Tòa soạnThư đi – tin lại

Đừng để thông tư 30 chật vật tồn tại

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 30 về hướng dẫn chấm điểm, đánh giá học sinh (HS) tiểu học. Điểm quan trọng nhất của thông tư này đó là thay điểm số hàng ngày bằng nhận xét của giáo viên (GV). Mục đích được Bộ GD-ĐT đưa ra đó là giảm áp lực cho HS và phụ huynh về điểm số, giảm tình trạng học thêm, dạy thêm. Tuy nhiên, thực hiện một quy định mới khi chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện đã khiến dư luận cũng như GV không khỏi ngỡ ngàng, gặp rất nhiều khó khăn.
Bỏ chấm điểm, thay vào đó GV sẽ phải tương tác nhiều hơn với HS bằng lời, bằng nhận xét. Nhưng với lớp học 40-50 HS ở các thành phố lớn, GV khó có thể làm tốt được việc này. Chính vì vậy, những ngày đầu thực hiện thông tư 30, nhiều GV đã nghĩ ra cách sử dụng các “con dấu” khắc gỗ để “cộp” luôn vào vở HS cho nhanh. Cách làm này không ổn, vấp phải sự phản ứng của phụ huynh, của các cấp lãnh đạo, GV lại phải bỏ các “con dấu”.
Gánh nặng sổ sách một lần nữa được đưa ra khi bộ yêu cầu áp dụng thông tư 30. Sở dĩ nó được nhắc lại vì vốn dĩ GV ngoài chuyên môn bài vở còn phải viết lách rất nhiều các loại sổ sách. Thông tư 30 không phải làm nặng gánh thêm tình trạng sổ sách cho GV nhưng là cộng thêm việc nữa cho GV. Một hiệu trưởng của trường tiểu học Hà Nội cho biết, so sánh hai cuốn sổ học bạ cũ và mới của HS tiểu học sẽ thấy ngay vấn đề bất hợp lý khi thực hiện thông tư 30. Thứ nhất, học bạ của HS sau 5 năm HS mới được mang về nhà và xem nó hình thù thế nào. Ở học bạ cũ, GV chỉ cần cho điểm và ghi chú thêm đạt hay không đạt. Nhưng ở học bạ mới, thay vì điểm, GV sẽ phải nhận xét rất cụ thể. Theo vị hiệu trưởng này thì đây là công việc không cần thiết vì HS có được đọc học bạ đâu mà biết mình thế nào, kể cả phụ huynh cũng không được đọc học bạ của con cho đến khi chuyển cấp. Thế thì vì cớ gì mà thêm công việc cho GV. Thứ hai, nếu như GV chủ nhiệm chỉ cần phải viết khoảng 40-50 cuốn sổ học bạ cho HS ở lớp mình thì GV dạy môn chuyên biệt, con số này sẽ lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn. Bởi họ dạy bao nhiêu HS sẽ phải viết bằng đấy môn. Chính vì hai lý do trên nên GV kêu. Họ không kêu sao được khi cuối học kỳ, cuối năm, ngoài đống sổ sách bắt buộc, trước mặt họ còn cả một núi học bạ của HS cần phải nhận xét tỉ mẩn. Làm sao để những GV chuyên biệt nhớ được hết tất cả từng HS mình dạy để nhận xét mà không mắc phải tình trạng nhận xét na ná nhau? Trong khi đó, GV chủ nhiệm còn cộng thêm sổ liên lạc. Họ cũng lại phải viết những gì đã được viết trong sổ học bạ. Nhiều GV đã than trời với đống sổ sách giấy tờ mà họ phải hoàn thành trong một năm khi thực hiện thông tư 30.
Ở vùng thuận lợi, việc tương tác giữa GV và phụ huynh thông qua sổ liên lạc là hoàn toàn dễ dàng. Nhưng ở miền núi, điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được. Ông Nguyễn Văn Đồng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết: Khi thực hiện thông tư 30, phụ huynh ở các dân tộc thiểu số nói tiếng Kinh còn chưa sõi thì họ làm sao đọc được chữ, đọc được nhận xét của cô mà phản hồi? Chính vì vậy, thông tư 30 ở các nơi như Mù Cang Chải là công việc riêng của nhà trường.
Còn PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT DL Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng đây là một quy định không sát với thực tế. Theo PGS. Văn Như Cương, từ bao đời nay, đối với người Việt Nam, đi học là phải có điểm. Điểm không phải để phụ huynh biết sức học của con em mình đến đâu mà là để rèn luyện ý chí vươn lên của một đứa trẻ. Đó là một nhu cầu lành mạnh. PGS. Văn Như Cương khẳng định đó là một quy định được ban ra khi chưa có sự chuẩn bị của thực tế.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng thông tư 30 là  một sự tiến bộ của ngành giáo dục. Nhưng một quy định đúng, một thông tư hay, nếu không được sự chuẩn bị chu đáo về điều kiện thực hiện, có thể nó sẽ bị chết yểu hoặc sẽ phải chật vật để tồn tại. Có lẽ, trước khi thông tư 30 đi vào thực tế, Bộ GD-ĐT cần giảm các loại sổ sách cũng như giảm sĩ số lớp cho GV.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)