HS Trường THPT Phan Châu Trinh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn chương trình “Đúng ngành nghề – sáng tương lai”
|
Du học tại một quốc gia phát triển?, hay chọn hình thức du học “tại chỗ”?… cùng những thuận lợi và khó khăn khi lựa chọn hình thức này là những vấn đề được nhiều học sinh (HS) đề cập trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức.
Nhiều thuận lợi
Tại buổi tư vấn ở Trường THPT Phan Châu Trinh (TP.HCM), em Đặng Vũ Anh (học lớp 11A5) bày tỏ: Em rất muốn đi du học và đang có ý định “săn” học bổng của một số trường ĐH tại Mỹ, Úc, Canada. Tuy nhiên, vấn đề khiến em còn do dự là nguồn lực tài chính của gia đình không biết có đủ chi trả cho suốt quá trình học hay không. “Em đang băn khoăn giữa việc chọn đi du học hay học theo chương trình liên kết giữa Việt Nam với các trường ĐH quốc tế. Liệu bằng cấp và chương trình học có khác nhau hay không?”.
Có thể nói, du học là ước mơ của rất nhiều HS trước ngưỡng cổng tương lai. Thế nhưng, không phải ai cũng dễ dàng đạt được ước mơ này khi điều kiện kinh tế gia đình không cho phép. ThS. Trần Từ Duy, Trưởng phòng Hướng nghiệp – Tuyển sinh ĐHQG TP.HCM, cho biết: Nếu không tính học phí, trung bình một du HS sẽ phải mất ít nhất 25.000-30.000 USD/năm tùy vào quốc gia và phong cách sống của người đó bao gồm chi phí ăn ở, vé máy bay, bảo hiểm sức khỏe… Hình thức du học “tại chỗ” đang được nhiều phụ huynh và HS quan tâm do có nhiều lợi thế về kinh phí (thấp hơn 30-70% so với du học), phụ huynh được gần gũi, hỗ trợ con… Một trong những hình thức du học “tại chỗ” phổ biến nhất hiện nay là chương trình liên kết cấp bằng giữa một trường ĐH, CĐ Việt Nam và một trường nước ngoài. Với hình thức này, SV có thể học và nhận bằng ngay tại Việt Nam hoặc liên thông sang nước ngoài để hoàn tất chương trình. Bên cạnh đó, có nhiều trường ĐH, CĐ tư thục mới mở ở Việt Nam được đặt tên theo các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới sau khi mua chương trình học và liên kết cấp bằng với một trường ở quốc gia này. Chương trình đào tạo là chương trình chuẩn của hệ thống giáo dục từ chính quốc nên sẽ không có sự giảm bớt về nội dung cũng như yêu cầu của môn học. Hệ thống điểm thi hay hình thức thi cũng được thực hiện công bằng và nghiêm ngặt như tại chính quốc gia chuyển nhượng hay liên kết chương trình. Do đó, bằng cấp được công nhận cũng hoàn toàn giống như khi SV học tại quốc gia đó.
Phải cân nhắc kỹ lưỡng
Bên cạnh những cái được của hình thức du học “tại chỗ”, ThS. Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc truyền thông Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UFF) nhắc nhở HS phải cân nhắc tới những cái “mất” khi quyết định chọn hình thức du học “tại chỗ”, đừng vì ham mác bằng cấp quốc tế mà “đánh đu” bản thân với những chương trình đào tạo quá sức so với năng lực. Một điều dễ thấy nhất là chương trình du học quốc tế chủ yếu được giảng dạy bằng tiếng Anh nên HS phải đạt ít nhất 500 điểm TOEFL và 5,5 điểm IELTS trở lên mới đảm bảo đạt yêu cầu tối thiểu mà các trường ĐH có chương trình du học “tại chỗ” đặt ra. Trước và trong quá trình đào tạo, SV cũng phải trau dồi và hoàn thiện nhiều kỹ năng cũng như sự chủ động nghiên cứu theo phong cách quốc tế. Đây cũng chính là nhược điểm lớn nhất khiến SV Việt Nam thường hay nản lòng và ít được giảng viên nước ngoài đánh giá cao.
Bên cạnh đó, ThS. Phạm Doãn Nguyên cũng lưu ý HS và phụ huynh phải thẩm định cơ sở đào tạo trước khi có quyết định chính thức nộp đơn vào trường. “Chuyện giấy phép cấp bằng của các trường quốc tế trên cũng là vấn đề đáng quan tâm. Đã có trường bị buộc đóng cửa vì mở lớp đào tạo bậc ĐH, CĐ nhưng chỉ sở hữu giấy phép đào tạo ngắn hạn, khiến hàng ngàn SV “dở khóc dở cười” với tấm bằng không có giá trị tại Việt Nam. Trong bối cảnh các chương trình đào tạo gắn mác quốc tế ở Việt Nam ngày càng dày đặc thì việc tra cứu thông tin về những yếu tố đảm bảo chất lượng giáo dục, cơ hội nghề nghiệp từ mạng internet, từ những giảng viên và SV đã từng dạy và học ở trường đó, từ chính quyền địa phương… là điều hết sức cần thiết để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang””, ThS. Phạm Doãn Nguyên cho biết.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Hình thức du học “tại chỗ” đang được nhiều phụ huynh và HS quan tâm do có nhiều lợi thế về kinh phí (thấp hơp 30-70% so với du học), phụ huynh được gần gũi, hỗ trợ con… |
Bình luận (0)