Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng ham cua biển bán dạo

Tạp Chí Giáo Dục

Người bán cua dạo tràn ra đường mời khách (ảnh chụp trên đường Phạm Văn Bạch – Q.Tân Bình – TP.HCM)
Thời gian gần đây, cua biển được bán dọc các tuyến đường lớn ngoại ô của TP.HCM với giá rất rẻ. Nhiều người mua rất vui mừng vì nghĩ sẽ được ăn loại hải sản dinh dưỡng cao này một cách quá thuận lợi. Nhưng khi mang về chế biến thì mới tá hỏa vì cua không có thịt mà chỉ toàn vỏ và nước thôi…
Bị lừa vì “đầu voi đuôi chuột”
Cua biển được bày bán rất nhiều dọc hai bên các tuyến đường như quốc lộ 1A, Nguyễn Văn Linh (Q.7), Phạm Thế Hiển (Q.8), Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình)… với giá rất rẻ. Người đi đường sẽ nghe lanh lảnh tiếng la ó chào mời của những người bán dạo này, và chú ý ngay bởi tấm biển to khi nhìn thoáng qua thì giá cua bán rất rẻ. Tấm biển giới thiệu thì toàn các loại cua có danh tiếng như cua Cà Mau (có đăng kí bản quyền ở Cục Sở hữu trí tuệ) hay cua biển Bến Tre chắc, nhiều thịt… Đó là điều rất đáng hoài nghi bởi loại hải sản này thường có giá bán ở các chợ đầu mối cũng trên 200 ngàn/kg. 
Có mặt gần cầu vượt Quang Trung (quốc lộ 1A, đoạn qua Q.12), chúng tôi quan sát thấy hầu hết những người đi xe máy ngang đây đều ghé mắt vào thùng cua dạo của anh Nguyễn Thanh Giang đang bày bán ven đường, miệng luôn chào mời, tay cầm biển giá “40 ngàn1/2kg”. Do xe đông không tấp vào ngay được, đã qua khỏi chỗ bán cua gần 100m, nhưng chị Ngọc vẫn tìm cách quay lại. Sau khi chạy ngược chiều trong cảnh đông nghẹt người lúc buổi chiều cao điểm, mồ hôi nhễ nhại, chị thốt lên: “Ôi… trời! vậy mà tưởng 40 ngàn/1kg. Các ông hay thiệt đó nghen…”. Nhưng chị Ngọc vẫn mua 3kg cua với giá 80 ngàn/kg. Có lẽ chị cũng hiểu cua thịt với giá này vẫn còn rất rẻ. Và trong cảnh chiều sắp tàn, chúng tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp tương tự như chị Ngọc. Điều này cũng đã góp phần làm cho giao thông giờ cao điểm ở đây vốn ngột ngạt lại thêm rối ren hơn.
Sau khi bán hết gần 100kg cua, anh Giang vui vẻ chia sẻ: “Phải có “chiêu” chứ chú em, cái biển này chứ làm ăn được lắm à. Mình phải ghi như vậy mới gây chú ý, bởi khi người ta vất vả quay xe lại thì còn gì nữa mà không mua, trong khi giá này là “mềm” quá rồi, chứ trong chợ hơn 200 ngàn/kg cua thịt đấy”. Và hầu như ở các tuyến đường có bán cua dạo kiểu này đều có “chiêu” tương tự.
Ham rẻ nên phải “nuốt” giận
“Cua biển là loại hải sản có thể sống trên cạn không quá 10 ngày. Trong thời gian đó nếu cua có môi trường thoáng, nghĩa là không bị ngộp chết thì thịt cũng tự phân hủy do phải cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể sống của cua. Vì thế, lúc người tiêu dùng mua loại cua này thì cũng chẳng còn gì để ăn, nếu không muốn nói là rất nguy hiểm cho sức khỏe” – chị Cẩm Vân cho biết kinh nghiệm của mình sau hơn 30 năm làm nghề vựa cua.
Chị Nguyễn Thị Trang (nhà ở phường Tân Hòa Đông, Q.Tân Phú), cay đắng kể với chúng tôi về kinh nghiệm cũng như sự ân hận sau khi mua cua biển dạo với giá rẻ: “Thấy rẻ quá, tui mua 4kg cua. Về đến nhà chết hơn phân nửa. Số còn sống mang luộc ăn nhưng khi tách ra thì chẳng có thịt thà gì hết mà toàn nước tanh rình thôi. Số cua chết tôi tiếc không vứt bỏ mà mang nấu canh súp, để rồi thằng bé học lớp 3 con tôi phải nhập viện vì tiêu chảy…”. Chị khẳng định thêm sau này sẽ không mua cua kiểu này để ăn nữa.
Theo chị Cẩm Vân, chủ vựa cua biển 46 (Q.11 – TP.HCM) thì tại vựa của chị loại cua thịt giá rẻ nhất cũng dao động trên 150 ngàn rồi. Chị cho biết thứ cua được bán với giá rẻ ở lề đường là số cua bị loại vì tồn đọng lâu ngày nên mất hết thịt và rất yếu, chỉ có thể bán cho người chế biến thức ăn gia súc chứ loại cua này thương lái uy tín không mua. Theo chân anh Phong, tiểu thương chuyên bán cua dạo ở ngã tư Gò Mây (Q.Tân Phú) thì biết anh lấy hàng ở chợ đầu mối Bình Điền, tại vựa cua Sáu Hóa với giá 60 ngàn/kg. Anh Quốc Thắng, quản lí vựa cua này cho biết: “Đây là loại cua không bán được cho các chủ hàng có uy tín vì đã bị tồn đọng lâu ngày, chảy thịt hết rồi hoặc quá trình vận chuyển từ miền Tây lên cua bị ngộp và yếu lắm”.
Bài, ảnh: Mã Phương
Để không “rước bệnh” vào người
ThS.BS Nguyễn Trung Hòa – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.Gò Vấp – TP.HCM khuyến cáo: “Dinh dưỡng từ cua rất cao bởi nó chứa nhiều canxi có lợi cho xương đối với trẻ đang phát triển thể chất và những người thường xuyên vận động. Đặc thù của thực phẩm này phân hủy rất nhanh nên trẻ cũng như những người có thể trạng sức khỏe yếu sẽ không an toàn khi sử dụng chúng, đặc biệt nguy hiểm nếu sử dụng chúng trong quá trình phân hủy. Người bị cảm lạnh sốt, đau dạ dày, bị tiêu chảy, viêm dạ dày mãn tính, loét tá tràng, viêm túi mật, sỏi mật và những người bị bệnh viêm gan A, B, C nên hạn chế ăn cua. Người mắc bệnh tim mạch vành, bệnh huyết áp cao, xơ cứng động mạch, bệnh mỡ trong máu cao nên ăn ít hoặc không ăn, bởi vì trong gạch cua có chứa một hàm lượng cholesterol cao, không tốt cho người mắc những chứng bệnh trên. Người có thể chất quá mẫn cảm cũng nên kiềm chế trước món ăn hấp dẫn này”.
 
 
 

Bình luận (0)