Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Dùng hàng nội: “Chính doanh nghiệp phải tạo sức hút!”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hiện người dân đã cao hơn trước rất nhiều, nhưng hai chục năm nay các số đo về tay và cổ áo sơ mi vẫn không hề thay đổi – Ảnh minh họa.

Trường hợp thành công của chuỗi cửa hàng “Made in Vietnam” có thể khiến những quan điểm vẫn cho rằng người Việt "sính" hàng ngoại phải suy nghĩ lại.
Chỉ trong vòng vài năm, hàng trăm cửa hàng treo biển “Made in Vietnam” đã xuất hiện ở khắp Hà Nội, Tp.HCM cho đến các đô thị loại 2, loại 3. Điều này, một lần nữa khẳng định thực tế, nhiều người Việt Nam không chỉ coi trọng cái mác ngoại.
Bởi lẽ, với những sản phẩm gia công cho nước ngoài nhưng đã cắt mác được bán tại chuỗi của hàng “Made in Vietnam”, sự lựa chọn của người mua giờ chỉ còn lại giá trị của kiểu dáng, chất liệu, hay họa tiết trang trí… những tiêu chí đánh giá thực chất giá trị của sản phẩm.
Và các chủ doanh nghiệp Việt Nam, những người đang có nhiều lợi ích từ “làn sóng” đang dấy lên của trào lưu “người Việt dùng hàng Việt”, có thể qua đó lý giải vì sao tình hình kinh doanh của họ không tăng trưởng đột biến.
Đại diện cho phía doanh nghiệp làm dịch vụ thương mại, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, sau khi phát động phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì hiện nay, hàng Việt Nam đã chiếm 80% – 90% lượng hàng hoá trong các siêu thị. “Nhưng liệu có bán được không thì lại là chuyện khác”, ông Phú băn khoăn.
Người đứng đầu một tập hợp các doanh nghiệp có điểm bán lớn tại Thủ đô nêu quan điểm rõ ràng rằng, để người Việt dùng hàng Việt một cách tự giác và tự nhiên thì “đừng nên đưa vào khuôn phép hành chính, mà chính doanh nghiệp phải tạo sức hút”.
Cũng đồng tình rằng hàng hoá của doanh nghiệp trong nước hiện nay đã có cải tiến hơn về chất lượng, giá cả phù hợp với túi tiền người nghèo, nhưng ông Phú đã chỉ ra nhiều yếu kém của hàng nội, đó là kém đa dạng, kém thay đổi mẫu mốt, ít nghiên cứu về người tiêu dùng…
“Ví dụ như hàng may mặc chẳng hạn, hiện nay người dân đã cao hơn trước rất nhiều, nhưng hai chục năm nay các số đo về tay và cổ áo sơ mi vẫn không hề thay đổi”, ông Phú nói. Và điều này đã làm giật mình nhiều doanh nghiệp, vốn lâu nay vẫn cho đây là chuyện nhỏ nhặt.
Nhìn từ góc độ người bán hàng, từ những kinh nghiệm tiếp xúc với đủ loại đối tượng người mua, ông Phú nhận xét rằng, đối với nhiều người nhiều giá cả lại không phải là vấn đề chính. Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng đưa ra lời khuyên cho nhà sản xuất là phải bám sát lấy thị hiếu của từng đối tượng mình cung cấp hàng hoá.
“Đã là nhà kinh doanh thì phải biết tâm lý của các đối tượng khách hàng. Đâu phải thị hiếu của người tiêu dùng, ai cũng giống ai”, ông Phú nêu quan điểm.
Có những điểm yếu của nhà sản xuất Việt Nam đã được nhắc đến rất nhiều, nhưng mức độ cải thiện lại chẳng đáng là bao. Phổ biến nhất và cũng làm cho các doanh nghiệp và sản phẩm nội giảm vị thế, đó là tính liên kết yếu giữa sản xuất và phân phối, khiến cho giá bán đội lên cao.
“Nhà sản xuất hiện nay cũng mở cửa hàng bán lẻ, trong khi đó trong siêu thị không có hàng để bán, và cả hai “ông” đều phải vay ngân hàng để kinh doanh bán lẻ. Thế tại sao không giao bán đại lý cho nhau?”, ông Phú tỏ ra khó hiểu với việc không ít doanh nhân nội quay lưng với lợi ích của chính mình chỉ vì tính cục bộ doanh nghiệp.
Và thực chất, “lỗi liên kết” đến từ hai phía. Một bên thì doanh nghiệp sản xuất nhảy ra bán lẻ, còn một bên thì chính các siêu thị cũng tự dựng “hàng rào” cản trợ doanh nghiệp đưa hàng đến với mình.
“Hiện nay nhiều mặt hàng muốn vào siêu thị tại Hà Nội có khi hàng tháng trời chưa vào được. Có rất nhiều vấn đề trong cơ chế hành chính, những tiêu cực phí cũng có ở trong đó. Cho nên là chúng ta tự tay trái đánh tay phải thôi”, ông Phú thẳng thắn nhìn nhận.
Một điểm yếu khác là việc kém “sống chết” với sản phẩm mình làm ra của nhà sản xuất trong nước. Đại diện của nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại cho hay, dịch vụ hậu mãi, bảo hành của doanh nghiệp trong nước rất kém. Hơn nữa, nếu người tiêu dùng có vấn đề gì cần khiếu nại thì không biết bấu víu vào đâu.
“Vấn đề xây dựng thương hiệu, chữ tín của hàng nội địa rất kém. Tại sao Metro ở xa tít ngoài ngoại thành mà người ta vẫn tìm đến mua!”, ông Phú đặt vấn đề.
Và thực tế, việc tuyên truyền, quảng bá cũng là một khâu yếu nữa của doanh nghiệp, sản phẩm nội. Kinh phí tuyên truyền quá ít là một thực tế, điều này gây khó khăn cho cả người mua và người bán.
 Theo VnE

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)