài sơn được làm từ khoai mì, hà thủ ô được làm từ củ nâu, đỗ trọng làm từ vỏ cao su… Và nguy hiểm hơn, người ta bảo quản thuốc đông y cả giả lẫn thật bằng chất độc. “Điển hình như lưu huỳnh – mùi này làm cho người sử dụng có cảm giác nhức đầu, chóng mặt, sốt, tiêu chảy và ói mửa. Các hiệu thuốc thường đốt lưu huỳnh trong thùng chứa để lấy hơi lưu huỳnh xông lên diệt sâu mọt, nấm mốc và cũng là cho đông dược có thể dẻo, mềm mại, trắng sáng, đẹp hơn. Tuy nhiên, chất này nếu tích lũy nhiều trong cơ thể sẽ gây ung thư. Chì cũng là một “chất độc” được sử dụng để đánh bóng tam thất cho đẹp. Song khi sắc uống thì một lượng lớn sẽ khuếch tán vào trong nước thuốc và có thể gây nhiễm độc. Với trẻ em sẽ bị chậm lớn, trí tuệ kém phát triển; với người lớn thì tăng huyết áp, suy tim. Nguy hiểm hơn, khi lượng chì trong cơ thể lên tới 0,8ppm (phần triệu) sẽ gây ra thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin, phụ nữ dễ sẩy thai. Thủy ngân thường xuyên xuất hiện khi chế biến không đúng cách các dược liệu như chu sa. Thủy ngân làm gẫy nhiễm sắc thể và ngăn cản sự phân chia tế bào gây hiện tượng vô sinh ở nam giới. Và điều đáng nói là theo thống kê của Viện Dược liệu, 30% dược phẩm đang lưu hành chứa nấm mốc. Nấm mốc tiết các độc tố như aflatoxin – độc tố này gây tổn thương gan, ung thư gan. Loại độc tố này không bị diệt ở nhiệt độ cao (160-1700C), do vậy khi sắc thuốc độc tố vẫn còn…”, dược sĩ Lê Kim Phụng cho biết.
Để tránh tiền mất tật mang, thậm chí là mất mạng vì sử dụng thuốc đông y giả, kém chất lượng, dược sĩ Lê Kim Phụng khuyến cáo người dân không nên mua thuốc ở lề đường, những nơi không đảm bảo quy trình bảo quản. Và đặc biệt, không mua thuốc có vẻ bên ngoài đẹp, bóng, trắng… khác thường. Đồng thời, khi dùng đông dược phải theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn, không sử dụng tùy tiện, tránh trường hợp nghe tin đồn từ người khác mà đem áp dụng lên bản thân mình vì cơ địa mỗi người mỗi khác. Trên thực tế có không ít trường hợp nhập viện và cấp cứu là do việc sử dụng sai tác dụng và công dụng của thuốc đông y…
Kim Anh
Bình luận (0)