Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Đừng đi du học với túi tiền hẹp

Tạp Chí Giáo Dục

Úc được coi là thiên đường mơ ước của nhiều bạn trẻ ấp ủ ý định du học. Tuy nhiên, thiên đường này sẽ hóa thành địa ngục với những cơn ác mộng triền miên dành cho những ai không có nguồn tài chính ổn định và mục tiêu rõ ràng.

Làm thêm: Mức độ cạnh tranh cao

Vừa đi học, vừa làm thêm dường như đã trở thành phương thức được nhiều bạn trẻ vạch ra khi ấp ủ ý định du học Úc. Đây cũng là lý do để thuyết phục phụ huynh đối với những đối tượng không có nguồn tài chính dồi dào. Nhiều bạn trẻ thậm chí còn “vẽ” ra một hành trình du học rất thuận lợi rằng gia đình chỉ cần chu cấp giai đoạn đầu, chuyện sau đó các bạn sẽ tự lo liệu. Thậm chí nếu chịu khó có thể gửi tiền về cho gia đình trả nợ vì tiền Úc khi quy đổi ra tiền Việt có giá trị khá cao, chỉ 1-2 năm là… lấy lại vốn.

Để sang Úc du học theo diện tự túc, ngoài khoản tiền chứng minh thu nhập, tiền làm visa, vé máy bay…, những bạn dù không thi được IELTS chỉ cần đăng ký học ĐH, đóng một nửa tiền khóa học tiếng Anh (khoảng 260 triệu đồng) cùng khoản tiền 100 triệu đồng “dằn túi” là có thể… xách ba lô lên và đi.

Học sinh tìm hiểu thông tin du học tại một ngày hội

Tuy nhiên, đây là một kế hoạch mạo hiểm, tốn kém và không có hiệu quả vì thực tế không huy hoàng và dễ dàng như các bạn tưởng. Dương Anh, sinh viên ĐH Carnegie Mellon, cho biết tìm việc làm thêm ở Úc không hề dễ do số lượng sinh viên quốc tế tại đây rất đông và ai cũng có nhu cầu tìm việc làm thêm. Đó là chưa kể đến việc Chính phủ Úc còn cấp thị thực cho sinh viên các nước khác theo diện working holiday (làm việc trong kỳ nghỉ) nên mức độ cạnh tranh công việc trong các kỳ nghỉ rất cao. “Khả năng tiếng Anh của người Việt Nam rất hạn chế nên đa phần các bạn đều chọn những công việc lao động chân tay như phục vụ bàn, làm nhân viên bán hàng, dán tấm cách nhiệt, làm việc tại các nông trại… với thù lao 10-12 AUD/giờ, thậm chí vào các kỳ nghỉ chỉ còn 7 AUD/giờ do mức độ cạnh tranh nhân công cao”, Dương Anh chia sẻ.

Trắng tay… quay về

Để có thể đủ trả tiền ăn, tiền thuê nhà và các khoản sinh hoạt khác, nhiều du học sinh Việt Nam phải làm thêm cật lực hai công việc cùng lúc khiến họ không còn thời gian, sức lực và tâm trí ngó ngàng vào bài vở. Dù ở Úc có quy định sinh viên quốc tế chỉ được làm thêm 20 giờ/tuần nhưng rất nhiều sinh viên Việt Nam buộc phải làm “chui” từ 30 đến 40 giờ/tuần. “Sinh viên quốc tế nếu làm chui quá thời gian quy định sẽ bị trục xuất về nước. Năm ngoái đã có hơn 11.000 visa của sinh viên bị hủy vì lý do này. Dù không có thống kê cụ thể nhưng Việt Nam cũng có nhiều sinh viên bị trục xuất theo diện này”, Nick Dương, sinh viên ĐH Melbourne, chia sẻ. Và cho dù không bị trục xuất về nước, nhiều du học sinh sau một thời gian học và làm việc tại Úc cũng đành chấp nhận trắng tay quay về vì quá mệt mỏi. “Không khó để bắt gặp cảnh những sinh viên quốc tế mệt mỏi, nằm ngủ gục trên lớp sau những ca làm thêm liên tiếp. Một ngày làm thêm 10 tiếng, các bạn gần như không còn thời gian, sức lực và tâm trí ngồi nghe các bài giảng trên lớp. Không có thời gian học bài, thi rớt, các bạn phải đóng tiền học lại, lại phải tiếp tục kiếm tiền để bù vào khoản tiền học đã đóng, vòng luẩn quẩn tiếp tục diễn ra. Ở Melbourne có hội du học sinh Việt Nam, nhưng mỗi lần họp mặt lại nghe thông tin một vài bạn không chịu nổi áp lực về tiền bạc nên phải khăn gói quay về nước, mất trắng một khoản tiền và thời gian đầu tư cho du học. Đó là chưa kể một số người, mục đích ban đầu sang đây là học để lấy bằng tiến sĩ, thạc sĩ nhưng sau một thời gian vừa học vừa làm thêm buộc phải… “hạ bằng”, thậm chí có người chỉ lấy được chứng chỉ tham gia khóa học sau ĐH do không đủ điều kiện cấp bằng”, Nick Dương cho biết.

Bên cạnh đó, dù số tiền làm thêm kiếm được rất bèo bọt nhưng khi đổi ra tiền Việt vẫn có giá trị cao nên nhiều bạn trẻ đã bỏ luôn việc học hành và chỉ đi làm việc để kiếm tiền, quên mất mục đích ban đầu là đi du học. “Dưới áp lực của đồng tiền, các bạn này thường phải chấp nhận làm những công việc vất vả, bị chủ miệt thị, đối xử tệ và luôn phải nơm nớp lo sợ chính quyền nắm thóp. Theo tôi, nếu không có tài chính và nghị lực vững vàng, các bạn trẻ không nên chọn du học tại Úc. Nếu cứ quấn vào vòng xoáy kiếm tiền và làm việc, các bạn sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội và triển vọng cho tương lai của chính mình”, Nick Dương khuyên.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nếu không có tài chính và nghị lực vững vàng, các bạn trẻ không nên chọn du học tại Úc. Nếu cứ quấn vào vòng xoáy kiếm tiền và làm việc, các bạn sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội và triển vọng cho tương lai của chính mình.

 

Bình luận (0)