Mô hình THPT kỹ thuật mới được Bộ GD – ĐT chọn thí điểm tại một số địa phương. Đến nay, chương trình có nhiều thành công đáng ghi nhận nhưng cũng không ít điều cần tính toán lại. Đây là mô hình kết hợp vừa dạy phổ thông với dạy kỹ thuật nghề
Loại hình trường này có vị trí tồn tại song song với loại hình THPT phân ban. Học sinh tốt nghiệp THCS được phân luồng lên THPT phân ban, THPT kỹ thuật hoặc đi vào các trường trung cấp hay dạy nghề. Hướng đi tiếp theo của trường THPT kỹ thuật là có thể học lên các trường ĐH, CĐ kỹ thuật cùng với nghề mà học sinh đã học hoặc thi vào các trường ĐH, CĐ khác.
Trong dự án thí điểm mô hình này có xác định: về tính chất, loại trường này được xác định là phổ thông, cơ bản, kỹ thuật và chuẩn bị nghề. Về mục tiêu, loại trường này cũng được dự án nêu rõ: nhằm giáo dục cho học sinh vừa có trình độ kiến thức THPT để có thể học ĐH hoặc cao hơn nữa, vừa có trình độ kỹ năng nghề nghiệp cơ bản để đi vào các ngành nghề trong cuộc sống lao động, góp phần phân luồng học sinh sau THCS.
Do đó, nếu xây dựng thành công mô hình này sẽ là điều kiện tốt để phát triển nguồn lực có tay nghề cho địa phương trong tương lai. Thực tế trong ba năm học vừa qua, trường THPT kỹ thuật đã góp phần rất lớn trong việc phân luồng học sinh lớp 9 sau khi tốt nghiệp THCS và định hướng nghề cho học sinh trong tương lai ở một số địa phương.
Tuy nhiên, nhiều trường thí điểm mô hình này lại bị chắp vá không thể chấp nhận được. Chẳng hạn, Trường THPT kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng (TP Cần Thơ) do thiếu giáo viên dạy kỹ thuật phải tạm thời đưa giáo viên dạy văn hóa gần với các môn nghề đi tập huấn dạy nghề về dạy cho học sinh.
Từ năm học 2005-2006 bắt đầu thí điểm đến nay, Trường THPT kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng chỉ nhận được một giáo viên môn kỹ thuật nghề điện tử dân dụng. Mặt khác, về cơ sở vật chất, một số trường chưa có cơ sở riêng đúng quy cách. Trong hai trường THPT kỹ thuật thí điểm ở miền Nam thì Đồng Tháp đã xây xong, còn Cần Thơ phải nhập chung với trường THCS. Một số trường vẫn còn thiếu phòng để dạy thực hành các môn kỹ thuật nghề riêng biệt, cũng chưa có vườn trường, xưởng trường… nên các tiết thực hành chưa được dạy chính quy.
Một điểm đáng lưu ý nữa là các trường đã nhận được văn bản quy định về văn bằng nghề nhưng chỉ là chứng nhận hoàn thành chương trình nghề phổ thông kỹ thuật, tương đương với chứng nhận nghề phổ thông. Học ba năm liên tục với rất nhiều tiết lý thuyết và thực hành nhưng chỉ có giá trị cộng điểm thêm cho thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, hầu hết mục tiêu đào tạo của các trường vẫn là đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản để các em thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong thời gian tới, nếu không được quan tâm đúng mức, khắc phục những hạn chế về nhân lực, cơ sở vật chất cũng như đầu ra thì việc thí điểm THPT kỹ thuật sẽ chỉ nhận được kết quả là một sự lãng phí lớn.
ĐĂNG AN (TTO)
Bình luận (0)