Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng ham thực phẩm nhuộm màu

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, không ít loại thực phẩm được “làm đẹp” bằng cách nhuộm các phẩm màu, hóa chất độc hại để thu hút người tiêu dùng. Giữa “vàng thau lẫn lộn” người nội trợ nên có kiến thức và kinh nghiệm để nhận biết các loại thực phẩm bị lạm dụng nhuộm màu ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.

Sặc sỡ do lạm dụng phẩm màu

Để thu hút người tiêu dùng nhiều nhà hàng, quán ăn đã tận dụng các loại thực phẩm tự nhiên như cà rốt, cà chua, rau xanh, ớt, nghệ, mật ong để tạo nên màu sắc hài hòa cho các món ăn. Nhưng cũng có nhiều nơi thức ăn bị tẩm ướp, nhuộm màu với các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc. Dùng lâu ngày các loại thực phẩm này sẽ gây độc hại cho cơ thể. BS Đào Thị Yến Phi – Trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM) cho biết: “Để nhận biết sự độc hại của phẩm màu trong thực phẩm thì không thể kiểm tra được bằng mắt thường mà tốt nhất phải qua bước kiểm nghiệm chặt chẽ tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm”. Theo BS Phi, nhờ có kinh nghiệm lâu năm, một số nhân viên trong các viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm có thể nhận biết được thực phẩm màu độc hại bằng mắt thường trong một số trường hợp nhưng không phải là tất cả bởi vì một số thực phẩm hiện nay được nhuộm màu rất tinh vi. Một nhân viên ở Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết, cách đơn giản nhất là phát hiện bằng mắt thường sẽ thấy những món ăn được tẩm ướp màu hóa học luôn có màu sắc rực rỡ, bắt mắt hơn nhưng lại không còn giữ được vẻ tự nhiên như thực phẩm không nhuộm màu. Các món thịt quay nếu để tự nhiên thịt có màu vàng không đều, thế nhưng nếu được “tắm” các loại hóa chất phẩm màu thì có độ bóng láng, màu cánh gián đậm nhìn rất đẹp. Nhiều khi do màu nhuộm kém chất lượng nên miếng thịt quay không có màu nâu mật ong mà là màu hồng tươi rất lạ. Những miếng thịt gà quay, heo quay hay vịt quay như thế dù rẻ cũng không nên mua vì thực tế đã có lò heo quay tẩm ướp thịt bằng dầu véc-ni sơn gỗ.

Không nên chọn mua thực phẩm có màu sắc lạ, sặc sỡ  

Các loại xôi cẩm, xôi vị, xôi gấc hay mứt dừa, rau câu bày bán ngoài chợ dù mang danh nghĩa tự nhiên nhưng thực tế bao giờ cũng được chế biến bằng các loại phẩm màu cho đẹp mắt để “qua mặt” người tiêu dùng. Bởi vì đối với người kinh doanh các loại phẩm màu trôi nổi vừa dễ kiếm vừa rẻ hơn nhiều so với màu tự nhiên.

Có hiểu biết nhờ kinh nghiệm

Một kinh nghiệm cho thấy là các món ăn nhuộm màu thực phẩm thường có mùi lạ, đôi khi rất khó chịu. Các sạp bún, phở ngoài chợ hiện nay kinh doanh nhiều mặt hàng như mì trứng, bún, hoành thánh màu vàng “rất đặc trưng” chứ không phải màu vàng của trứng hay của nghệ. Nhìn bằng mắt thường các bà nội trợ đều biết là “hàng giả” được nhuộm màu không tự nhiên nên cần phải tránh xa. Các loại lạp xưởng màu hồng, màu đỏ lòe loẹt cũng là thực phẩm nhuộm màu bất bình thường. Có một đặc trưng nổi trội của các loại thực phẩm này là cầm lên ngửi thường có mùi hắc, hôi rất khó chịu mà nguyên nhân là tỷ lệ tẩm màu độc hại quá nhiều. Theo lời khuyên của BS Phi, tốt nhất người tiêu dùng nên chọn những loại thức ăn có màu tự nhiên, cảnh giác với màu sắc lạ bất thường. Đừng quá câu nệ màu sắc của thực phẩm. Nếu muốn làm đẹp mắt hơn thì mua về nhà tự tay chế biến bằng các loại thực phẩm có sẵn như các loại củ quả từ trái gấc, củ dền, lá dứa, lá cẩm… Cũng do nắm bắt tâm lý trẻ em thích các loại thức ăn có màu sắc sặc sỡ nên người chế biến thường cho nhiều loại phẩm màu không rõ nguồn gốc độc hại. Vì thế, hạn chế cho các cháu ăn kem, uống các loại nước giải khát, sirô ở trước cổng trường có màu sắc bất thường. Nếu được các cơ quan quản lý, kiểm tra và kiểm nghiệm thường xuyên chắc chắn sẽ hạn chế được việc người tiêu dùng mua nhầm các thực phẩm nhuộm màu độc hại như hiện nay.

Bài, ảnh: Quang Phan

“Nếu mua thực phẩm các bà nội trợ nên chọn các sản phẩm có bao bì, nhãn mác, có xuất xứ và xem kỹ về hạn sử dụng đặc biệt là những ghi chú về chất phụ gia, chất bảo quản. Có kinh nghiệm và hiểu biết sẽ giúp người tiêu dùng tránh được những “cái bẫy” của phẩm màu trong thức ăn” – BS Yến Phi khuyên. 

 

Bình luận (0)