Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng đổ lỗi cho sữa mẹ

Tạp Chí Giáo Dục

Tự ý cai sữa mẹ vì cho rằng đó là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý, người mẹ đã vô tình làm trẻ mất đi “liều thuốc” tự nhiên và hiệu quả để trẻ chống lại bệnh tật

Thấy đã 3 tuần sau sinh mà con vẫn còn bị vàng da, chị N.T.H.N (29 tuổi) vội lên mạng tìm hiểu và đọc được một vài lời chia sẻ trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, nói về hiện tượng vàng da do sữa mẹ. Lo lắng, chị vội vàng cai sữa mẹ cho con, thay bằng sữa công thức nhưng mấy ngày sau, da bé vẫn vàng, thậm chí còn lan rộng hơn về phía thân dưới, chị mới vội đưa con đến bệnh viện khám. Kết quả cho thấy quả thật bé bị vàng da bệnh lý nhưng sữa mẹ lại chẳng phải là nguyên nhân trong trường hợp này. Tuy nhiên, đến lúc này thì chị N. chẳng thể cho con bú mẹ lại được nữa, bởi sau hơn 1 tuần cai sữa, chị đã bị mất sữa hẳn.
Sữa mẹ là sữa “lành” nhất
Theo PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Chu sinh – Sơ sinh TP HCM, cũng có trường hợp vàng da do sữa mẹ khi trong sữa có men 3a, 20b – pregnandioll; có các acid béo chuỗi dài không ester hóa; có tăng hoạt động của lipo protein lipase làm tăng acid béo… Các chất này gây ức chế cạnh tranh với tác dụng kết hợp của men glucuronyl transferaze gây chậm chuyển hóa bilirubin. Vàng da do sữa mẹ hiếm gặp và thường không gây biến chứng vàng da nhiễm độc thần kinh nếu không có các yếu tố phối hợp khác. Vàng da do sữa mẹ có thể được xử lý và trẻ vẫn tiếp tục được bú mẹ kèm theo dõi sức khỏe, chỉ cần người mẹ lưu ý cho trẻ bú đủ và biết cách đánh giá trẻ để đưa đi khám, nếu cần.
 
Sữa mẹ luôn là loại sữa “lành” nhất
BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, cho biết trẻ trong giai đoạn đầu đời thường gặp một số bệnh lý như rối loạn tiêu hóa, vàng da, dị ứng, sụt cân, nhiễm trùng… do còn thiếu sức đề kháng chống lại các bệnh lý thông thường. Nhiều trường hợp phụ huynh tự ý cai sữa cho trẻ vì nghĩ rằng trẻ bị dị ứng… sữa mẹ, bị rối loạn tiêu hóa do sữa mẹ không tốt, bị vàng da do sữa mẹ. Nhưng đó là hành động sai lầm. Các bệnh lý đó thường do những tác nhân khác, sữa mẹ không chỉ là loại sữa “lành” nhất cho cơ thể trẻ mà còn là một liều thuốc tự nhiên giúp trẻ chống lại chính các căn bệnh trên. “Ví dụ như ở trẻ bị vàng da bệnh lý, cho dù có phải vào viện điều trị thì BS cũng khuyến cáo phải duy trì sữa mẹ vì sữa mẹ sẽ giúp quá trình điều trị có hiệu quả hơn, em bé khỏe mạnh và dễ dàng vượt qua căn bệnh hơn. Còn ở trẻ bị sụt cân sinh lý trong những ngày đầu đời, bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ giúp em bé mau chóng phục hồi cân nặng hơn” – ông nhấn mạnh.
Đổi sữa, thêm bệnh
Theo BS chuyên khoa II Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, rất hiếm gặp những trường hợp cơ thể bé có những phản ứng đối với sữa mẹ, dẫn đến tình trạng ói, tiêu chảy, lác sữa…; dù có gặp cũng rất dễ dàng điều trị khỏi hẳn trong thời gian ngắn và chắc chắn không cần cai sữa mẹ. “Đôi khi vội vàng đổi sữa, thay thế sữa mẹ bằng sữa công thức, lại làm bệnh lý nặng thêm. Ví dụ, trẻ nhỏ vẫn hay gặp rối loạn tiêu hóa khi thay đổi thức ăn, loại sữa do dạ dày còn ở tư thế bất toàn, nay đang bị rối loạn tiêu hóa mà còn đổi sang sữa công thức thì bệnh dễ kéo dài” – ông Nghiêm cảnh báo.
BS Nghiêm cũng khuyên các bà mẹ nên lưu ý tình huống trẻ có các dấu hiệu giống như bị dị ứng nhưng thật ra là do vấn đề vệ sinh chưa kỹ lưỡng như mẹ quên cho con nhấp thêm chút nước hoặc lau miệng nhẹ cho bé sau khi bú khiến sữa còn đọng lại, mẹ quên vệ sinh bầu vú sau khi cho bé bú… “Nhiều phụ nữ khi ở cữ thường kiêng tắm nhưng thực ra không cần kiêng như thế. Do phải chăm sóc em bé nên việc vệ sinh cơ thể người mẹ thường xuyên là rất cần thiết” – ông cho biết.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo việc “đổ tội oan” cho sữa mẹ và tự ý cai sữa sẽ là thiệt thòi rất lớn cho em bé. Trẻ được cung cấp sữa mẹ đầy đủ sẽ ít bị các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch, các hội chứng chuyển hóa, bệnh lý ác tính về sau như bệnh về nội tạng, viêm ruột, tiểu đường type 1/type 2, huyết áp, cholesterol trong máu, thừa cân/béo phì… Theo PGS Ngô Minh Xuân, chỉ nên ngưng bú mẹ khi có các chỉ định y khoa như mẹ bị AIDS, bị nhiễm trùng tại vú (viêm, áp xe cả 2 bên vú, đầu núm vú…) hay một vài bệnh lý rối loạn chuyển hóa bẩm sinh rất hiếm gặp.
 Khi trẻ mắc các bệnh lý sơ sinh, phụ huynh nên bình tĩnh đưa bé đến cơ sở chuyên khoa để khám và luôn duy trì việc bú mẹ. BS Huỳnh Xuân Nghiêm
Theo NLĐ

 

Bình luận (0)