Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đủng đỉnh chờ điều chỉnh dự án bãi để xe ngầm

Tạp Chí Giáo Dục

Dự án đường Nguyễn Huệ sắp đưa vào sử dụng – đây là phố đi bộ nên nhu cầu gửi xe rất cao, thế nhưng hiện nay ở khu vực trên chưa có bãi giữ xe nào chính thức ngoài các khách sạn hoặc các bãi giữ xe tạm. Trong khi đó, hàng loạt dự án bãi đậu xe ngầm đã được cấp phép nhưng vẫn án binh bất động.

Bãi để xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám khởi công từ 2010 đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng

Chờ thủ tục
Năm 2005, UBND TPHCM xác định 9 địa điểm tại khu vực trung tâm TP để xây dựng bãi đậu xe ngầm, gồm Công trường Lam Sơn, Công viên Chi Lăng, Công viên Bách Tùng Diệp, Công viên Lê Văn Tám, sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá Tao Đàn, Công viên Bạch Đằng, đường Nguyễn Huệ và số 116 Nguyễn Du.
Với hàng loạt dự án bãi đậu xe ngầm trên, TP kỳ vọng sẽ giải quyết chỗ đậu cho xe gắn máy và ô tô ở khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tháng 7-2010, các dự án bãi đậu xe tại Công viên Bách Tùng Diệp, công trường Lam Sơn, đường Nguyễn Huệ ngưng triển khai. Còn các dự án tại sân vận động Hoa Lư, Công viên Tao Đàn, Công viên Lê Văn Tám tiếp tục triển khai. Dự án tại 116 Nguyễn Du được chuyển về sân khấu Trống Đồng. Điều đáng nói là đến nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai thi công.
Dự án “Xây dựng tầng ngầm bãi đậu xe, dịch vụ thương mại” tại Công viên Lê Văn Tám, quận 1, TPHCM động thổ từ tháng 8-2010, đến nay vẫn án binh bất động. Ông Lê Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS, chủ đầu tư) bức xúc nói: Làm được hay không phụ thuộc vào các sở ngành. Hơn 4 năm qua, dự án chưa thể thi công do thiết kế phòng cháy chữa cháy (PCCC) phải chỉnh sửa, cập nhật nhiều lần, dẫn đến thiết kế cơ sở cũng phải điều chỉnh. Hiện các vướng mắc về PCCC đã được tháo gỡ, nhưng khi nào thi công còn phải chờ các sở ngành điều chỉnh giấy phép đầu tư, xây dựng, chờ di dời tượng đài Lê Văn Tám. Tổng vốn đầu tư ban đầu trên 100 triệu USD nhưng do kéo dài nhiều năm nên số vốn đầu tư giờ đã tăng gấp đôi!
Với dự án bãi đậu xe ngầm công cộng kết hợp thương mại dịch vụ sân khấu Trống Đồng, Bộ Xây dựng xác định đây là công trình có chức năng kinh doanh hỗn hợp (3 tầng nổi và 9 tầng hầm kết hợp bãi đậu xe ngầm và thương mại). Nhưng vì số tầng hầm lớn hơn số tầng nổi – chưa có trong danh mục suất vốn đầu tư công trình được công bố; chỉ giới xây dựng phần tầng hầm lớn hơn chỉ giới xây dựng phần nổi, nên không thể vận dụng hệ số điều chỉnh suất vốn đầu tư như thông thường… Vì vậy phải qua “năm lần bảy lượt” gửi văn bản qua lại, các bên mới thống nhất được tổng mức đầu tư của dự án.Việc thiếu các quy định hoặc quy định giữa các sở ngành chồng chéo cũng đẩy chủ đầu tư vào thế khó. Để xác định đơn giá thuê đất dự án bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng, Sở Tài chính yêu cầu chủ đầu tư trình hồ sơ thiết kế do Sở Xây dựng thẩm định. Nhưng để xác định thiết kế cơ sở của dự án này, Sở Xây dựng yêu cầu phải có hợp đồng thuê đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Loay hoay trong vòng lẩn quẩn khiến hồ sơ của các dự án bãi đậu xe ngầm bị đẩy qua đẩy lại ngay tại các cơ quan chức năng.
Rút lui
Mới đây, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) xin rút dự án bãi đậu xe ngầm sân vận động, công viên Tao Đàn, quận 1, vì phương án đầu tư khó thu hồi vốn. Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (Indochina Group) cũng xin rút dự án tại sân vận động Hoa Lư với lý do tương tự. Dự án bãi đậu xe ngầm tại sân vận động Hoa Lư thiết kế ban đầu gồm 5 tầng có sức chứa 1.500 ô tô, 500 xe máy với số vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng.
Ngay sau khi Indochina Group trả lại dự án này, Tập đoàn Vingroup đã có văn bản đề xuất UBND TP cho thực hiện dự án theo hình thức BOO (đầu tư – kinh doanh – sở hữu) bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Theo đó, Vingroup sẽ lập dự án đầu tư bãi giữ xe này trong 6 tháng làm cơ sở để UBND TP quyết định các bước tiếp theo.
Tại những cuộc họp về bãi để xe ngầm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã nhiều lần yêu cầu Sở GTVT, các đơn vị liên quan, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ, sớm khởi công xây dựng dự án. Đối với các dự án trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư thì nghiên cứu loại hình đầu tư phù hợp như PPP, BT, BOT… “Để thu hút được nhà đầu tư phải có chính sách để nhà đầu tư có lãi, nhanh thu hồi vốn. Vì vậy, các sở, ngành phải bàn bạc và đề xuất chính sách ưu đãi, nhất là yếu tố tiền sử dụng đất, giá vé, lãi suất… trình lãnh đạo thành phố và Chính phủ xem xét các khung chính sách…” – Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín nói. Đáng tiếc là dù lãnh đạo TP đã nhiều lần chỉ đạo, nhưng hồ sơ các dự án vẫn tiếp tục nằm “chờ” tại các sở, ngành chuyên môn.

QUỐC HÙNG

(SGGP) 

Bình luận (0)