Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng ép trẻ “chín non”

Tạp Chí Giáo Dục

Xin đừng nhìn chất lượng qua số con chữ đã đọc hay số phép tính đã làm. Đó chỉ là hình thức, không nuôi dưỡng và đánh giá được tiềm năng thật sự. Nên đổi lại một cách nhìn thấu đáo hơn: chất lượng nằm sâu trong ý thức và tiềm thức, rồi phát tiết ra ngoài thành trí tuệ và tâm hồn.
Vậy dưới góc độ “trồng người” (nhất là ở tuổi thơ), việc “cấy” con chữ chớ vội làm sớm và làm gấp. Mà ngay cả khi học chữ nó cũng không cơ bản bằng “cấy” kỹ năng.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện – một nhà văn hóa lớn – lúc sinh thời đã dày công nghiên cứu rất nhiều về tâm lý học hành của trẻ em. Ông không bao giờ ủng hộ những cách dạy bắt trẻ phải hi sinh tuổi thơ để đổi lấy con chữ. Ông quan niệm tuổi thơ tiền học đường chưa nên học chữ nhiều, mà nên luyện dần các kỹ năng biết tự lo cho mình.
Ông thường nói: “Chạy đua học chữ viết không bằng thi nhau học kỹ năng. Chạy đua học kỹ năng đọc không bằng thi nhau học kỹ năng sống. Chạy đua học kỹ năng nói không bằng thi nhau học kỹ năng làm”. Nghĩa là chính sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, chính cuộc sống trước mắt và sự nghiệp sau này của trẻ khiến ta phải dạy như thế nào đó để trẻ phải biết coi trọng kỹ năng và thái độ hơn kiến thức và chữ nghĩa.
Nhà giáo dục nổi tiếng ở Mỹ – bác sĩ tâm lý Benjamin Spock, người từng viết nhiều sách về chăm sóc và giáo dục trẻ thơ, đã nhiều lần lên tiếng báo động về cách dạy trẻ thơ mà ông cho là ấu trĩ. Ông nói: “Cách dạy ấu trĩ nhất là cách làm cho trẻ biến thành cụ non. Cách dạy già dặn nhất là cách làm cho trẻ phát triển một cách tự nhiên, hài hòa theo tâm sinh lý lứa tuổi, không ép uổng, không thúc giục. Trẻ con phải học theo kiểu trẻ con”.
Phân tích tâm lý những trẻ bị học sớm, học ép, học dồn, học đuổi… cho thấy có bốn điều tác hại sau đây:
1. Vì luôn phải đối phó một cách thụ động và không hứng thú, nên trẻ mất dần tính hồn nhiên, linh hoạt và năng động vốn có.
2. Vì luôn chịu sức ép từ nhiều phía (nhất là giáo viên) nên trẻ rất dễ bị sốc, đổi tính, từ hiền lành sang bất mãn và dễ nổi loạn.
3. Với những trẻ đã sớm biết đọc biết viết (do ép mà thành) dễ có tâm lý tự cao tự đại và coi khinh những bạn chưa biết gì. Tai hại hơn nữa là nảy sinh tâm lý chủ quan mỗi khi vào lớp, lơ là học tập (nghĩ mình đã biết nhiều rồi, làm đúng cách rồi)!
4. Ngược lại, với những trẻ vào lớp 1 mà “chưa biết gì” thì tự ti mặc cảm so với các bạn khác “đã biết nhiều”. Những trẻ này phải “bơi” theo các bạn khác suốt năm lớp 1 nên không chỉ bị đuối sức, hoang mang mà còn dễ bị triệt tiêu cả chí khí và lòng tin vào sự học.
Tóm lại, tất cả trẻ thơ như búp trên cành, xin đừng ép chúng thành hoa lìa cành sớm khi còn xanh! Không nên xem việc biết đọc biết viết là quả chín ngọt của tuổi tiền học đường (trước lớp 1). Nếu ép nó chín, chỉ là chín non, thiếu dưỡng chất và sẽ gây hậu quả.
QUANG DƯƠNG (nhà nghiên cứu giáo dục)
Theo TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)