Học sinh vi phạm nội quy sẽ bị phạt… đọc sách, làm một việc tốt là những hình thức kỷ luật tích cực đang được nhiều trường học ở TP.HCM áp dụng, trong bối cảnh ngành giáo dục thành phố nỗ lực xây dựng trường học hạnh phúc.
Học sinh vi phạm bị phạt đọc sách được xem là hình thức kỷ luật tích cực cần nhân rộng (ảnh minh họa)
Phạt học sinh đọc sách khi vi phạm
Thay vì áp dụng hình thức kỷ luật học sinh vi phạm nội quy phải lao động công ích, dọn dẹp vệ sinh trường cùng với nhân viên lao công, từ đầu năm học này Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) đưa hình thức phạt học sinh vi phạm bằng cách… đọc sách. Hình thức kỷ luật mang tính giáo dục này ngay lập tức đã nhận được sự đồng tình của phụ huynh, học sinh và thu hút được sự quan tâm của dư luận. Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân) cho hay, với học sinh vi phạm, nhà trường sẽ yêu cầu các em đọc sách “Hạt giống tâm hồn”, “Người con hiếu thảo”… và viết lại bài cảm nhận sau khi đọc. Những bài cảm nhận này sẽ nộp lại cho thầy cô giám thị để đọc, đánh giá. Bằng hình thức kỷ luật này, nhà trường hướng đến hai mục tiêu: Trước hết là giáo dục cảm hóa học sinh bằng những câu chuyện giáo dục đầy nhân văn từ những trang sách, kế đó là đưa sách đến với học sinh, xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường. “Hiện nay trong giáo dục học sinh, nếu nhà trường vẫn áp dụng các hình thức kỷ luật học sinh như viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh vào làm việc, đình chỉ học tập có thời hạn…, theo tôi đã không còn phù hợp. Trong nhiều trường hợp, có thể hình thức kỷ luật sẽ càng khiến học sinh lún sâu vào những vi phạm. Đích đến của việc nhà trường áp dụng hình thức kỷ luật học sinh đó là phải giúp các em nhận ra hành vi của mình và tự mình sửa chữa, chứ không phải dùng hình thức kỷ luật để khiến học sinh khiếp sợ”, thầy Phú đánh giá.
Phạt học sinh đọc sách cũng là hình thức kỷ luật được Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Q.Gò Vấp) áp dụng đối với trường hợp học sinh bạo lực học đường. Đại diện nhà trường chia sẻ, khi học sinh tìm đến bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn với bạn bè là các em đã gặp vấn đề về tâm lý, khó kiểm soát bản thân. Hơn nữa, rõ ràng các em chưa tìm thấy sự tin tưởng ở người lớn mà ở đây chính là giáo viên, phụ huynh để chia sẻ, nhờ hỗ trợ, tháo gỡ. Chính vì thế, khi sự việc bạo lực giữa những học sinh xảy ra, nếu nhà trường ngay lập tức áp dụng hình thức kỷ luật mang tính răn đe cao như đình chỉ học tập có thời hạn sẽ khiến các em “đã tổn thương, càng tổn thương” hơn nữa. Đặc biệt, những vấn đề các em gặp phải có thể chưa được hóa giải, mâu thuẫn có thể vẫn tồn tại. “Đình chỉ học tập học sinh vi phạm có thể khiến các em sợ hãi ngay thời điểm đó. Nhưng để giáo dục học sinh thay đổi thì trong trường hợp này chưa phù hợp. Nhà trường mong muốn qua hình thức kỷ luật tích cực phạt học sinh đọc sách khi vi phạm sẽ giáo dục được học sinh thay đổi hành vi qua chính những trang sách”, đại diện nhà trường bày tỏ.
Kỷ luật tích cực mới chạm đến trái tim học sinh
Tại Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5), khi học sinh vi phạm nội quy trung tâm thì ngay lập tức phải làm một việc tốt để chuộc lỗi. Việc tốt đó có thể là hoạt động công tác xã hội như nấu bữa ăn tặng người khó khăn, dọn dẹp vệ sinh trung tâm hoặc đến các trung tâm bảo trợ trẻ em, người già để hỗ trợ… Điều đặc biệt là những việc làm của học sinh đều có sự chứng kiến của phụ huynh, đảm bảo rằng các em làm đúng, thực chất. Ông Đỗ Minh Hoàng (Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An) thông tin, khi áp dụng hình thức giáo dục này với học sinh vi phạm, từ đầu năm học trung tâm đã trao đổi với phụ huynh để thống nhất và nhờ phụ huynh cùng phối hợp. Chính vì thế phụ huynh rất đồng tình ủng hộ, giám sát sát sao để con thực hiện tốt. “Rất nhiều phụ huynh ban đầu cùng với con làm những việc tốt khi con vi phạm như cùng con chuẩn bị nhiều suất ăn tặng người khó khăn, sau này trở thành hoạt động mà cả nhà cùng thực hiện mỗi khi có dịp. Nhiều phụ huynh chia sẻ, con họ như thay đổi hẳn tính nết khi trực tiếp đến thăm các trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi, từ đó biết trân trọng hơn những gì mình có. Chúng tôi cho rằng đây chính là mục tiêu lớn nhất mà hình thức kỷ luật tích cực của trung tâm đạt được”, ông Hoàng chia sẻ. Theo ông Hoàng, đối với giáo dục học sinh, đặc biệt là đối tượng học sinh vi phạm thì chỉ có thể dùng tình yêu thương chứ không thể dùng sự răn đe. Chỉ bằng tình yêu thương người lớn mới có thể giúp các em nhận ra sai lầm của mình và sửa chữa.
Kỷ luật tích cực giúp cảm hóa học sinh (ảnh minh họa)
Ông Dương Trí Dũng (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) nhìn nhận, khi có bạo lực giữa học sinh xảy ra, nhà trường cần phải phối hợp hỗ trợ, từ thầy cô giáo chủ nhiệm, tư vấn tâm lý, phụ huynh học sinh… Giáo dục ở đây phải có hai vấn đề: Giáo dục để các em nhận thức hành vi của mình và có hình thức kỷ luật để răn đe. Tuy nhiên, kỷ luật như thế nào để các em nhận thức được hành vi mà sửa chữa, chứ không phải kỷ luật để các em sợ hãi. Sở GD-ĐT TP.HCM không khuyến khích nhà trường áp dụng hình thức kỷ luật làm gián đoạn việc học của học sinh. Trước những vụ bạo lực, xô xát giữa học sinh trong trường thì mỗi học sinh đều tổn thương, cần được quan tâm, chia sẻ. Việc tổ chức giáo dục, phối hợp giải quyết, xử lý các mâu thuẫn trong học sinh là trách nhiệm của nhà trường, nhưng phải phù hợp với quy định hiện hành, phù hợp với từng đối tượng và sự vụ cụ thể, không thể cứng nhắc. Phương án xử lý phải không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. “Giáo dục học sinh cần sự chung tay của cả xã hội chứ không chỉ riêng trách nhiệm của nhà trường, thầy cô giáo. Với bạo lực học đường, để giải quyết cần rất nhiều yếu tố phải cùng phối hợp. Trước hết, đó là sự làm gương của người lớn, bao gồm cha mẹ học sinh, thầy cô giáo và cộng đồng xã hội. Như vậy không gì khác là từ người lớn phải làm sao giáo dục, định hướng cho các em. Mỗi người lớn phải làm gương, phải thể hiện và hướng dẫn các em từ mỗi hoạt động trong nhà trường, trong gia đình, hướng dẫn các em kỹ năng để sử dụng mạng xã hội cho đúng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)