Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng khổ vì mỳ cay

Tạp Chí Giáo Dục

Mỳ cay là món ăn truyền thống của một số quốc gia trên thế giới. Thời gian gần đây món mỳ đặc biệt này đang làm quen với khẩu vị người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia dinh dưỡng, ăn nhiều mỳ cay có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như viêm loét tá tràng, gây cảm giác khó chịu và cả ngộ độc.

Các bạn trẻ đang thưởng thức món mỳ cay

Ăn theo phong trào

Trong ngày sinh nhật của mình vào cuối tháng 6, Lê Vân – SV năm 3 của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã mời nhóm bạn 5 người ra khu ăn uống tự phát trên đường Phạm Văn Đồng thưởng thức món mỳ cay. Theo lời giới thiệu của Lê Vân, các tô mỳ được gọi hôm đó chỉ cay ở cấp độ nhỏ còn nếu gọi theo cấp độ cao hơn thì ăn vào nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Đây cũng là điểm hẹn và “lối đi về” quen thuộc gần đây của nhiều nhóm bạn trẻ là HS, SV và cả công nhân ở mấy khu vực xung quanh đó.

Tuy không phải là “đệ tử” ruột của món mỳ cay nhưng mấy lần đến nhà người quen quốc tịch Hàn Quốc trên đường Hồng Hà, Q.Gò Vấp, vợ chồng anh Tình ngụ ở P.6, Q.3 cũng đã một đôi lần được chủ nhà chiêu đãi những món ăn truyền thống xứ kim chi trong đó có mỳ cay. Trong một lần đi liên hoan cuối tuần, chúng tôi đã ghé vào một quán ăn trên đường Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình. Mang danh nhà hàng ẩm thực mang hương vị Hàn Quốc nên món ăn nào cũng cay như món kim chi. Nhìn vào thực đơn ở đây đủ các món mỳ như mỳ cay kim chi hải sản, mỳ cay kim chi bò, mỳ cay cá, mỳ cay tôm càng. Tùy theo tên gọi mà các tô mỳ được chế biến khác nhau giống như các món phở, hủ tiếu mà thôi. Giá cả cũng dao động từ 40 đến 80 ngàn đồng một tô. Nói là tô nhưng đó là cái nồi nhỏ có màu đen như mấy chiếc nồi đất ở quê. Theo giới thiệu của nhân viên nhà hàng, mỳ cay ở đây có 7 cấp độ tùy theo khẩu vị của từng người. Gia vị chủ lực là các loại ớt nhập nước ngoài chủ yếu là ớt Naga cay hơn ớt nội địa. Mặc dù hôm đó có vài người kêu món mỳ cay cấp độ 2, 3 nhưng ai ăn vào cũng vã mồ hôi, chảy nước mắt nước mũi và miệng cứ xuýt xoa vì chưa quen độ cay ấn tượng đó. Cũng vì độ cay mà tô mỳ đã tạo nên độ “hot” trong trào lưu ăn uống của các bạn trẻ gần đây.

Coi chừng “con dao hai lưỡi”

Theo khuyến cáo của PGS.TS Hồ Bá Do, không nên ăn quá nhiều ớt trong mỗi bữa ăn nhất là xứ nắng nóng. Nếu ăn nhiều trong một lần, dễ gây cảm giác khó chịu như nóng bỏng miệng nhất là lưỡi, ăn cay quá mức chịu đựng có thể gây ngộ độc. Việc lạm dụng chất cay sẽ là con dao hai lưỡi gây cảm giác nôn mửa, tiêu chảy, khó chịu bồn chồn vì đây là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể theo phản xạ tự nhiên. 

Chị Hải – chủ quán mỳ cay mới mở trên đường Tô Vĩnh Diện, Q.Thủ Đức cho biết, trước đây do bán hủ tiếu quá ế, nghe lời khuyên của hai đứa cháu là SV nên mở đại quán mỳ cay không ngờ khách đến lai rai. Theo chị Hải, cũng nhờ cháu mà chị biết nấu thêm món ăn lạ này. Đây là khu có nhiều SV ở nên quán có vẻ ăn nên làm ra nhất là mấy buổi chiều cuối tuần cũng được 5, 7 chục tô. Phạm Xuân Hợp – SV của Trường ĐH Thủy Lợi (cơ sở 2 tại TP.HCM) chia sẻ: “Thực ra mỳ cay không phải là món ăn mới lạ nhưng gần đây nhiều bạn thích chạy theo trào lưu nên cố gắng ăn một lần cho biết. Nhiều bạn ăn để trải nghiệm bản thân và đôi khi cả lấy le bạn bè”. Mặc dù là dân miền Trung chịu ăn cay nhưng một đôi lần Hợp cũng đã “đầu hàng” món ăn khó nuốt này. Theo lời khuyên của chàng SV năm thứ 4 Khoa Kỹ thuật công trình thủy, không nên ăn mỳ cay vào mùa nắng nóng. Mỳ cay chỉ thích hợp với thời tiết se lạnh hay mưa càng nhiều ăn càng ngon miệng. Đây cũng là lời khuyên của các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng. Ớt là loại thực phẩm chứa nhiều khoáng chất, vitamin C và A, kích thích ăn ngon miệng, tăng sức đề kháng và chống ôxy hóa. Vì thế theo PGS.TS Hồ Bá Do – Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng – ớt được coi là một vị thuốc quý mang yếu tố hỗ trợ vì ngăn ngừa được bệnh tim mạch, tránh tăng huyết áp, giảm mỡ máu, hạn chế ung thư… Tuy nhiên, những người hay bị ợ chua, đau dạ dày, viêm tá tràng nặng thì không nên ăn ớt, việc lạm dụng lại cần phải tránh. Theo khuyến cáo của PGS.TS Hồ Bá Do, không nên ăn quá nhiều ớt trong mỗi bữa ăn nhất là xứ nắng nóng. Nếu ăn nhiều trong một lần, dễ gây cảm giác khó chịu như nóng bỏng miệng nhất là lưỡi, ăn cay quá mức chịu đựng có thể gây ngộ độc. Việc lạm dụng chất cay sẽ là con dao hai lưỡi gây cảm giác nôn mửa, tiêu chảy, khó chịu bồn chồn vì đây là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể theo phản xạ tự nhiên. “Điều đáng nói là gần đây mình thấy một số quán mỳ cay còn treo giải thưởng ăn cay theo cấp độ để thu hút khách. Mình khuyên các bạn trẻ hãy “liệu cơm gắp mắm” chứ đừng vì hãnh diện hão mà chuốc lấy hậu quả không hay” – Phạm Xuân Hợp chia sẻ.

Bài, ảnh: Quang Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)