Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dùng facebook, chớ nên ngộ nhận!

Tạp Chí Giáo Dục

Việc dùng facebook không cân nhắc dẫn đến những phiền toái mà Báo Giáo dục TP.HCM phản ánh thời gian gần đây là một thực trạng phổ biến hiện nay trong xã hội, nhất là đối tượng học sinh.

Có lần, tôi chụp vài tấm hình tập thể của lớp tôi chủ nhiệm, rồi đưa lên facebook. Hôm sau, có em học sinh nói với tôi rằng: “Hình thầy chụp đẹp thiệt đó, thầy đưa cả lên báo luôn. Em coi hôm qua!”. Tôi giật mình hỏi: “Báo nào? Hồi nào?”. Em ấy bảo: “Thì trang facebook của thầy chứ đâu, em thấy like nhiều lắm!”. Tôi phân trần: “Đó không phải báo đâu em. Facebook của thầy chỉ là một dạng trang mạng cá nhân mà thôi”.

Trên thực tế có rất nhiều người trẻ ngộ nhận facebook là báo chí. Và chắc chắn suy nghĩ này sẽ còn tranh cãi. Giống thì cũng giống đấy, vì trang mạng xã hội này thiên hình vạn trạng, thứ gì cũng có ở trên ấy. Nhưng cũng khác với báo chí truyền thống nhiều lắm, một trời một vực, nếu không biết phân biệt mà ngộ nhận thì dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Hầu hết các tờ báo hiện nay đều lấy công cụ facebook làm cầu nối thuận tiện đến người đọc, vì thế sự ngộ nhận càng lớn hơn. Gọi là báo chí khi nó là một cơ quan truyền thông chính thống. Khi ấy, những thông tin được cập nhật là những thông tin có độ tin cậy tuyệt đối. Cơ quan đưa tin chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực và khách quan. Người lấy tin và cơ quan đưa tin hoạt động một cách chuyên nghiệp.

Đồng ý rằng có những cái hay, thế nhưng nhìn vào thực tế hiện nay trên các trang mạng xã hội, nhất là facebook, có thể thấy quá nhiều bát nháo, nhiễu loạn thông tin trầm trọng. Rầm rộ nhất là những trang giật gân, những tin bịa đặt, nhạt nhẽo, những hình ảnh gán ghép, lá cải. Mục đích là để câu like, để lừa đảo… Đáng tiếc là những trang thông tin như thế lại được vô số người thích thú và chia sẻ. Khi đã ngụp lặn vào đấy thì càng ngộ nhận, tự thấy mình hiểu biết nhiều hơn lên. Và quan trọng nữa, là không còn thời gian để nhận thức những tri thức cần kíp qua các phương tiện truyền thông chính thống xung quanh. 

Học sinh hiện nay hầu hết đều sử dụng facebook, và đều hiểu được tính hai mặt tốt và xấu của nó. Nhưng hầu hết các em hồn nhiên, vô tư sử dụng theo phong trào, theo số đông mà ít người nhận thức cái hay, cái dở của nó. Cứ tưởng rằng mình hiểu biết thật nhiều đấy. Nhưng khi hỏi đến những thông tin thật cần thiết, thật có ý nghĩa xã hội thì lại lúng túng, ngập ngừng.

Từ thực tế trên, thiết nghĩ những người có trách nhiệm, như gia đình, nhà trường, xã hội cần phải có biện pháp để định hướng cách sử dụng trang mạng xã hội này cho giới trẻ. Hơn ai hết, chính học sinh phải thấy rõ tính hai mặt như “con dao hai lưỡi” của facebook và nhất thiết phải biết cầm dao!

Trn Ngc Tun

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)