Tòa soạnThư đi – tin lại

Đừng để thủ thư vừa “ra trận” vừa “nấu ăn”

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh đọc sách, truyện ở thư viện

Công việc của một thủ thư tương đồng như một giáo viên chủ nhiệm lớp. Công việc hàng ngày của thủ thư phải hoàn thành hàng loạt sổ sách, tiếp xúc với học sinh, xử lý kỹ thuật thật nhanh những quyển sách để kịp đưa vào phục vụ. Thế nhưng, chúng tôi vẫn bị cho là chưa đủ tiêu chuẩn để hưởng phụ cấp ưu đãi như một giáo viên mà phải dạy thêm từ bốn đến sáu tiết/ tuần mới gọi là đủ chuẩn.
Chúng tôi phải làm việc như giáo viên chủ nhiệm (dù chúng tôi không hề được nghỉ những giờ: mỹ thuật, âm nhạc, thể dục). Chúng tôi phải quét dọn thư viện với cơ man nào là bụi bặm, làm bản báo cáo mà đôi khi phải tìm lại tư liệu lưu trữ từ 4 đến 5 năm. Khi tôi đứng lớp thì bắt buộc phải soạn giáo án. Nếu có những bản báo cáo, các buổi họp, những quyển sách mới về hàng loạt… phải làm thế nào cho vẹn cả đôi đường?
Nếu có một câu hỏi trắc nghiệm, hỏi những người giáo viên đang đứng lớp: “Các bạn có muốn vừa làm thủ thư và phải dạy bốn hay sáu tiết/ tuần không?” tôi chắc rằng không ai muốn nhận công việc này vì đơn giản công việc quá vất vả, nhiều thiệt thòi.
Cầm quyển sách Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện trường phổ thông  mà tôi không khỏi ngậm ngùi. Người cán bộ thư viện chúng tôi chỉ có nghĩa vụ là… “phải hết lòng vì học sinh thân yêu”, “phải toàn tâm toàn ý với công tác”, “phải tích cực đổi mới học hỏi kinh nghiệm không ngừng”, phải “chuyên cần để hoàn thành trách nhiệm của người cán bộ thư viện”… Thế nhưng, tìm mỏi mắt tôi vẫn không thấy nội dung nào nói về quyền lợi của người cán bộ thư viện. Văn bản của Bộ GD-ĐT cũng rất nhiều nhưng vẫn vậy. Phải chăng những người giáo viên làm công tác thư viện được cho là quá nhàn hạ, nên bắt buộc chúng tôi phải dạy từ bốn đến sáu tiết/ tuần mới được hưởng chế độ như giáo viên.
Công tác của một thủ thư có đơn giản hay không? Các hoạt động của chúng tôi có thua một giáo viên chủ nhiệm hay không? Các loại sổ sách mà chúng tôi phải hoàn thành có ít hơn một giáo viên chủ nhiệm không?
Chúng tôi thường nghe, thấy những khẩu hiệu “Chắc chắn vị trí công tác của cán bộ thư viện trường học càng được nâng cao” và “được quan tâm đầy đủ”. Đừng yêu cầu chúng tôi phải “quyết tâm cao” và sáng tạo trong công việc của mình khi mà chế độ dành cho chúng tôi chưa có bất kỳ một sự đổi mới nào. Hãy cho chúng tôi thấy được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với đội ngũ thủ thư – những người yêu sách và nặng nợ cùng sách.
Tôi mong các cấp lãnh đạo hãy xem xét lại chế độ dành cho bộ phận thư viện, thiết bị. Chúng tôi cũng là một giáo viên, mong được đứng ở vị trí của mình, yên tâm làm việc để thư viện mãi là “hậu phương” vững chắc cho giáo viên khi lên lớp. Đừng biến chúng tôi thành kẻ “phi thường” vừa “ra trận” vừa làm “anh nuôi”. Vì như vậy chúng tôi “đánh trận” không hay mà “nấu nướng” cũng không ngon.
Quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông được ban hành kèm theo Quyết định số 1/2003/QĐ/BGD-ĐT, chương V, điều 90 có ghi: “Nếu là giáo viên kiêm nhiệm làm công tác thư viện thì phải được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về thư viện trường học, được hưởng lương và các tiêu chuẩn khác như giáo viên đứng lớp”. Câu này được các cấp lãnh đạo cơ sở hiểu là: giáo viên làm thư viện thì không được hưởng phụ cấp ưu đãi của giáo viên đứng lớp.
 
Nguyễn Thị Thùy Trang
(Ấp 4A, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM)

Bình luận (0)