Hàn gắn hạnh phúc vợ chồng để con cái vui vẻ là điều mà HĐXX luôn hướng tới (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Th.Lê |
Phiên tòa kết thúc, anh đứng dậy ra về với vẻ mặt hoan hỉ, không giấu được niềm vui. Bằng những lời lẽ tha thiết, chân thành của một người biết ăn năn, hối lỗi hẳn không HĐXX nào nỡ chia rẽ, xóa bỏ quyền được làm cha, làm chồng của anh. Nhưng thực tế không phải vậy…
Ngày nào cũng… nhậu
13 năm trước, chị Huỳnh Thị Thảo và anh Ngô Ngọc Khương (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) thương yêu và đến với nhau bất chấp sự phản đối của gia đình chị.
Rồi cháu Ngô Tấn Sang chào đời, những tưởng hạnh phúc giữa hai vợ chồng càng thêm trọn vẹn, khắng khít. Không ngờ từ khi sinh ra, Sang đã bị bại não, chỉ nằm liệt một chỗ. Anh Khương vốn đặt nhiều kỳ vọng ở đứa con trai nhưng nhìn con như vậy, anh đâm ra chán nản. Ngày trước đã nhậu, giờ có con, chẳng những anh không san sẻ được gánh nặng kinh tế cho vợ mà còn tìm đến với rượu bia nhiều hơn. Thương con, đồng lương công nhân ít ỏi, chị Thảo gần như khánh kiệt mỗi khi con trở bệnh. Mâu thuẫn lên cao trong một lần Sang bệnh nặng, chị Thảo điện thoại nhờ chồng về đưa con đi viện. Đáp lại, anh Khương trả lời: “Hôm nay thứ bảy, là ngày… nhậu chứ không bệnh đau gì hết!”. Anh bỏ mặc chị nước mắt ngắn dài, một mình đưa con đến viện. Uất ức, chán nản, chị Thảo viết đơn ly hôn.
Chỉ muốn… “hành” vợ
Tại phiên tòa sơ thẩm TAND quận Thủ Đức, đơn ly hôn của chị Thảo không được tòa chấp nhận. Khi được hòa giải, anh Khương tỏ rõ sự ăn năn và hứa sẽ có trách nhiệm, là người chồng, người cha tốt, thương yêu và chăm lo cho vợ con đầy đủ. Thế nhưng, vừa bước ra khỏi sân tòa, anh đã… quay mặt, cho rằng chị Thảo có người đàn ông khác nên “đừng hòng đến được với nó! đừng hòng… ly hôn”.
Chị Thảo kể, sau phiên tòa hôm ấy, chị gần như sống dở chết dở vì đi đâu cũng bắt gặp ánh mắt xoi mói, những lời lẽ cợt nhả của vài người đàn ông trong xóm vốn là bạn nhậu của anh Khương. Chẳng là vì anh Khương đi… “rao” với họ về chuyện của gia đình hiện tại. Không dừng ở đó, anh Khương còn dọa, nếu chị Thảo tiếp tục xin phúc thẩm ly hôn, anh sẽ kể hết những gì hai vợ chồng từng có với nhau suốt 13 năm cho cả thiên hạ biết! “Nhưng tôi vẫn quyết tâm ly hôn chứ vợ chồng không còn tôn trọng, thương yêu nhau nữa thì níu giữ, gắn bó với nhau để làm gì. Vậy mà, ngày TAND TP.HCM gọi lên xử phúc thẩm, ông ấy còn nói: “Tòa mà xử ly hôn, khi về qua cầu Bình Triệu tôi đẩy cô xuống cho chết!””, kể đến đây, chị Thảo bật khóc.
Trong phiên tòa phúc thẩm, khi được chủ tọa hỏi: “Có phải nuôi một đứa con tật nguyền, anh… mệt quá nên muốn bỏ ngang?”. Anh Khương vẫn lắc đầu nguầy nguậy, cho rằng: “Tôi thương vợ con rất nhiều, nhưng mỗi lần đến thăm thì gia đình vợ cấm cản, không cho vô nhà. Con tôi dù không đi đứng được nhưng cũng đã 12 tuổi rồi, nếu không có tôi, mỗi lần trở bệnh cô ấy sẽ rất vất vả để bồng ẵm con đi viện”. “Vậy anh làm gì để chứng minh mình là người chồng, người cha tốt nếu tòa bác đơn ly hôn của chị Thảo?” – vị chủ tọa tiếp tục. Anh Khương đáp: “Tôi hứa sẽ có trách nhiệm hơn. Ngày xưa tuần nhậu… bảy ngày, giờ tôi sẽ giảm xuống hai, ba ngày để còn dành tiền thuốc thang cho con. Có ai muốn nhìn một đứa trẻ bị chia rẽ, thiếu cha vắng mẹ”…
Sau khi nghị án, TAND TP.HCM vẫn giữ nguyên quyết định của phiên sơ thẩm. Anh ra về với vẻ mặt đắc thắng. Chị lặng lẽ ngồi lại giữa khán phòng. Bản chất của những phiên ly hôn đều là hòa giải nếu tòa nhìn thấy cuộc hôn nhân còn cứu vãn được. Sự thành khẩn của anh đã chiến thắng. Còn chị, ly hôn cũng chưa hẳn là một lối thoát để mở cánh cửa đi vào con đường mới. Nhưng nó sẽ mang đến sự thảnh thơi, thanh thản để an lòng tiếp tục nuôi con.
Tuyết Dân
Chị Thảo cho biết: “Ông ấy không muốn ly hôn, không phải vì xuất phát từ tấm lòng của một người cha có trách nhiệm mà chỉ là sự ích kỷ, muốn… hành hạ vợ con đến suốt đời”. |
Bình luận (0)