Đọc dự thảo điều lệ trường tiểu học mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, nhiều giáo viên tiểu học đã có chung ý kiến về điều 17 và điều 38.
Điều 17 về lớp học, tổ học sinh, điểm trường đã quy định lớp học có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản, trưởng ban… là một sự hình thức hóa từ ngữ cho mới lạ. Lý giải các chức danh này là vì do học sinh tự bình bầu, tự quản, tự học, biết làm việc nhóm trong các hoạt động, học tập… Điều đó không chính xác. Bởi trong thực tế những năm qua, ở nhiều trường, thầy cô đã cho học sinh tự bầu lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó và cũng có lớp thay đổi các cán bộ lớp theo từng tháng. Việc cho học sinh tự quản, tự học, làm việc nhóm… là do cách tổ chức hoạt động giáo dục của giáo viên chứ không phải do chức danh chủ tịch hay lớp trưởng. Những từ lớp trưởng, lớp phó… dường như là từ ngữ truyền thống của lớp học từ bao đời nay, nó gần gũi, dễ hiểu trong môi trường giáo dục, sao lại thay thế bằng một từ ngữ phổ biến nhiều trong xã hội, trong các ngành nghề khác? Sử dụng như thế không khéo sẽ có nhiều chủ tịch tặng sách, tặng hoa, tặng quà… cho thầy cô, bạn bè trong tương lai; sẽ có nhiều chủ tịch con tặng quà cho chủ tịch cha, chủ tịch mẹ trong gia đình. Bởi tâm lý lứa tuổi, các em sẽ cảm nhận rằng chức chủ tịch của mình “ngon lành” như của người lớn. Do đó, sử dụng từ lớp trưởng, lớp phó… mang tính truyền thống và đặc thù của môi trường giáo dục hơn.
Điều 38 về các hành vi giáo viên không được làm, trong đó có không được “Uống rượu bia, hút thuốc lá khi tham gia các hoạt động giáo dục ở nhà trường” còn rất mơ hồ. Đã có quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, vậy thì điều cấm này có cần thiết không hay lại tạo điều kiện cho giáo viên hút thuốc trong giờ nghỉ trong trường. Có giáo viên nào uống rượu trong giờ dạy? Trong thời gian giảng dạy, giáo viên không uống rượu nhưng trước giờ dạy đã dự tiệc có uống rượu, thậm chí uống say thì có được lên lớp không? Cũng trong điều 38, giáo viên không được “sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp” liệu có khả thi trong thực tế? Ban giám hiệu, công đoàn… làm sao có thể kiểm soát hết được việc sử dụng điện thoại di động của giáo viên trong giờ dạy. Mặt khác, hiện nay, việc sử dụng điện thoại thông minh khá phổ biến nên gần như nhiều thông báo, tin tức khẩn thiết, ban giám hiệu và các bộ phận trong trường học thường thông tin qua điện thoại đến từng thành viên cho nhanh hơn là phải có người đi đến từng lớp thông báo. Phụ huynh học sinh khi có điều cần gấp cũng liên hệ với giáo viên qua điện thoại. Quy định này có xa rời thực tế không?
Giáo viên tiểu học rất mong những quy định phù hợp với thực tế và gần gũi với môi trường sư phạm hơn.
Lê Phương Trí
(Giáo viên Trường TH Đống Đa, Q.4, TP.HCM)
Bình luận (0)