Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dửng dưng trước dịch bệnh hoành hành

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Trường Tiểu học Nguyễn Nhược Thị, P.15, Q.8 là một trong những trường nằm trong khu vực  “nóng” về dịch bệnh SXHTrong thời gian gần đây, dịch sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng đang bùng phát mạnh trên địa bàn Q.8. Thế nhưng việc phòng chống dịch bệnh thì theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Đó là thừa nhận của lãnh đạo Phòng y tế Q.8 tại buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh SXH ngày 21-10. Tính đến ngày 9-10, Q.8 có 823 ca SXH, tập trung chủ yếu ở các P.4 – 81 ca, P.5 – 86 ca, P.7 – 108 ca, P.15 – 91 ca và P.16 – 72 ca.

Cán bộ y tế thờ ơ với dịch muỗi!

Tại buổi làm việc, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Từ nhiều năm nay, dịch bệnh SXH trên địa bàn TP.HCM diễn biến rất phức tạp. Tính đến nay, toàn thành phố có trên 9.300 ca nhập viện, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó Q.8 có số ca nhập viện nhiều nhất, ước tính trong tháng 10 này Q.8 có khoảng 200 ca nhập viện chiếm gần 1/2 số ca của thành phố. Trước đó, năm 2007, số ca SXH ở Q.8 đứng thứ hai, sau huyện Hóc Môn. Vậy đâu là nguyên nhân?”.

“Q.8 là quận ven nghèo, đa phần người dân có thói quen trữ nước trong lu, nhiều công trình xây dựng dở dang là điều kiện thuận lợi để lăng quăng và muỗi bùng phát, gây dịch SXH. Ngoài ra, Q.8 cũng có khá nhiều dân nhập cư, chủ yếu là công nhân. Điển hình như ở P.7 có tới trên 2.000 căn phòng cho thuê. Do thu nhập thấp nên công nhân ở khá mất vệ sinh, quần áo đắp đống 3-4 ngày mới giặt. Chính những đống quần áo như vậy đã tạo điều kiện cho muỗi phát sinh”, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng Q.8 giải thích.

Tuy nhiên theo ông Giang thì cán bộ y tế chưa thật sự lăn xả vào công việc chống dịch. “Tôi đã xuống tận nhà dân và thấy trong nhà có 3 cái lu to chứa nước, cả 3 cái đều không có nắp đậy. Khi tôi hỏi chủ nhà có biết cách súc rửa lu để ngăn chặn lăng quăng không, chị chủ nhà trả lời là biết nhưng không thể súc lu bởi: “3 cái lu quá to, trong nhà lại không có đàn ông”. Trong trường hợp này, cán bộ y tế phải xắn tay áo lên súc rửa lu cho người dân”, ông Giang kể lại.

Bà Đổng Thị Kim Vui – Bí thư Quận ủy cũng bức xúc: “Cách đây không lâu, tôi đã đi khảo sát công tác chống dịch tại một số phường. Khi đến trạm y tế của một phường, tôi cứ nghĩ đó là “nhà chờ giải tỏa vì đứng gần một giờ đồng hồ mà không thấy cán bộ y tế xuất hiện. Cán bộ y tế thiếu trách nhiệm như vậy thì dịch bệnh bùng phát cũng là điều dễ hiểu. Và thực tế phường đó là một trong những phường có số ca bệnh khá cao…”.

“Cán bộ y tế xuống nhà dân dập dịch nhưng chỉ cầm một cái vợt, tới nhà dân gặp chủ nhà hỏi: Nhà bác có lăng quăng không?, nếu chủ nhà trả lời không có thì bỏ đi luôn. Ngược lại, chủ nhà trả lời có thì ra lệnh: “Diệt lăng quăng đi nhé”. Về phía chính quyền địa phương, Đảng ủy phường, Công an phường, các đoàn thể trong phường cùng vào cuộc nhưng chỉ vào cuộc trên… “giấy”. Chúng ta cũng dập dịch nhưng làm chưa tới nơi, chỉ làm theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, bác sĩ Hiền – Phòng Y tế Q.8 tâm tư.

Ngăn dịch vào trường học

Trên địa bàn 5 phường 4, 5, 7, 15, 16 của Q.8 là điểm nóng về SXH, hầu như phường nào cũng có hàng chục ca. Bên cạnh đó các dịch bệnh tay chân miệng cũng bùng phát tại các phường cụ thể như P.15 có 15 ca, P.5: 13 ca, P.9: 12 ca, P.1, 3 và 4 đều có 11 ca. Trước dịch bệnh diễn biến phức tạp trên, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Q.8 đã đề nghị Phòng GD-ĐT quận tăng cường phòng chống dịch bệnh có thể lan vào trường học. Đối với dịch bệnh SXH, từ đầu năm học đến nay TTYTDP Q.8 đã tiến hành phun thuốc nhằm giảm mật độ muỗi tại các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn những phường trọng điểm. Về dịch bệnh tay chân miệng, đã cấp thuốc khử khuẩn cho các Trường Mầm non Thỏ Ngọc, Hoàng Mai 3, Sơn Ca, Vàng Anh, Mẫu giáo Việt Hoa, nhóm trẻ Bình Thuận, Khai Tâm. Đặc biệt, từ ngày 20 đến ngày 30-10, TTYTDP phối hợp cùng Phòng GD-ĐT tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại tất cả các trường mầm non…

Ông Giang cho rằng, việc dập dịch không phải là không làm được. Lấy huyện Hóc Môn làm ví dụ, năm 2007, Hóc Môn là địa phương có nhiều ca SXH nhập viện nhất thành phố. Ngay sau khi UBND huyện, Huyện ủy “ra tay” cùng ngành y tế thì đã bẻ được dịch. Đến nay, Hóc Môn là địa phương có rất ít ca SXH… “Riêng đối với dịch bệnh tay chân miệng, chúng ta chỉ cần tập trung lực lượng “đánh” vào những hộ gia đình có trẻ từ 5 tuổi trở xuống, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Ngành y tế cung cấp miễn phí thuốc cloramine B cho từng hộ dân để họ lau nhà, lau đồ chơi của trẻ. Ngoài ra, phải tích cực tuyên truyền để người dân biết “sợ”…”, ông Giang nhấn mạnh.

Bà Kim Vui chỉ đạo: “Ngay bây giờ toàn quận phải ra quân dập dịch. Trước mắt tôi đề nghị TTYTDP, Phòng Y tế quận khẩn cấp khảo sát và lên kế hoạch phun thuốc, diệt lăng quăng. Khi đi phun nhất định phải có công an khu vực đi theo, nếu hộ dân nào không hợp tác sẽ có biện pháp xử lý ngay. Song song, Phòng Y tế in tờ rơi phòng chống bệnh càng ngắn gọn, dễ hiểu càng tốt phát tới tận hộ dân. Về lâu dài, toàn dân tích cực làm vệ sinh môi trường, mỗi ngày cuối tuần đều là “ngày chủ nhật xanh”…”.

Bài & ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)