Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đừng khóc nếu điểm cao mà vẫn bị từ chối!

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện đáng chú ý nhất mùa tuyển sinh đại học năm nay là hai em học sinh điểm rất cao nhưng bị từ chối vào trường an ninh và nhiều học sinh thi xong không biết chọn trường nào vì quá nghèo.

Em NNQ (Lạng Sơn) đạt 30,5 điểm nhưng hồ sơ của em bị Học viện An ninh nhân dân từ chối vì án tích của cha 20 năm trước. Em TTĐ (cũng ở Lạng Sơn) đạt kết quả thi hơn 30 điểm nhưng không đủ điều kiện chính trị đỗ Học viện Cảnh sát nhân dân do ông nội em đã làm việc cho thực dân Pháp. Hai em đều đã gửi thư xin Bộ Công an xem xét. Theo em Đ., gia đình em rất nghèo nên em muốn vào học viện để đỡ gánh nặng chi phí cho gia đình.

Hãy dám lựa chọn con đường khác

Luật sư Lê Văn Luân (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ: “Tôi muốn nhắn tới các em, cuộc sống này có rất nhiều con đường để đi. Đừng buồn bã, khóc lóc vì nó không thay đổi được gì cả. Tôi hiểu tâm lý của các em khi không được vào trường học mình muốn nhưng phải thích nghi hoàn cảnh. Ngày xưa tôi đã từng mê ngành an ninh mê mệt”.

Luật sư cho biết vì có một dị tật nhẹ ở tay nên giấc mơ trở thành công an của anh mãi mãi không thể chạm vào được. Vì vậy anh đã để cha mẹ chọn trường thay cho mình. Anh thi vào ngành dầu khí theo nguyện vọng gia đình bởi ngành này rất hot thời điểm đó và “dễ xin việc, dễ kiếm tiền” . Lúc đó, nhà anh cực kỳ khó khăn, cả gia đình vẫn đang ở nhà thuê, mẹ anh buôn bán lặt vặt ở chợ. Anh vừa giúp mẹ buôn bán, vừa làm gia sư. Có những thời gian anh phải dừng việc học vì thiếu tiền và thiếu thời gian học. Cuối cùng, khi quyết định quay lại đại học, anh chọn Trường ĐH Luật để theo đuổi và tốt nghiệp lúc anh 25 tuổi, già hơn các bạn cùng khóa vài tuổi.

Anh nói: “Tôi rất tôn trọng ước mơ của các em nhưng tôi nghĩ không nên đau khổ làm gì vì trường an ninh có những quy định rất khắt khe. Đã là quy định thì không nên phá luật dù đây là trường hợp điểm cao đặc biệt, bởi như thế sẽ tạo tiền lệ xấu cho xã hội. Các em còn nhiều con đường để đi. Không có con đường nào duy nhất cả”.

Luật sư Luân cũng cho rằng hầu hết gia đình nghèo ở nông thôn rất muốn con mình được vào trường an ninh vì được Nhà nước lo toàn bộ chi phí ăn ở, học tập. Tuy nhiên, nhiều người còn thiếu thông tin nên không đủ tự tin về những cơ hội và xu thế tìm việc mới ngoài xã hội.

Biến cái nghèo thành cơ hội

ThS Lê Thị Diễm Trang, biên tập viên Đài PTTH Tây Ninh, chia sẻ: “Ngày xưa tôi chỉ muốn làm trợ lý giám đốc thôi. Nhưng nhà tôi rất nghèo nên đã chọn đại học sư phạm. Tôi nghĩ cần phải lựa chọn trường nào phù hợp với hoàn cảnh của mình trước đã, cuộc sống sẽ cho chúng ta cơ hội thứ hai, thứ ba…”.

Chị Diễm Trang cho biết để đủ tiền sinh hoạt ở TP, chị phải đi dạy thêm mỗi ngày hai ca. Thời gian đó em trai chị bị tai nạn, em gái chị phải nghỉ học đi làm công nhân. “Tôi lao đi làm để có đủ tiền lo cho bản thân và giúp em mình. Đến năm thứ tư, tôi động viên em gái đi học vì đã có đủ tiền lo cho em. Khi ra trường, tôi làm việc một thời gian rồi học thêm văn bằng hai. Cuối cùng, tôi cũng được làm trợ lý giám đốc như mơ ước trước khi tôi vào đài truyền hình làm việc. Các em tin tôi đi, tôi thi điểm thấp hơn các em, nhà tôi thời điểm đó thê thảm lắm, chắc nghèo hơn các em nữa”.

Chị cũng cho rằng sự trải nghiệm cuộc sống sẽ giúp các em có những góc nhìn khác về lý tưởng. Lý tưởng của các em là cống hiến thì không chỉ có riêng ngành an ninh mới có thể cống hiến cho đất nước.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Trường THPT Đoàn Kết, tỉnh Đồng Nai, cũng từng là một sinh viên nổi tiếng vượt khó khi còn ở trong trường đại học. Bản thân cô bị bệnh thận, gia đình khó khăn, một mình khăn gói từ miền quê Thanh Hóa vào TP.HCM đi học. Cô vừa học vừa làm, trải qua ca mổ khi đang học năm thứ ba. Học xong cô về công tác tại một trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Nai. Học sinh luôn tìm đến cô để xin lời khuyên khi gặp khó khăn.

Cô Hằng cho biết: “Tôi luôn động viên các em học sinh của mình hãy có đủ nghị lực theo đuổi điều mình thích nhưng hãy nhớ là không có cánh cửa duy nhất. Các em luôn có cơ hội thứ hai. Có những học trò của tôi thi vào những ngành rất hẹp, khó xin việc nhưng vì có thêm nhiều kỹ năng mềm tốt nên các em đã có việc làm rất tốt”.

Hãy tìm lối đi mới

Thejes Tom (25 tuổi, đến từ bang Kerala, Ấn Độ) đang học trường quản lý khách sạn tại New Zealand chia sẻ: “Tôi không chọn đại học vì tôi nghĩ rằng ngành quản lý khách sạn hiện nay đang rất cần nhân lực. Tôi chỉ mất hai năm để học và có việc làm ngay. Tôi biết mình sẽ có một tương lai tươi sáng ở đây.

Tôi vừa đi học vừa đi làm thêm cho một nhà hàng, họ trả cho tôi ít nhất 15 đô mỗi giờ. Nó đủ cho tôi trang trải việc học. Bạn có thể đến các nước phát triển học ngành này và cơ hội mở ra rất nhiều cho bạn. Còn nếu bạn cảm thấy không lo nổi chi phí thì có thể chọn một trường nào đó có cấp học bổng cho bạn, chỉ cần bạn có hồ sơ tốt. Cơ hội bây giờ rất rộng mở. Ở chỗ tôi học có nhiều bạn đến từ Philippines, Trung Quốc và khắp nơi trên thế giới…”.

________________________________

Cuộc sống không xảy ra theo cách mà chúng ta mong muốn và học cách chấp nhận không phải là bài học dễ dàng. Tôi tôn trọng ước mơ của các em và gia đình các em. Có những người chỉ dành cả đời để theo đuổi một ước mơ. Tuy nhiên, các em không phải những người duy nhất bị từ chối. Tôi khuyên các em nên chọn một lối đi khác phù hợp với hoàn cảnh của mình. Thất bại không phải là khi các em vấp ngã, mà là khi các em không chịu đứng lên.

ThS tâm lý NGUYỄN THỊ TRANG NHUNG, giảng viên ĐH Mở

HỒNG MINH (TTO)

Bình luận (0)