Thành phố Hà Nội đang nỗ lực hạn chế việc nói tục, kể cả bằng việc đề ra quy định xử phạt hành chính. Nỗ lực này rất đáng hoan nghênh, bởi với câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, từ lâu đã khẳng định nét thanh lịch, văn hóa của người thủ đô.
Câu chuyện ở Hà Nội cũng là câu chuyện chung của các địa phương khác, bởi không ai chắc rằng người dân địa phương mình không có hiện tượng tương tự. Do đó, cần quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn hóa, văn minh, nhất là đối với trẻ em.
1. Nói tục, chửi tục… tuy có khác nhau về tính chất ứng xử nhưng cùng đều là phát ra những ngôn từ không hay, dung tục, ít nhiều có ý xúc phạm đến người khác. Chửi tục (chửi thề) là dùng lời lẽ thô tục để nói nặng với ai đó (cụ thể hoặc không cụ thể), có thể nhằm xúc phạm, hạ nhục một đối tượng nào đó; còn nói tục là phát ngôn ra lời thô tục mà không nhất thiết nhằm vào ai, có khi buột miệng thốt ra, hoặc dùng những tiếng đệm không hay trong giao tiếp, ứng xử. Thông thường, đó là nói, sử dụng những câu, từ liên quan đến giới tính, hành vi tính dục, cơ quan sinh dục hoặc chỉ người trên trước (cha mẹ, ông bà…). Nói tục và chửi tục hay đi liền với nhau, người đã quen nói tục thì hay dễ chửi tục. Nếu chỉ nói tục thì dễ bị người ta đánh giá về phẩm cách nhưng nếu chửi tục thì dễ làm xúc phạm người khác, từ đó có thể dẫn đến những hậu quả không tốt.
Ở trường học, thầy cô cần chú ý đến việc nói năng của trẻ, khi thấy trẻ nói điều chưa hay, cần điều chỉnh ngay. Ảnh: N.Trinh |
2. Nói tục thường được gắn với một thói quen không thực sự lành mạnh hoặc gắn với một không gian, một môi trường sống khá xô bồ. Chẳng hạn, người ta hay nhìn vào những người nói tục, nhất là các bạn trẻ, là thành phần thiếu đứng đắn, thậm chí còn coi là “mất dạy”. Thực chất, nói tục không phải lúc nào cũng phản ánh đúng tư cách của một người nhưng đó là một biểu hiện cho thấy nếu bản thân không kiềm chế, điều chỉnh thì dễ khiến bị nhìn thiếu thiện cảm, sai lệch của người khác.
Danh ngôn có câu: Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận. Nói tục cũng có thể trở thành một thói quen mà trong hầu hết các trường hợp là một thói quen không tốt. Nếu đã có một thói quen không tốt thì dễ dẫn đến có một tính cách không thực sự tích cực. Do đó, để một người khi trưởng thành có một tính cách tích cực thì người đó khi còn là một đứa trẻ phải được giáo dục, uốn nắn phù hợp để tránh những thói quen không tốt. Nói tục là một thói quen như vậy.
Để một người khi trưởng thành có một tính cách tích cực thì người đó khi còn là một đứa trẻ phải được giáo dục, uốn nắn phù hợp để tránh những thói quen không tốt. |
3. Thông thường, trong gia đình hầu như trẻ nào cũng được dạy là không nói tục. Tuy nhiên, nói tục dễ được bắt chước, bởi một số người thấy rằng nó “hay hay”, lại có vẻ thể hiện sự “cứng cỏi”, “mạnh mẽ”, thậm chí là “bản lĩnh”; trong nhiều trường hợp nói tục là một biểu hiện “ta đây”, hoặc để phù hợp cách nói năng của một nhóm bạn nào đó. Do đó, trẻ có thể bắt chước ở bạn bè, ở hàng xóm, thậm chí ở cả cha mẹ (dù không nói trực tiếp với trẻ). Một đứa trẻ ngô nghê phát ra những lời tục tĩu có khi chưa hiểu hết ý nghĩa của những từ đó nhưng nếu không được uốn nắn, sửa chữa thì có thể trở thành một thói quen thực sự. Vì vậy, cần có sự làm gương tích cực của cha mẹ, đồng thời phải chú ý đến môi trường sống lành mạnh cho trẻ.
Ở nhà trường, thầy cô cũng cần phải chú ý việc nói năng của trẻ, kể cả lúc không ở trên lớp. Nghe trẻ nói lời nào chưa hay, không nhất thiết là nói tục, thì phải điều chỉnh ngay; trường hợp tái phạm phải có hình thức xử lý nghiêm. Bản thân giáo viên và các nhân viên trong trường (bảo vệ, bảo mẫu, giám thị…) cũng phải hết sức lưu ý việc phát ngôn, dùng từ, ứng xử bởi nếu người trong nhà trường không làm gương thì việc dạy trẻ sẽ khó đạt kết quả tích cực…
4. Hạn chế việc nói tục của trẻ chủ yếu bằng giáo dục, tuyên truyền, làm gương…, phải thực hiện một cách kiên trì, liên tục. Ngay từ mẫu giáo, hầu như em nào cũng được dạy bài thơ Cô dạy, trong đó có câu: “Cái miệng nó xinh thế/ Chỉ nói điều hay thôi”, thì điều này phải được nhắc lại thường xuyên ở bậc tiểu học, trung học. Những học sinh được dạy nói điều hay lẽ phải, được dạy có nhận thức đúng đắn về điều hay lẽ phải chắc chắn sẽ có tiền đề tích cực để làm được những điều hay lẽ phải!
Trúc Giang
LTS: Qua bài viết này, Giáo dục TP.HCM sẽ mở diễn đàn với tên gọi “Nói tục, không phải là chuyện nhỏ”. Chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của bạn đọc về vấn đề này. Các ý kiến xin gửi về địa chỉ: Báo Giáo dục TP.HCM, số 300 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, TP.HCM hoặc email: tantruc_tg@yahoo.com. |
Bình luận (0)